KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/05/2019 - Lượt xem: 225
Nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên Văn học - Nghệ thuật tỉnh

Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hưng Yên là mái nhà chung của 170 hội viên văn nghệ sĩ ở 8 loại hình nghệ thuật đặc thù: Văn xuôi - lý luận phê bình; thơ; văn nghệ dân gian; mỹ thuật; nhiếp ảnh; sân khấu; kiến trúc và âm nhạc. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 33 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hội VHNT tỉnh nói chung và mỗi hội viên nói riêng.

Toàn cảnh bế mạc trại sáng tác văn học – nghệ thuật tỉnh Hưng Yên tại Nhà sáng tác Tam Đảo năm 2019
Để thực hiện nhiệm vụ Tỉnh ủy giao trong Chương trình hành động 34, cụ thể là “nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên; đẩy mạnh các hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật phản ánh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về văn hoá và con người Hưng Yên”, Hội VHNT tỉnh xác định vừa phải xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vừa phải quan tâm tuyên truyền tới hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, không dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, mặc dù văn nghệ sĩ Hưng Yên đều có niềm đam mê cháy bỏng, khát khao có tác phẩm xứng tầm, có chất lượng cao, song nhiều hội viên hoạt động và sáng tác trong điều kiện kinh tế chưa khá giả, phần đông không được đào tạo bài bản, đến với VHNT chỉ bằng sự yêu thích, sáng tác nhằm thỏa mãn nhu cầu, đam mê cá nhân xen lẫn tính phong trào nhằm giao lưu, giải trí là chính nên giá trị tư tưởng của tác phẩm không cao, tính nghệ thuật không rõ ràng. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hội là quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện tốt nhất để hội viên sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao.
Với quan điểm trên, 5 năm qua, Hội đã tổ chức tốt việc triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là Nghị quyết 33, Chương trình 34; định hướng cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có sự thống nhất cao về quan điểm, lập trường chính trị, đường lối văn nghệ của Đảng, vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển đất nước; nhận diện và đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT làm nền tảng tư tưởng cho hoạt động sáng tác. Hội VHNT tỉnh cũng đã chủ động cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, lớp viết văn Nguyễn Du nhằm nâng cao năng lực công tác và chất lượng sáng tác tác phẩm, kỹ năng viết bài phê bình VHNT… Đồng thời, tích cực tổ chức, phối hợp tổ chức và khuyến khích, vận động hội viên hưởng ứng, tham gia các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác VHNT, góp phần tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, Hội đã thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các trại sáng tác, thực tế sáng tác; hỗ trợ sáng tạo và công bố các tác phẩm VHNT. 5 năm qua, có 74 hội viên của các chuyên ngành tham gia các trại sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 9 hội viên tham dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; hơn 300 lượt hội viên tham dự trại sáng tác do Hội VHNT tỉnh tổ chức; 11 hội viên tham dự Trại sáng tác chuyên đề của các Hội Trung ương và các tổ chức khác; tổ chức nhiều đợt đi thực tế sáng tác tại các địa chỉ đỏ, các địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong thời kỳ mới. Từ các chuyến đi này, hầu hết hội viên đã đạt được kết quả tốt; không ít tác phẩm thu hoạch được từ trại sáng tác như truyện ngắn, truyện dài, thơ, các tác phẩm âm nhạc, những bài bút ký… đã được tuyển chọn và tham dự các giải thưởng VHNT.
Đã có hàng trăm lượt hội viên của Hội VHNT tỉnh được hỗ trợ sáng tạo và công bố tác phẩm với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, Hội đã hỗ trợ 51 bản thảo tác phẩm thuộc các thể loại văn, thơ, văn nghệ dân gian… Hỗ trợ công bố 43 tác phẩm thuộc khối Văn học, 192 tác phẩm thuộc khối Nghệ thuật. Hội viên xuất bản được 43 tác phẩm văn học, 2 tác phẩm nghệ thuật. Hàng năm, Hội còn hỗ trợ hội viên các ban Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc tham dự các kỳ liên hoan, triển lãm trong khu vực.
Hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng được quan tâm đẩy mạnh. 5 năm qua, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, thực tế sáng tác góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác VHNT phát triển sâu rộng vào đời sống xã hội. Từ những hoạt động phối hợp đã có nhiều tác phẩm chất lượng ra đời, bám sát những đề tài trọng điểm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhằm hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước
Từ sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành cùng niềm đam mê, tài năng sáng tạo của hội viên đã gặt hái được những thành quả đáng mừng. 5 năm qua, hàng nghìn tác phẩm sáng tạo của hàng trăm lượt hội viên đã được biểu dương, khen thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, được trưng bày, triển lãm, giới thiệu trong tỉnh, khu vực và toàn quốc, quốc tế. Những sáng tạo này không chỉ phản ánh hiệu quả thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá và con người Hưng Yên mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động của Hội VHNT tỉnh thời gian qua, để nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên, trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau: Tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, đặc biệt là công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho giới văn nghệ sỹ. Thường xuyên tổ chức cho đội ngũ văn nghệ sỹ nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Thực hiện tốt việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng hoạt động sáng tác cho hội viên, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sỹ đi thực tế trong và ngoài tỉnh, tham gia những cuộc thi do các cấp, các ngành, tỉnh bạn tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, về văn hóa và con người Hưng Yên. Tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, bảo đảm chất lượng và phong phú về thể loại. Biểu dương kịp thời những hiện tượng, khuynh hướng sáng tác tốt, đồng thời kiên quyết phê phán những biểu hiện, khuynh hướng sáng tác không lành mạnh, trái với quan điểm của Đảng, xa lạ với bản sắc, truyền thống văn hóa, đạo đức của nhân dân. Tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Tăng định mức hỗ trợ các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình văn học - nghệ thuật dân gian; chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho văn nghệ sỹ. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHNT, tăng cường phối hợp liên kết với các ngành, các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm phổ biến tác phẩm, đưa tác phẩm VHNT chất lượng cao đến với công chúng nhiều nhất, nhanh nhất. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành. Tiếp tục tăng cường xây dựng tổ chức bộ máy Hội VHNT vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, thu hút hội viên.
Thanh Mai
 

 

Tin liên quan