Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ, thẩm mỹ của trẻ em. Thời gian qua, mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xác định rõ nhiệm vụ, vận dụng sáng tạo, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, phù hợp thực tiễn địa phương để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Nhờ đó, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng đã có những bước hoàn thiện về quy mô, mạng lưới và phát triển về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp cho từng cấp học, từ mầm non đến đại học và sau đại học. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã chủ động quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời đã cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định rõ mục tiêu của giáo dục mầm non cần phải đạt được trong giai đoạn tới là: Giáo dục trẻ phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi; huy động 55% số trẻ đến nhà trẻ, 98% trẻ đến lớp mẫu giáo và giữ vững tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi đến trường lớp; từng bước chuẩn hóa hệ thống trường mầm non trong toàn tỉnh. Giảm dần và tiến tới miễn học phí đối với bậc học mầm non trước năm 2020.
Trên cơ sở mục tiêu, nhóm giải pháp đã được xác định cụ thể, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các ngành, các cấp nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới trường mầm non ổn định, mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất 01 trường mầm non công lập. Các địa phương thị trấn, khu công nghiệp những năm gần đây thành lập thêm trường, cơ sở mầm non tư thục, góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ lứa tuổi mầm non tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Năm 2013, toàn bộ 159 trường mầm non bán công đã được chuyển sang loại hình công lập nên được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đến nay, toàn tỉnh có 185 trường mầm non, trong đó 161 trường công lập, 24 trường hệ ngoài công lập và 156 nhóm lớp độc lập tư thục, với 747 điểm trường. Toàn tỉnh có 3.290 phòng học, trong đó phòng học kiên cố 76.9%; phòng bán kiên cố 16.3%. Bước đầu xây dựng và đưa vào hoạt động một số phòng chức năng, như phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật. Đến nay, toàn tỉnh có 81/185 trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 43,8%, 61 trường đạt mức độ 1 và 20 trường đạt mức độ 2.
Đồng thời với nhiệm vụ hoàn thiện mạng lưới trường lớp, xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho hệ thống các trường mầm non, các địa phương đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và nhu cầu của xã hội. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh đã tăng về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng. Cán bộ quản lý 100% có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 93,4%. 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 66,5%. Chế độ chính sách của người lao động đối với đội ngũ giáo viên cả ở trường công lập và tư thục được đảm bảo, giúp cho giáo viên phấn khởi, yên tâm gắn bó với nghề, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên.
Huy động trẻ đến trường và từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục. Toàn tỉnh có 3.290 nhóm lớp huy động 82.339 trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 84,7% trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và 15,3% trẻ ở các cơ sơ giáo dục mầm non ngoài công lập. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 34,2%, trẻ mẫu giáo đạt 97,8%, trẻ mẫu giáo 5 tuổi duy trì tỷ lệ 100%. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được đảm bảo theo quy định và ngày càng được nâng cao. Tổng số trẻ ăn bán trú đạt tỷ lệ 79.2%. 100% trẻ đến trường đều được khám sức khoẻ định kỳ và theo dõi biểu đồ phát triển. Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng dạng thấp còi giảm. Các trường mầm non tổ chức dạy trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đa số trẻ mầm non đạt kiến thức, kỹ năng theo độ tuổi. Trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tự tin trong hoạt động. Chất lượng giáo dục mầm non trong những năm qua chuyển biến tích cực, một số trường điểm và trường tư thục đã đi đầu trong việc tổ chức hoạt động giáo dục trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Từ những kết quả đó, ngày 14/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 459/QĐ-BGDĐT công nhận tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi năm 2013. Hàng năm, 161/161 đơn vị cấp xã đều duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Như vậy, có thể nói đến nay nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về giáo dục mầm non có bước chuyển biến tích cực; việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là mẫu giáo 5 tuổi bước đầu được chú trọng; cơ sở vật chất, trường lớp học, môi trường cảnh quan trường học được cải thiện, số lượng, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, đặc biệt chuẩn bị đủ các điều kiện và tâm thế cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào học trường tiểu học. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đến trường của trẻ em. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp 1; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, hướng tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2025; thực hiện công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục mầm non.
Trung Nghĩa