KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 02/05/2024 - Lượt xem: 140
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Đến nay, nỗi đau mất con, mất cháu vẫn chưa nguôi với gia đình em Nguyễn Văn H. ở xã Lương Tài (Văn Lâm). Vào ngày 2/4, em H. cùng một số bạn ra hồ nước ở khu vực cánh đồng thôn Khuyến Thiện, xã Lương Tài (Văn Lâm) tắm, không may H. đã bị đuối nước.

Đồng chí Trần Quang Sở, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tài cho biết: Mặc dù thời gian qua, xã đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, tránh đuối nước và cảnh báo các nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, nhất là vào mùa hè, dịp nghỉ hè; cắm các biển cảnh báo nước sâu nguy hiểm, đề phòng đuối nước ở một số ao, hồ trên địa bàn xã nhưng vụ tai nạn đuối nước vẫn xảy ra.
Cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm tại xã Chỉ Đạo (Văn Lâm)
Đuối nước là tai nạn rất dễ xảy ra với trẻ em, nhất là vào mùa hè. Mỗi vụ đuối nước xảy ra đều để lại nỗi đau đớn, xót xa cho gia đình những nạn nhân. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 40 trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, trong đó có 27 trẻ tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ trẻ tử vong do đuối, chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi. Các vụ trẻ em đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng do tắm, bơi ở ao, hồ, sông... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, phần lớn do các em rủ nhau đi tắm ở sông, ao, hồ...  mà thiếu sự giám sát của người lớn. Các em lại đang trong độ tuổi tìm tòi, khám phá, chưa ý thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi đó, nhiều em không biết bơi hoặc bơi kém; thiếu kỹ thuật bơi căn bản, không có kỹ năng cấp cứu người đuối nước… nên khi gặp nạn, trẻ thường lúng túng, hoảng sợ, không xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề.
Đuối nước là một trong những tai nạn hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đáng tiếc này, cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, nhà trường, gia đình, trong đó, dạy bơi, học bơi là biện pháp tốt nhất. Những năm qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh bằng nguồn xã hội hóa đã xây dựng các bể bơi cố định, bể bơi nhân tạo, cải tạo ao bơi… để phục vụ nhu cầu học bơi của trẻ em. Đoàn thanh niên các cấp phối hợp tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương duy trì mô hình "Ngôi nhà an toàn" phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tại các địa phương triển khai mô hình, các gia đình được hướng dẫn tạo môi trường an toàn nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ bằng cách làm tường rào các ao của gia đình, làm nắp chắc chắn cho giếng nước, bể chứa nước trong gia đình… Cùng với đó, việc truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng được tăng cường nhằm giúp người dân nắm được kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em; cách sơ, cấp cứu các trường hợp bị đuối nước…
Đồng chí Trần Văn Khanh, Bí thư Huyện đoàn Văn Lâm cho biết: Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt tử vong do đuối nước, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo BCH Đoàn các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong dịp hè, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phối hợp với nhà trường, các đơn vị liên quan và gia đình tổ chức bàn giao và quản lý học sinh dịp hè trên địa bàn dân cư; hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em phù hợp với lứa tuổi, thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Đồng thời, rà soát trên địa bàn những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước; lắp đặt các biển báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông…
Dạy bơi cho trẻ đề phòng, chống đuối nước tại xã Cương Chính (Tiên Lữ)
(Ảnh tư liệu)
Mùa hè đã đến, kỳ nghỉ hè đang tới gần. Để có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, trong Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến và hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học trước kỳ nghỉ hè. Thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp với trẻ em trên địa bàn dân cư. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy gây tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là khu vực hồ nước, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước để có các biện pháp chủ động cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới…
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, mỗi bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần quan tâm quản lý, giám sát khi cho trẻ đi chơi ở những nơi có sông, hồ, ao; chủ động dạy trẻ biết bơi và xử lý các tình huống khi ở dưới nước. Đồng thời, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ trong dịp hè để hạn chế trẻ đi tắm hoặc vui chơi gần ao, hồ sâu...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan