KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/07/2020 - Lượt xem: 76
Nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây nhãn tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên

Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên là 239,82 ha, trong đó diện tích trồng nhãn là 194,82 ha; trồng lúa là 30 ha (cấy 1 vụ/năm), diện tích trồng cây rau màu các loại (trồng xen canh) 15 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 12 ha. Xác định nhãn lồng Hưng Yên là cây chủ lực của địa phương, để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng, trong những năm qua, Ủy ban nhân dân xã Hồng Nam đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các mô sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGap, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhãn cho nông dân… Nhờ vậy, nhiều nông dân địa phương đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây nhãn. Trong năm 2019, xã đã lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận mới 30 ha với 174 hộ trên địa bàn xã, nâng tổng diện tích nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của xã lên 95,76 ha với 430 hộ tham gia.

Năm 2019, sản lượng nhãn quả trên địa bàn đạt 1.350 tấn, giá trị thu được đạt 33,8 tỷ đồng. Năm 2020, địa phương ước sản lượng nhãn quả đạt 2.900 tấn, giá trị thu được ước đạt 40 tỷ đồng, trong đó nhãn sớm đã thu hoạch 7 tấn, trị giá thu được ước đạt 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, để liên kết các hộ sản xuất, khẳng định thương hiệu, xúc tiến mở rộng địa bàn tiêu thụ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh nhãn lồng. Năm 2019, địa phương đã thành lập mới 01 Hợp tác xã nhãn lồng và chế biến nông sản làng nghề Điện Biên, nâng tổng số Hợp tác xã sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap của xã lên 04 Hợp tác xã và 01 Tổ hợp tác. Các Hợp tác xã và Tổ hợp tác thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chia sẻ những kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc nhãn cho các hộ thành viên; tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm nhằm tiêu thụ thị trường nội địa, các siêu thị trong nước và hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Cùng với đó, để khắc phục những tồn tại trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm long nhãn, thời gian qua, các cơ sở chế biến ở địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển thương hiệu long nhãn Hưng Yên. Các hộ sản xuất long nhãn tại đây đã được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật sấy long nhãn và các phương pháp bảo quản để thành phẩm tạo ra có chất lượng tốt nhất. Nhờ đó mà thương hiệu long nhãn Hưng Yên ngày càng được nhiều người biết đến và được xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc…Thành công này đã góp phần giúp cho những người dân làm nghề chế biến long nhãn ở Hồng Nam nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung đã khẳng định được chất lượng thành phẩm, nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm.

Giá trị kinh tế thu được từ cây chủ lực nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn đã giúp kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Năm 2019, tổng thu nhập toàn xã đạt 265,1 tỷ đồng, đạt 103,55%, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ nông nghiệp là 65,116 tỷ đồng, đạt 100,57%. Giá trị thu nhập/ha canh tác là 442,81 triệu đồng, đạt 100,6% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 55,38 triệu đồng, đạt 102,55%. Tỷ lệ hộ nghèo 1,14%; hộ cận nghèo 2,44%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập toàn  ước đạt 119,673  tỷ đồng, đạt 42,59%, tăng 3,435% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp thu 29,195 tỷ đồng, đạt 31,49%. Giá trị thu nhập/ha đất canh tác là 135,92 triệu đồng, đạt 31,49%, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,99 triệu đồng, đạt 42,57%, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Hộ nghèo 07 hộ, tỷ lệ 0,55%; hộ cận nghèo 30 hộ, tỷ lệ 2,37%.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã tích cực chỉ đạo và vận động nhân dân chăm sóc cây nhãn đặc sản, có giải pháp thay thế một số giống nhãn có năng suất, chất lượng kém bằng một số giống nhãn có năng suất, chất lượng cao vào việc thâm canh, sản xuất; chỉ đạo các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá giới thiệu để tiêu thụ tại các siêu thị và hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển các nghề truyền thống của địa phương, trong đó có nghề chế biến long nhãn, tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ phát triển để tạo công ăn việc làm cho nhân dân.

HC

Tin liên quan