Sáng 4-4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương". Tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đưa ra tám nội dung quan trọng mà các địa phương cần phải nắm chắc để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có điểm cầu của 27 tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19 gồm: Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Đắc Lăk, Hưng Yên
Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, hiện nước ta có 239 người mắc tại 25 tỉnh/thành phố. Việt Nam đã có 90 ca công bố chữa khỏi, chưa có ca tử vong, nhưng dịch bệnh vẫn tiểm ẩn những nguy cơ lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, để thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương thực hiện một số nội dung sau:
Một là, nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đặc biệt là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-3-2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 3-4-2020 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương nghiên cứu các kết luận phiên họp của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia và họp bàn báo cáo giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương ít nhất hai ngày/lần.
Hai là, Ban Chỉ đạo các địa phương phải phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24 và báo cáo ngay số điện thoại trực về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổng hợp để Ban Chỉ đạo có kênh liên lạc và chỉ đạo kịp thời về công tác phòng, chống dịch.
Ba là, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã ban hành kế hoạch cập nhập bổ sung đối với các cấp độ dịch trong tình hình hiện nay. Ban Chỉ đạo xác định cấp độ dịch đang ở cấp độ 3. Theo dự báo trong thời gian tới tình hình dịch rất phức tạp, khó lường nên Ban Chỉ đạo đã cập nhập bổ sung và hoàn thiện các cấp độ dịch trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị Ban Chỉ đạo các địa phương căn cứ vào kế hoạch mới nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tình hình cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch ứng phó cho phù hợp tình hình dịch của địa phương và chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng.
Bốn là, Chính phủ đã có Nghị quyết 37/2020/NQ-CP ngày 29-3-2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 và quyết định 437/QĐ-TTg ngày 30-3-2020 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19 và đề nghị Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các tỉnh triển khai, phát động Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch. Đề nghị các địa phương căn cứ vào các văn bản để triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trục lợi.
Năm là, phải thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch để hạn chế việc lây lan dịch bệch ra cộng đồng, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly. Thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội của Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội là giãn cách xã hội chứ không phải là ngăn sông cấm chợ. Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, thông báo của Bộ Y tế về danh sách người từ nước ngoài về Việt Nam; những người đến khám, chăm sóc phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai; những ai có liên quan đến lịch trình di chuyển của BN 237, tuyên truyền hướng dẫn để người dân biết tự khai báo.
Duy trì tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, mỗi tổ tối thiểu hai người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, bí thư, trưởng thôn khu phố. Mỗi tổ phụ trách một cụm dân cư, khu phố khoảng 50 hộ gia đình lập danh sách theo dõi, sàng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch. Đối với việc xét nghiệm, địa phương sẽ chọn một huyện hoặc phường dự kiến có nguy cơ để xét nghiệm cắt ngang cộng đồng, đánh giá nguy cơ cộng đồng.
Đối với việc điều trị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ tiêu giường bệnh tại các cơ sở y tế theo quyết định số 47 ngày 30-3-2020 của Ban Chỉ đạo về giường cách ly trong điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm tại cộng đồng; thực hiện điều trị theo nguyên tắc dịch ở đâu khoanh vùng dập dịch ở đó. Điều trị bệnh nhân tại chỗ, chỉ chuyển lên tuyến trên khi bệnh nhân nặng vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị. Những đơn vị của tỉnh nào do tỉnh đó chỉ đạo và chịu trách nhiệm; thực hiện phân luồng điều trị hợp lý tránh lây nhiễm trong bệnh viện; nhân viên y tế thực hiện nghiêm phòng hộ trong khám bệnh tránh lây nhiễm chéo, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly trong các cơ sở y tế của Bộ Y tế.
Sáu là, xử lý theo quy định pháp luật đối với những đối tượng cố tình không chấp hành quy định về cách ly y tế, bố trí khu cách ly riêng cho đội ngũ nhân viên y tế để vừa cách ly, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Bảy là, lưu ý công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các trại dưỡng lão, trại giam và trung tâm bảo trợ xã hội.
Tám là, báo cáo dịch tễ của BN 237 - bệnh nhân người Thụy Điển có liên quan nhiều cơ sở y tế (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện E), giao lại cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội xử lý coi như một tâm dịch để có các biện pháp triển khai quyết liệt để tránh lây lan ra cộng đồng.
Tại hội nghị trực tuyến, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội cho biết, đến thời điểm này Hà Nội đã rà soát, quản lý, cách ly 455 trường hợp đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 số 237, trong đó có 101 trường hợp là F1, 354 người là F2.
Hiện 101 trường hợp F1 đã được cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp là F2 cũng đã được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
Cụ thể, 101 trường hợp F1 liên quan bệnh nhân 237 gồm: Tại khách sạn nơi bệnh nhân lưu trú tại phường Bồ Đề, Long Biên: 12 trường hợp F1 đã được CDC Hà Nội lấy mẫu; Bệnh viện đa khoa Đức Giang: 18 trường hợp F1 đã được CDC lấy mẫu; Viện Huyết học - Truyền máu TƯ: 45 trường hợp F1 đã được lấy mẫu; Bệnh viện E: bốn trường hợp F1, đã được lấy mẫu; Bệnh viện Việt Pháp: 22 trường hợp F1 đã được lấy mẫu.
Đồng thời, ngành y tế Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn toàn bộ tại các khoa của các bệnh viện và các nơi mà bệnh nhân đã lưu trú; Tiến hành cách ly một số khoa tại các bệnh viện; Thông báo tới các địa phương khác mà bệnh nhân đã đến và có tiếp xúc, khẩn trương tiếp tục điều tra dịch tễ học quá trình di chuyển bằng đường bộ, kiểm tra camera để xác định tiếp xúc của bệnh nhân.
Nguồn: nhandan.com.vn