Từ nhận thức phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Hưng Yên đã xác định tuyên tuyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ có tính thường xuyên, liên tục, là khâu đột phá để quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn được đánh giá là tổ chức hội đã phát huy vai trò chủ trì và là lực lượng nòng cốt đi đầu, đồng thời chủ động đề xuất, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với tổ chức, đoàn thể trong khối Mặt trận Tổ quốc trong công tác bảo vệ môi trường.
Phụ nữ xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) tham gia trồng hoa ven đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Để nhiệm vụ, mục tiêu tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp đạt kết quả, hằng năm, ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp của tỉnh Hưng Yên đều xây dựng kế hoạch, đề ra chương trình hành động cụ thể với các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ tới cơ sở. Trong đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ rất chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung, đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường trở thành một nội dung sinh hoạt thường kỳ tại các chi, tổ hội phụ nữ.
Đồng thời, các cấp Hội đã tổ chức hằng trăm buổi tập huấn, truyền thông, tọa đàm về những nội dung thiết thực, gần gũi với người hội viên, như: thông tin về chính sách, pháp luật trong bảo vệ môi trường; thông tin về kiến thức môi trường, biến đổi khí hậu và tác động của nó tới sức khỏe con người; thông tin thực trạng môi trường hiện nay, tình hình tại địa phương và các giải pháp bảo vệ môi trường, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, những mô hình, cách làm hay trong triển khai ngày thứ bảy, chủ nhật xanh tại khu dân cư mang lại hiệu quả cao; hướng dẫn thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình; tuyên truyền về dùng túi sinh học tự phân hủy trong sinh hoạt hằng ngày, dùng làn nhựa đi chợ, hạn chế, tái sử dụng túi nilon. Nhiều Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở đã tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, với những tiết mục kịch, kể chuyện, văn nghệ mang thông điệp bảo vệ môi trường. Ngoài việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền mang tính chuyên đề trên, nhiều tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường được cấp phát tới hội viên và cộng đồng dân cư nhân ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm…
Từ kiến thức được trang bị, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ không chỉ trở thành một tuyên truyền viên hiệu quả tại gia đình, nơi cư trú, nơi công tác mà hơn nữa còn là những người thực hành, giữ gìn vệ sinh trong nhà, và ở cả phạm vi ngoài gia đình, nơi công cộng…
Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh nhân rộng các phần việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều mô hình hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả của các chi, tổ Hội Liên hiệp Phụ nữ. Nhiều mô hình, phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động và các mô hình, phong trào của các tổ chức khác được hội viên phụ nữ hưởng ứng đã đem lại hiệu ứng xã hội tích cực và thu hút đông đảo hội viên tham gia, như: “Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Đường thôn, xóm 3 sạch”; “Đường hoa phụ nữ”; “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh – sạch – đẹp”; “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”…
Đáng chú ý là mô hình tổ, nhóm phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường. Theo thống kê, đến hết năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã duy trì hoạt động của 1.081 tổ, nhóm phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường. Từ khi thành lập và nhân rộng các mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, việc bảo vệ môi trường, nhất là ở địa bàn nông thôn được cải thiện, hạn chế việc tích tụ rác thải lâu ngày có nguy cơ tạo thành bãi rác tự phát ở các ngõ xóm, cũng ít còn tình trạng đổ rác ra sông ngòi, ao hồ. Bên cạnh việc cần mẫn, chăm chỉ trong thu gom rác thải, các chị em là thành viên của tổ, nhóm tự quản còn chủ động tuyên truyền đến người dân, làm thay đổi nhận thức của họ về bảo vệ môi trường, từng bước đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.
Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ở một số cơ sở Hội đang vận động hội viên hưởng ứng phong trào nói không với túi nilon. Từ năm 2009, xã Song Mai, huyện Kim Động được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn để thí điểm triển khai mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ nói không với túi nilon. Từ kết quả thu được sau 01 năm hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đồng loạt triển khai xây dựng mô hình tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có hàng trăm Câu lạc bộ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon. Qua hoạt động tuyên truyền và qua hành động hạn chế sử dụng, tái sử dụng túi nilon khi đi chợ và trong sinh hoạt hàng ngày của các thành viên Câu lạc bộ trong thời gian qua đã từng bước tác động đến nhận thức của người dân địa phương về tác hại của túi nilon với môi trường và tiến tới hạn chế, loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon, thay thế bằng các loại túi thân thiện với thiên nhiên môi trường. Đây là một trong nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của phụ nữ trong tỉnh góp sức xây dựng phong trào làng, xã xanh - sạch - đẹp.
Cùng đó là mô hình Phế liệu sạch đã, đang và sẽ được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai. Đã có 164 mô hình Phế liệu sạch được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Mô hình này hoạt động bằng nhiều hình thức khác nhau như các hộ tự phân loại rác thải sau đó tặng các loại rác thải có thể bán được (vỏ chai, lọ, bìa catton, kim loại như sắt, nhôm, vật dụng gia đình đã qua sử dụng có thể bán, đổi…) cho hộ viên nghèo, hoặc hội viên phụ nữ gom lại những phế liệu đó, tự bán rồi ủng hộ tiền cho hội viên nghèo. Việc thành lập mô hình Phế liệu sạch tại các địa phương đã góp phần phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, phế liệu được tái sử dụng, rác thải hữu cơ được xử lý theo hình thức ủ sinh học; đồng thời còn giúp được hội viên nghèo từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, vào ngày chủ nhập giữa tháng, các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của đất nước, quê hương và các ngày về môi trường…, 100% cơ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức huy động hội viên phụ nữ địa phương tham gia dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm; nạo vét, khơi thông cống rãnh; san lấp hố, ổ gà để tạo nên các đoạn đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ tự quản. Các cấp Hội đã thành lập được 1.119 đoạn đường do phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường. Tại nhiều địa phương, cơ sở Hội đã vận động hội viên tham gia Tết trồng cây hằng năm, trồng cây xanh tại các nghĩa trang liệt sỹ, trồng cây xanh và cây thuốc nam tại các nhà trẻ mẫu giáo, tại gia đình. Đặc biệt là phong trào đường hoa phụ nữ đang được nhân rộng, tạo cảnh quan cho các tuyến đường, gây được ấn tượng sâu đậm trong nhân dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp ngày công dọn rác, dọn cỏ, đổ đất trồng hoa hai bên đường với phương châm “ở đâu có cỏ, rác, ở đó thay bằng hoa”. Đến nay, có 874 đoạn/tuyến/ đường hoa lần lượt mọc lên, với đủ các loại hoa khoe sắc. Mô hình Đường hoa phụ nữ ra đời là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thiết thực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn chủ động đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về công tác bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà tại thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Ân Thi. Hội đã mua được trên 4.000 lít chế phẩm EM chuyển vào thành phố Đà Nẵng để chế biến thành phẩm. Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà, nước giặt”. Đây là một đề tài thiết thực, hữu ích không chỉ với công tác bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng được phần nào yêu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Những hoạt động thiết thực, rộng khắp và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trưởng của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Hiện nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đang tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của mọi thành viên trong xã hội để góp phần cải thiện môi trường sống, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hình thành hành vi ứng xử thân thiện với môi trường.
Hữu Chất