KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/03/2016 - Lượt xem: 139
Người liệt nữ kiên trung

Trong tâm trí nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã kinh qua thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Văn Giang, chị Nguyễn Thị Phương là một liệt nữ kiên trung đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Nhân Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), xin trân trọng giới thiệu một bài viết về chị.

Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp ở Văn Giang, ta khó khăn trăm bề. Bọn phản động  sau một thời gian nằm im đã ngóc đầu dậy lùng bắt cán bộ Việt Minh để tâng công với giặc. Công việc cách mạng còn tồn đọng tại các xã các thôn  nhiều quá, cán bộ cơ sở thì ít, có người dao động, bỏ việc cầu an, có tên đầu hàng đầu thú theo giặc, chỉ còn các cán bộ trung kiên quyết tâm kháng chiến  đến cùng.
Các cơ quan huyện bấy giờ phải sơ tán ra vùng an toàn lân cận. Cán bộ huyện từ nơi sơ tán được cử về bám cơ sở để giải quyết nhanh các  công việc quan trọng của các làng, các xã. Việc nào cũng đều yêu khẩn trương, ngày đêm phải tranh thủ thời gian.
Nguyễn Thị Phương được tỉnh hội Phụ nữ Cứu quốc Bắc Ninh điều về Huyện hội Phụ nữ Văn Giang (lúc này Văn Giang còn thuộc về tỉnh Bắc Ninh) hoạt động. Chị tình nguyện về ngay khu Ngưu Giang (nay là xã Long Hưng), nơi được đánh giá là địa bàn xung yếu của huyện.
Khu Ngưu Giang gồm 6 thôn  thì  cả 6 thôn bọn kỳ hào hương lý cũ đều rục  rịch lập hội tề theo giặc. Riêng thôn  Đông, chúng công khai  đem lương thực thực phẩm tiếp tế cho giặc, theo lệnh giặc lập ra đội bảo an gồm những tên lưu manh côn đồ có hận thù với những người cách mạng. Hàng ngày chúng kéo đi tàn phá cướp bóc các gia đình có người theo kháng chiến. Chúng còn vu vạ cho những người lạ qua làng là Việt Minh  bắt đem nộp giặc Pháp để tâng công.
Về địa thế, khu Ngưu Giang tiếp giáp xã Cửu Cao. Lúc này ở Cửu Cao, Chánh tổng Bùi Quang Phả nguyên là Hội trưởng Hội Liên Việt huyện đã bỏ nhiệm vụ trốn về  theo địch. Hắn và tay sai rước Tây về  xây đồn bốt ngay phía ngoài làng, uy hiếp nhân dân các thôn, biến nhà hắn tại Cửu Cao thành đại bản doanh của bọn tề ác trong vùng.
Trong làng Đông còn mấy tấn thóc “Nghĩa thương” để cứu đói và nuôi bộ đội chưa kịp chuyển hết, huyện có chủ trương phân tán, chia ngay cho dân nghèo, quyết không được để rơi vào tay giặc. Nhưng dân làng ai cũng sợ liên quan đến Việt Minh, giặc có cớ đàn áp, đốt phá nhà cửa nên không dám nhận .
Chị Phương cùng bàn bạc với cơ sở, dự định  huy động lực lượng còn lại của toàn khu, đêm sẽ đưa thóc ra ngoài làng, chuyển đi nơi khác hoặc bán để gây quỹ cho kháng chiến.
Một chiều mùa đông năm 1947, chị Phương cùng đồng chí Lê Văn Ấm, khu đội Trưởng Tự vệ và đồng chí Phạm văn Khíp, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu về quán giữa đồng cách làng Đông chừng hơn cây số, đợi cơ sở  từ làng ra để thông báo  kế hoạch  giải quyết.
