KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 21/12/2015 - Lượt xem: 134
Những liệt sĩ cùng chung tên họ

Sau khi chiếm được Thủ đô Hà Nội, giữa năm 1947, giặc Pháp đánh chiếm các vùng xung quanh. Dọc theo đê sông Hồng, chúng rải quân đóng đồn bốt nhằm thiết lập vành đai bảo vệ sân bay Gia Lâm và cửa ngõ Hà Nội. Đến tháng 7/1947 địch đưa quân về chiếm đóng huyện Văn Giang.

Được tin báo địch sẽ về đóng đồn tại Công Luận. Tiểu đoàn 56 Quân khu Tả ngạn do đồng chí Lê Tôn Hy chỉ huy đang đánh địch tại thành phố Hải Dương nhận được lệnh dẫn một đại đội bộ đội chính quy lên Văn Giang chặn địch. Anh bố trí trận địa mai phục tại khu vực đê sông Hồng, giáp ranh giữa Đông Dư với Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay).
Sáng 24/7/1947, địch hùng hổ kéo quân có xe tăng yểm trợ thẳng đê tiến xuống Văn Giang. Chúng cho xe ủi đi trước san gạt hầm ụ và chướng ngại vật trên đê, quân bộ vừa hành quân vừa bắn vung vãi vào làng xóm hai bên. Lửa cháy nhà bốc cao ngùn ngụt, khói  toả lan  từng vùng mù mịt…
Đợi cho địch lọt vào trận địa phục kích, quân ta giật mìn, nổ súng  phá tan 1 xe ủi, thu 1 tiểu liên, bắt sống 1 lính Pháp, tiêu diệt và làm bị thương một số. Quân địch tháo chạy ra phía Đường 5. Chúng gọi đại bác bắn về dồn dập và 2 chiếc máy bay phóng pháo vọt đến quăng bom  bừa bãi. Đồng thời, chúng củng cố lại lực lượng tại Gia Lâm và chờ quân tăng viện .
Biết địch quyết tâm lấn chiếm, đại đội của đồng chí Lê Tôn Hy rút xuống khu vực Xuân Quan - Phụng Công, củng cố hầm hào, chôn mìn các ngả, chia quân mai phục quyết tâm  đánh địch  tràn về.
Quả nhiên, sáng sớm ngày 26/ 7, địch bắn mooc-chi-ê dọn đường, bộ binh tiến sau xe bọc thép, nổ súng xối xả khiến quân ta tập trung về phía này đánh trả quyết liệt .
Trong khi đó, một toán địch hoá trang như người dân chạy giặc đội nón lá áo tơi chùm kín người, được bọn chỉ điểm dẫn đường, theo ngả Phú Thuỵ tiến sang. Một cánh địch khác lại đi ca nô theo sông Hồng  đổ bộ lên chặn sau lưng quân ta.
Quân ta lực lượng có hạn, giật mìn nhiều quả không nổ, chưa lường hết các đường tiến quân thọc sườn tập hậu của giặc nên bị  bao vây. Từ  ba phía  địch dồn dập  phản công. Trước tình hình đó, Lê Tôn Hy lệnh cho Đại đội luồn qua các làng xóm rút lui để bảo toàn đơn vị. Anh và một tiểu đội quyết tử chốt  lại chặn địch và thu hút  lực lượng  kẻ thù về phía mình .
Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Bên địch quân đông, vũ khí tốt nên chúng  nhanh chóng áp đảo quân ta. Bắn hết đạn, các chiến sĩ của ta xung phong đánh giáp lá cà, lấy báng súng quật địch. Từ công sự nhẩy lên có chiến sĩ  cầm lựu  đạn đập vào đầu địch để cùng chết. Có chiến sĩ vừa rút chốt lựu đạn đã bị địch bắn ngã, anh nằm đè lên quả lựu đạn và tắt thở. Một thằng Tây đá hất anh lên để nhìn mặt thì quả lựu đạn cũng nổ tung  khiến hắn ôm bụng kêu như bò rống. Có chiến sĩ bị thương thừa lúc địch đến gần  đã chồm dậy  bóp  họng cắn cổ giặc khiến chúng kinh hoàng. Có chiến sĩ bắn hết đạn nhẩy lên đâm lê vào bụng kẻ thù, thằng giặc phía sau bắn anh chết trong tay vẫn nắm chặt  súng lê và cùng ngã với tên giặc mà anh đâm trúng. Hơn một tiểu đội Vệ quốc đã hy sinh trong tư thế kiên cường bất khuất, Lê Tôn Hy gục ngã, tay còn nắm chặt khẩu súng Tuyn hết đạn.
14 thi hài các chiến sĩ được chuyển về đình thôn Ngọc Bộ xã Long Hưng. Ngay đêm ấy nhân dân địa phương đã tổ chức truy điệu các anh. Trong khói hương trầm, nhiều người đã oà khóc nức nở. Nhân dân các thôn đã hiến hết lượng gỗ dự trữ, nhân dân thôn Đa Ngưu đã chặt hạ cây gạo to nhất vùng ở cạnh chợ để chuẩn bị quan tài cho các liệt sỹ. Trong người các liệt sĩ, do đảm bảo bí mật nên không ai có giấy tờ gì. Cán bộ, nhân dân chỉ biết tên của người chỉ huy Lê Tôn Hy  và chiến sĩ liên lạc Văn Đinh, còn  12 chiến sĩ  khác không ai biết họ tên. Thi hài Lê Tôn Hy được đưa về quê vợ tại xã Nhật Tân  huyện Tiên Lữ  (Hưng Yên ) an táng, còn 13 chiến sĩ  được chôn rải trên cánh đồng làng. Năm 1954 hoà bình lập lại, nhân dân Long Hưng qui tụ các liệt sĩ vào nghĩa trang, 12 ngôi mộ đều mang một tên chung “Liệt sĩ Lê Tôn Hy”.
Lê Tôn Hy vốn là một học sinh Hà Nội [1] đã thi đậu Tú Tài thời Pháp thuộc. Anh tham gia Cách mạng và đã chiến đấu tại nhiều mặt trận, được phân công làm Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 51 thuộc Trung đoàn 42 (Liên khu 3), đánh nhiều trận khi  giặc chiếm Hải Dương, rồi về vùng Văn Giang chặn địch.
Anh hy sinh trong tiếc thương vô hạn của cả Tiểu đoàn. Ca ngợi chiến tích này, Tiểu đoàn 56 và nhân dân Văn Giang đã lưu truyền câu ca:
Lê Tôn Hy, tên anh còn vang mãi .
Anh chết đi mang nặng nỗi hờn căm 
Chúng tôi đây, tiểu đoàn 56 .
Quyết tâm thề lấy máu rửa hồn anh! ….
*
Ngày nay, vào viếng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên ta thấy 12 ngôi mộ kề liền đều mang một tên chung, tên của người Tiểu đoàn trưởng hy sinh ngày ấy. Tên tuổi, quê quán chính thức của các anh không ai hay biết. Sổ sách, lý lịch ghi chép về các anh cũng thất lạc mất rồi. Cha mẹ, vợ con, họ hàng thân thích chắc vẫn đinh ninh các anh mất tích  hoặc hy sinh nơi nào mà chưa ai hay biết. Nhưng với họ tên của người Tiểu đoàn trưởng thân yêu, vĩnh viễn muôn đời sau các anh vẫn là biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc, là biểu tượng vì nước quên thân của anh Bộ đội Cụ Hồ. 
Đông Trang        

                                         

 

[1] Theo Hồi ký của nhạc sỹ Phạm Duy, thì Lê Tôn Hy là con của cụ Lê Đình Trân, nguyên là Tổng đốc Hưng Yên. 

 

Tin liên quan