KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 08/01/2024 - Lượt xem: 352
Rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” - yếu tố nền tảng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Xây dựng và rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là một trong những yếu tố nền tảng nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (năm 1958)_Ảnh: Tư liệu
“LIÊM”, “CHÍNH” - PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Trên phương diện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Liêm” là “trong sạch, không tham lam”, “luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”, không “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng...”(1). Người có đức “Liêm” là tự trọng, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi trót làm điều xấu; biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong sáng. Không có đức “Liêm” thì con người sẽ bị tha hóa trầm trọng về nhân cách. Người có đức “Chính” là người ngay thẳng, công tâm, luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh để bảo vệ lẽ phải; hành động quang minh chính đại, trong lòng không có chút tư lợi nào. “Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng phải Chính mới là người hoàn toàn”(2). “Chính” là bản chất con người cần hướng tới, giống như cây có gốc rễ vững vàng, uy vũ không thể quy phục, phú quý cám dỗ không dễ khuất phục, nghèo khổ không làm nhụt chí tiến thủ. Do đó, “Chính” là đức khó thực hiện nhất trong “tứ đức” (Cần, Kiệm, Liêm, Chính), là kết quả tất yếu của Cần, Kiệm, Liêm và là biểu hiện hoàn thiện về nhân cách con người.
Liêm - Chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày dựa trên sự tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hành Liêm - Chính thì cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ trên ba phương diện: Đối với mình, “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”(3); Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới”; Đối với công việc “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”, “việc phải thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc trái thì dù nhỏ mấy cũng tránh” với tinh thần “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”.

Phẩm chất Liêm - Chính của người cán bộ, đảng viên trong hoạt động công vụ chính là hết lòng phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung, sử dụng quyền lực đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, phân minh trong phân định lợi ích công - tư. Phẩm chất Liêm - Chính đối lập với một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: địa phương cục bộ, thói hẹp hòi, bè cánh, quan liêu, hách dịch cửa quyền, tư túi, tham ô tham nhũng...
RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT “LIÊM”, “CHÍNH” ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(4). Theo đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”(5).
Xây dựng Đảng phải bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ trước hết phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự Liêm- Chính. Bởi, Liêm - Chính là phẩm chất quan trọng nhất trong nhân cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên có Liêm - Chính là “gốc rễ” quan trọng nhất để xây dựng Đảng Liêm - Chính, “là đạo đức, là văn minh”. Như vậy, xây dựng phẩm chất Liêm - Chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là nền tảng bảo đảm an ninh tư tưởng chính trị và hạt nhân để xây đắp, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, đồng thời phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, là cơ sở bảo đảm bản chất “đạo đức, văn minh” tốt đẹp của Đảng.
Giai đoạn hiện nay, chúng ta đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay tất yếu phải xây dựng được một nền chính trị liêm khiết và một nền công vụ liêm chính. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nền công vụ hiện hành, không chỉ trên phương diện cải cách hành chính, tổ chức bộ máy hay hiện đại hóa trang thiết bị làm việc mà nhất thiết phải bắt nguồn từ việc “Liêm - Chính hóa” đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi công vụ. Do đó, xây dựng và thực hành Liêm - Chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là điều kiện, yêu cầu tất yếu khách quan của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Mặt khác, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cũng đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng văn hóa Liêm - Chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 nêu rõ: “Từ 2012-2022, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng với hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...”. Đây là những con số nhức nhối về sự “bất liêm”, “bất chính” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; bên cạnh những thiệt hại, hậu quả về mặt kinh tế - xã hội, còn gây xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến trình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn ra “phổ biến, khó kiểm soát” là do những yếu kém, hạn chế, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội của nền công vụ. Chính vì thế, trên bình diện quốc gia - dân tộc, xây dựng được một nền công vụ Liêm - Chính, nền văn hóa Liêm - Chính còn là cách định hình giá trị và đảm bảo trước thế giới về một quốc gia hòa bình, văn minh tiến bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”. Theo đó, mức độ Cần, Kiệm, Liêm, Chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là thước đo, tiêu chí đánh giá trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa tiến bộ của một dân tộc, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên là người trực tiếp thực thi nền hành chính công vụ.

Xét trên phương diện xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước và giải quyết căn cơ sự suy thoái về mặt tư tưởng, đạo đức lối sống, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên đều đòi hỏi khởi nguồn từ việc xây dựng, rèn luyện phẩm chất Liêm - Chính của cán bộ đảng viên. Do đó, vấn đề xây dựng và rèn luyện phẩm chất Liêm - Chính trong cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong những nội dung “gốc rễ”, nền tảng nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
ĐỂ XÂY DỰNG, RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT “LIÊM”, “CHÍNH” TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Trước hết, trong Đảng và cả về mặt nhận thức xã hội, cần quán triệt và khẳng định rõ Liêm - Chính là phẩm chất “gốc”, chuẩn mực, thước đo để đánh giá phẩm chất đạo đức lối sống, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là trụ cột trong quá trình điều hành, quản lý và phát triển quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(6), “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(7); “Đảng làm tốt là do các chi bộ đều tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt”. Theo đó, trong tình hình hiện nay, uy tín của Đảng phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng mà trên hết, trước hết là đức Liêm - Chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải xác định việc rèn luyện, tu dưỡng và thực hành Liêm - Chính như một yêu cầu, nguyên tắc đạo đức bắt buộc, phải thực hiện thường xuyên trên 3 khía cạnh: đối với mình, đối với người và đối với công việc.