Quán giữa đồng xây bằng gạch có tường che ba phía,  trước quán là con đường đất chạy thẳng sang làng Đan Kim, xung quanh là đồng ngô đang xanh tươi đang thời kỳ trổ cờ. Ba người vừa vào quán đã thoảng nghe có tiếng người lao xao gần đó. Vốn có ý thức cảnh giác, luôn phải đề phòng bất trắc, Lê Văn Ấm ra đường nhìn hướng làng Đông, vội vã hét to :
- Cơ sở phản bội rồi, bọn bảo an phục trong ruộng ngô, Tây đang từ làng kéo xuống. Chạy đi!
Không kịp bàn bạc, tất cả vọt ra khỏi quán. Chị Phương nhìn thấy thấp thoáng sau luỹ tre xanh gần đấy có mấy mái nhà tranh của ấp Vĩnh Tuy phía trước mặt, liền vùng chạy về phía ấy. Các đồng chí Khíp, Ấm gào to:
- Chị Phương ơi! Chạy về phía ấp Sươn, có chúng tôi bảo vệ!
Nhưng không kịp nữa rồi, bọn phản động dẫn Tây thuận đường đồng rầm rập đuổi theo. Súng nổ như ngô rang, đạn veo véo vung ra các hướng. Những tên bảo an phục trong cánh đồng ngô trồi lên, xác định người dễ bắt nhất, chạy tắt đón đầu chị Phương. Tên Đoàn trưởng Bảo an thoáng thấy bóng phụ nữ nó hét quân phải đuổi bắt bằng được. Vốn là một tên háu gái, nó lao như bay và vồ lấy chị Phương như hổ vồ mồi. Cũng vừa lúc ấy, bọn Tây và lũ phản động kéo đến xông vào đè chặt chị. Chúng trói chị và lôi sềnh sệch về đình làng Đông, sai quân đi từng nhà xua người ra đình xem chúng “trị tội Việt Minh”.
Bọn giặc dùng đủ mọi nhục hình tra tấn đánh đập chị Phương hòng bắt chị khai ra những cơ sở cách mạng. Nhưng đòn thù dù dã man đến đâu, cũng không làm chị khuật phục. Nhìn giặc tra tấn chị, nhân dân trong làng nhiều người phải che mặt, nhiều người nức nở bật lên thành tiếng. Bọn giặc lùa dân ra định để uy hiếp tinh thần, nhưng ngược lại, tinh thần kiên định của chị Phương lại khiến nhân dân cảm phục cách mạng, thêm căm thù giặc khiến chúng vội vàng  xua dân về hết.
Nhìn chị thản nhiên  bình tĩnh, thằng Tây chỉ huy bỗng nghĩ ra một kế hèn hạ. Sẵn cơn thèm gái, hắn liền ra lệnh khênh chị vào trong đình rồi đuổi hết bọn tề và lính tráng ra ngoài. Biết tên giặc giở trò đểu cáng, bị trói chặt chân tay, chị  Phương toan kêu lớn, thì nó ập vào hôn  mặt chị  và nhét lưỡi vào mồm không cho kêu. Lập tức chị Phương nghiến răng cắn chặt, mặc cho tên giặc lấy hết sức đấm chị liên hồi. Khi tên giặc dứt được ra thì lưỡi hắn đã đứt rời.
Nghe tiếng tên Tây kêu, quân lính ùa vào, chúng lấy báng súng đập vào đầu chị  liên hồi khiến chị ngất đi bất tỉnh. Bọn  lính vội vã khiêng chỉ huy đi cấp cứu ngay đêm. Sau này nhân dân trong vùng và cả bọn tề ngụy đều gọi tên Tây ấy là tên Tây Ngọng.
Bọn giặc giải chị Phương về đồn Công Luận tiếp tục tra tấn, chị vẫn cắn răng quyết không khai báo một lời, chỉ sa sả chửi bọn bán nước và quân cướp nước. Không khuất phục được chị, chúng bắn chị rồi hất xác xuống vệ đê.
Do cơ quan phải sơ tán nhiều lần nên những giấy tờ của chị Nguyễn Thị Phương không lưu giữ được, cũng không ai nhớ được quê quân chị ở đâu. Nhưng hình ảnh kiêu hãnh hiên ngang của người Cán bộ Phụ nữ ấy vẫn còn mãi trong lòng cán bộ và nhân dân như một tấm gương sáng về người chiến sĩ cách mạng./.

P.M.T

Tin liên quan