85 năm tiên phong lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến những thắng lợi khác mang tầm vóc lịch sử; trong đó chúng ta không thể không kể tới những thành tựu nổi bật giai đoạn gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước (1986 - 2011). Nhìn lại chặng đường hơn tám thập kỷ, Đảng ta đã có một quá trình bổ sung, phát triển đường lối về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Hai bản Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới năm 1991 và 2011 là những minh chứng khá rõ nét về nội dung này.
Năm 1991 – Dấu mốc trên tiến trình đổi mới tư duy nhận thức của Đảng ta về các đặc trưng xã hội XHCN thời kỳ quá độ…
Tổng kết thực tiễn cách mạng nước ta sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó đã nêu 6 đặc trưng về xã hội XHCN ở Việt Nam, gồm:
“Do nhân dân lao động làm chủ.
Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.
Tư tưởng đưa đất nước phát triển theo con đường CNXH được khởi nguồn từ những năm 1930 khi Đảng mới thành lập, nhưng phải đến Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 được thông qua tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta mới bước đầu thể hiện nhận thức về mô hình XHCN ở Việt Nam với những nét khái quát nhất. Lần đầu tiên, Đảng ta đã xác định được 06 đặc trưng cơ bản nêu trên của xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam xây dựng thời kỳ đổi mới đất nước cụ thể trên từng lĩnh vực. Thông qua 06 đặc trưng cơ bản này, Đảng ta đã từng bước đưa ra đáp án trả lời cho câu hỏi CNXH mà nhân dân Việt Nam xây dựng là một xã hội như thế nào, các tiêu chí cụ thể để xây dựng đất nước theo chế độ xã hội XHCN tiến bộ đó là gì.
Với ý nghĩa to lớn trên, có thể coi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) đã ghi dấu mốc trên tiến trình đổi mới tư duy, nhận thức về CNXH và xây dựng đất nước theo XHCN, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về lý luận kể từ sau đổi mới (1986) của Đảng ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 đã đặt những viên gạch nền móng vững chắc đầu tiên, mở ra tiền đề trong đường lối về những đặc trưng xã hội XHCN để bổ sung, phát triển và cụ thể hóa trong các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, trong đó điển hình là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng.
… Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục hoàn thiện mô hình XHCN ở nước ta
Quan điểm về đặc trưng xã hội XHCN trong Cương lĩnh xây dựng đất nước tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đã được các nghị quyết Đại hội VIII, IX của Đảng tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa một bước; Đại hội X (2006) với bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và đến Đại hội lần thứ XI (2011) – Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện hơn về mô hình xã hội XHCN với 08 đặc trưng cơ bản:
Một là, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, do nhân dân làm chủ.
Ba là, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp.
Bốn là, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm là, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Sáu là, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Bảy là, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tám là, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Dễ nhận thấy sự bổ sung, phát triển đường lối của Đảng ta trong nhận thức về đặc trưng xã hội XHCN ở Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011), đó là: Trên cơ sở kế thừa 06 đặc trưng được chỉ ra trong Cương lĩnh năm 1991, bản Cương lĩnh năm 2011 đã tiếp tục bổ sung, phát triển hoàn thiện thành 08 đặc trưng tương đối đầy đủ và làm rõ hơn về các đặc trưng đó của mô hình CNXH ở Việt Nam.
Đảng ta đã bổ sung thêm 02 đặc trưng của xã hội XHCN, gồm đặc trưng về mục tiêu tổng quát “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng về Nhà nước “Có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Đây là những đặc trưng mới mà trong bản Cương lĩnh năm 1991 chưa đề cập tới.
Điều chỉnh về đặc trưng kinh tế, từ “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (Cương lĩnh năm 1991) thành “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp” (Cương lĩnh năm 2011).
Ngoài ra, Đảng ta còn bổ sung và điều chỉnh một số điểm khác như: đã bỏ cụm từ “lao động” và mở rộng biên độ hơn “do nhân dân làm chủ”; bỏ từ “bóc lột”; điều chỉnh đặc trưng dân tộc qua việc thay cụm từ “các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ” bằng cụm từ “ Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”;...
Với bước chuyển quan trọng trong đường lối của Đảng ta về đặc trưng xã hội XHCN chặng đường 20 năm đổi mới đất nước (1991 - 2011) thông qua 2 bản Cương lĩnh năm 1991 và 2011, có thể khẳng định, mô hình xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng không phải mô hình CNXH cũ đã bị sụp đổ từ những thập niên 90 của thế kỷ XX, mà đó là mô hình mới được xây dựng với 08 đặc trưng cơ bản trên các mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều này chứng tỏ, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới.
Có được bước phát triển, bổ sung trong quan điểm, đường lối của Đảng ta về đặc trưng xã hội XHCN thời kỳ đổi mới đất nước (1991 - 2011) nêu trên bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố chủ quan đóng vai trò quan trọng – Đó là, Đảng ta quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo hệ tư tưởng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đặc trưng xã hội XHCN vào Việt Nam; trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng đã luôn tìm tòi và bổ sung hoàn thiện hơn về các đặc trưng xã hội XHCN, nhằm tạo ra sự biến đổi quan trọng về chất ở mọi mặt, phù hợp với bối cảnh quốc tế cũng như điều kiện trong nước đặt ra, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của toàn dân tộc.
Lê Thị Hiếu