Trong bối cảnh đất nước mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng, nền kinh tế thị trường diễn ra hết sức sôi động, đan xen cả mặt tích cực lẫn tiêu cực; cùng với đó là sự du nhập các yếu tố văn hóa ngoại lai, những cám dỗ tiền tài vật chất, lối sống xa hoa, hưởng thụ, phô trương, thực dụng... đã và đang tạo nên những “cạm bẫy ngọt ngào” mà ở đó người cán bộ, đảng viên nếu không giữ vững đạo đức cách mạng, không rèn luyện phẩm chất Liêm - Chính sẽ rất dễ đánh mất mình, dễ tha hóa biến chất, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”. Cho nên, xét đến cùng, phẩm chất Liêm - Chính chính là thước đo thể hiện năng lực, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, xác định xây dựng phẩm chất Liêm - Chính trong cán bộ, đảng viên là yêu cầu vừa cấp thiết, cơ bản, vừa kiên trì, thường xuyên, lâu dài; là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là gốc rễ của công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vì tham vọng quyền lực, ham muốn vật chất đã không thắng nổi “những viên đạn bọc đường” mà sa ngã, biến chất, đánh mất sự chính trực, liêm khiết; lạm dụng chức quyền, sa vào tham ô, tham nhũng, tiêu cực... trong đó không ít cán bộ cấp cao và nhiều người trong số đó có học hàm học vị cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do những cán bộ, đảng viên này thiếu tu dưỡng rèn luyện, thiếu “gốc” đạo đức, thiếu “rễ” văn hóa… dẫn đến hành động “bất Liêm”, “bất Chính”. Bên cạnh đó cũng cần đặt vấn đề, đó là những sai phạm, vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên không phải chỉ diễn ra trong “một sớm một chiều”, thế nhưng tại sao không được ngăn ngừa, phát hiện từ sớm? Phải chăng chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đủ tốt, đủ nghiêm minh, đủ sức răn đe? Phải chăng chúng ta còn chủ quan, lơ là trong nhìn nhận đúng vị trí, vai trò phẩm chất Liêm - Chính trong cán bộ, đảng viên; còn thiếu kịp thời đề ra những giải pháp quyết liệt, triệt để nhằm xây dựng, hình thành văn hóa Liêm - Chính trong Đảng, trong bộ máy công quyền?
Bối cảnh mới đòi hỏi trong quản trị Đảng, quản trị quốc gia, điều hành Chính phủ, thực thi công vụ… phải luôn đặt công tác kiểm tra - giám sát - thi hành kỷ luật Đảng ở vị trí quan trọng cùng với hệ thống quy định về Liêm - Chính - bộ phận quan trọng trong tổng thể các quy tắc, quy định của Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, tiếp tục củng cố, bổ sung những chế tài đủ sức răn đe, ngăn ngừa; bắt buộc cán bộ phải rèn luyện, thực hành Liêm - Chính; tiếp tục việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, quy định pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho phẩm chất Liêm - Chính thực sự trở thành thước đo về đạo đức và sự tuân thủ pháp luật của cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, làm tốt nhiệm vụ tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước; xây dựng niềm tin và lý tưởng; khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kiên trì, tích cực bồi dưỡng, bồi đắp từ gốc rễ đạo đức và củng cố nền tảng tư tưởng, niềm tin lý tưởng cộng sản chân chính, tốt đẹp là một trong những giải pháp quan trọng để giúp cán bộ, đảng viên vượt qua được mọi sự cám dỗ, giữ được Liêm - Chính. Bởi, chỉ khi trang bị đầy đủ, sâu sắc thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, xây dựng được khát vọng lớn lao thì tầm vóc, trí tuệ của cán bộ đảng viên mới mở rộng mở hơn, tầm nhìn bao quát hơn, từ đó hình thành nên bản lĩnh, ý chí kiên định, vững vàng trước những thử thách, khó khăn; vượt qua được những hạn hẹp của thói hư vinh, lòng ham muốn vật chất tầm thường, có ý thức chống lại sự xói mòn về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, lối sống; giữ vững được phẩm chất chính trị của người cộng sản chân chính.
Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên phải “định vị bản thân”, xây dựng động cơ học tập và làm việc đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, giữ vững nguyên tắc của Đảng.
Liêm - Chính là những giá trị khó thực hiện nhất trong các “đức” làm người, đòi hỏi sự tự giác, rèn luyện và bản lĩnh, nỗ lực tự thân rất cao ở mỗi người, nhất là trong tình hình hiện nay. Do đó, để phẩm chất Liêm - Chính thể hiện thành văn hóa, ý thức, ứng xử, hành động trong thực thi công vụ thì cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải luôn nêu cao ý thức học tập, trau dồi năng lực công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời định vị rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bám sát nội dung công việc, chủ động và sáng tạo trong tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý có chất lượng, hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác.
Cán bộ, đảng viên khi thực hành công vụ là đang sử dụng quyền lực Nhà nước, do Đảng và nhân dân giao phó. Vì thế, phải thực hiện đúng quyền hạn, tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, của tổ chức, hành động theo pháp luật nhằm phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Trong mỗi việc làm, mọi hoàn cảnh đều đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn cẩn trọng, tự kiểm tra, giám sát, tự phê bình, tự học hỏi và bồi dưỡng, rèn luyện nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải có ý thức quản lý chặt chẽ, nghiêm túc đời sống sinh hoạt hằng ngày của bản thân, gia đình. Từ đó, phẩm chất Liêm - Chính được hình thành, bồi đắp qua mỗi ngày, mỗi việc làm, hành động của cán bộ, đảng viên một cách tự nhiên như mọi hành vi ứng xử văn hóa và những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.127, 129, 129-130.
(4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.41, 194.
(6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr.309, 208.
Tin liên quan