KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 28/05/2019 - Lượt xem: 231
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay

Đỗ Hữu Nhân Tỉnh  ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy   Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay đã có nhiều tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quy định chuẩn mực đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử trong các trường học nói chung và với học sinh nói riêng. việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được tăng cường hơn. ​

Học sinh  hiện nay nói chung cơ bản có tinh thần yêu quê hương đất nước, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Đa số học sinh đều có lý tưởng phấn đấu, động cơ học tập nghiêm túc, rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động chung của tập thể, các phong trào, xung kích, sáng tạo, tình nguyện. Phần lớn học sinh có đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh, và lên án những tiêu cực, tệ nạn xã hội, các hành vi trái thuần phong mĩ tục, không sa vào tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực nêu trên, hiện nay tình trạng vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống trong một bộ phận học sinh đang báo động rất mạnh. Hiện nay vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống đang được cả xã hội hết sức quan tâm và lo lắng. Một bộ phận không nhỏ học sinh vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, lối sống ( có cả cố tình và vô tình ) gây băn khoăn, lo lắng lớn cho xã hội bởi nó gây ra những hậu quả lớn. Những hành vi đáng báo động là lối sống thực dụng, mờ nhạt về lý tưởng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp, lối sống buông thảnói dối cha mẹ, thầy cô, trốn học, đánh nhau, trộm cắp, xin đểu, vô lễ, lười học tập, gian lận thi cử, hành hung thầy cô giáo…Đặc biệt là tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có khi dùng cả hung khí, hành xử với nhau vô cùng dã man… Vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều “ nữ quái”, “ nữ đầu gấu” trong trường học. Hiện tượng học sinh tự quay Clip sex và nhiều Clips phản cảm rồi tự đăng lên các diễn đàn, các mạng xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng …
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay còn nhiều bất cập.
 
Thứ nhất, là do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục. Trẻ em hư hỏng, trước hết thuộc về lỗi của cha mẹ. Hiện nay có khá nhiều bố mẹ vì quá mải mê với việc kiếm tiền nên ít khi hoặc thậm chí không dành thời gian trò chuyện với con, quan tâm, nắm bắt tâm lý, tình cảm, cuộc sống của con. Có gia đình cho rằng chỉ cần quan tâm, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của con bằng việc cho quà, tiền,…còn trong chuyện học tập thì "trăm sự nhờ thầy". Nhiều phụ huynh tưởng rằng quan tâm tới con có nghĩa là đảm bảo cho con đầy đủ điều kiện vật chất mà quên rằng, chính sự thiếu quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, gần gũi con là nguyên nhân khiến cho quan hệ gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu bền vững. Khi không có cha mẹ "dẫn đường", hoặc bị bỏ rơi trong chính gia đình mình, con cái dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt, nhiều em đã tìm đến bạn bè tụ tập, ăn chơi, hành xử theo bản năng… Bên cạnh đó là sự bùng nổ của thông tin, dẫn đến việc một bộ phận gia đình khá giả chiều chuộng con mình, tạo nên sự đua đòi trong các em. Điện thoại di động, Internet, phim ảnh của các Website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của học sinh, làm hư hỏng học sinh bởi bản tính tò mò, hiếu động của tuổi mới lớn.
 
Thứ hai, là do sự giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay hình thức, nặng tính hàn lâm mà không chú trọng thực hành xã hội. Môn giáo dục công dân có nhiều bài học lý thuyết, không đi sâu vào quan hệ đạo đức giữa con người với con người cụ thể, chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho HS về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức. Lâu nay chúng ta chỉ mới "coi" chứ chưa "trọng" việc giáo dục đạo đức, lối sống. Ngành giáo dục đang thiên về trí dục so với đức dục khi nhiều trường, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến tỷ lệ HS tốt nghiệp, đỗ đại học mà chưa quan tâm đến tỷ lệ học sinh chăm ngoan, giáo viên chủ nhiệm giỏi… Công tác giáo dục học sinh cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật trở thành phổ biến, không ít trường hợp, thay vì đối thoại với học sinh thì lại thành "đối đầu".
 
Thứ ba, là do môi trường xã hội ảnh hưởng không nhỏ vào việc hình thành nhân cách của mỗi công dân nói chung và mỗi học sinh nói riêng. Do tác động của mặt cơ chế thị trường làm cho trẻ vị thành niên bị cám dỗ vào lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỉ …. Môi trường sống xung quanh cùng với những tệ nạn xã hội đang diễn ra tràn lan và ngày càng xâm nhập sâu vào học đường cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về đạo đức, lối sống…. Sự hội nhập với nền văn hóa văn minh, hiện đại đã khiến không ít bạn trẻ choáng ngợp trước lối sống mới lạ và đã không chọn lọc nên rơi vô tình rơi vào nhiều cạm bẫy, nảy sinh những cách sống thiếu lành mạnh, như sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tư tưởng thích sống tự do buông thả… Thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện xem nhẹ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa lối sống lành mạnh trung thực, có lý tưởng…với lối sống ích kỉ, thực dụng…đang diễn ra hàng ngày. Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập, những cái tiêu cực cũng đang xâm nhập vào đạo đức, lối sống của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ học sinh. Vì thế nhiều học sinh đạo đức, lối sống bị “ lệch chuẩn”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “ Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”…Những lời dạy của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản của một con người. Trong một con người “tài” và “đức” phải luôn song hành với nhau. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau. Trong mỗi con người cái “tài”, cái “đức” không phải ngẫu nhiên mà có, mà hai chữ ấy phải được vun đắp, trao dồi và phải được giáo dục ngay từ tấm bé. Việc dạy chữ (dạy cái tài) và dạy người (dạy cái đức) phải luôn luôn đi song song với nhau, không được xem nhẹ hay buông bỏ một trong hai mặt ấy. Có như vậy con người mới phát triển toàn diện được. Vì vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một vấn đề cấp bách đặt ra cho toàn xã hội hiện nay cần được giải quyết nhanh chóng và kịp thời.
Để giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả cho học sinh hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:
 
Một là: Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của gia đình. Giáo dục đạo  đức, lối sống cho học sinh điều trước hết là vai trò, trách nhiệm của gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho học sinh. Gia đình được coi là trường học đầu tiên, là cái nôi cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Khi còn nhỏ, nhân cách HS chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng thông qua sự bắt chước hành động của người lớn, mà thường xuyên và gần gũi nhất là bố - mẹ, trẻ bắt đầu thâu nhận tất cả để hình thành nhân cách của mình. Việc nuôi dạy con cái ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người. Từ khi mới sinh ra đến tuổi đi học, trẻ em chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Để giáo dục đạo đức cho học sinh, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng toả sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cao đẹp cho thế hệ con cháu. Trong gia đình cha mẹ phải thật sự mẫu mực, là tấm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo bồi dưỡng con cái. Điều đó đòi hỏi những người làm cha, làm mẹ phải có những thay đổi về suy nghĩ và hành động trong giáo dục con cái. Cha mẹ phải là người mực thước trong việc giáo dục con cái những giá trị đạo đức làm người đầu tiên.
 
Hai là: Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường. Nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. Khẩu hiệu “ Tiên học lễ, hậu học văn” được treo trang trọng ở các nhà trường cần được thực hiện đúng ý nghĩa, phương pháp, mục tiêu. Giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người là nội dung giáo dục hàng đầu trong nhà trường hiện nay và phải đặc biệt coi trọng. Cần phải đổi mới cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh. Ngoài việc xây dựng các quy định về các chuẩn mực đạo đức, lối sống thì chương trình giáo dục cần cụ thể, tránh hình thức, hàn lâm mà cần chú trọng thực hành xã hội. Chú trọng giáo dục làm cho học sinh nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cần tập trung đi sâu vào mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người như quan hệ ông bà – bố mẹ - con cái… Khi được dạy các giá trị tình cảm và các mối quan hệ, học sinh sẽ hiểu được giá trị của cộng đồng mang lại, từ đó các em sẽ có ứng xử phù hợp thay vì các hoạt động hô hào, hình thức như hiện nay. Trong khi vấn đề quan trọng để giáo dục đạo đức con người, theo các nhà khoa học tâm lý học, đó chính là chạm được vào cảm xúc, điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức học sinh rất nhanh chóng. Bên cạnh đó là vai trò cực kỳ quan trọng của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, người có điều kiện và trách nhiệm nhất để gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Người thầy cần là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo. Bác Hồ đã dạy “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. Đạo đức của người Thầy, thể hiện ở việc tâm huyết với nghề nghiệp, sự tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp trước hết là người phải có tri thức về nghề nghiệp. Và phải có “Cần, kiệm, liêm, chính”. Có như vậy khi đứng trên bục giảng mới có sức thuyết phục được đối tượng cần truyền đạt là học sinh. Mối quan hệ giữa thầy – trò cần được gắn kết tình cảm, trách nhiệm, gần gũi như cha mẹ - con cái. Khi học trò đến trường, người thầy cần được coi là “ như mẹ hiền”. Thực tế đã chứng minh, nhiều học sinh “ cá biệt ” đã được nhiều thầy, cô “ cảm hóa ” trở thành con ngoan, trò giỏi, và sau trưởng thành, phát triển có ích cho xã hội. Chỉ với cái đức của người thầy như vậy mới có khả năng tốt nhất để giáo dục đạo đức, lối sống có hiệu quả, chất lượng cho học sinh hiện nay.
 
Ba là: Xây dựng xã hội với môi trường lành mạnh. Môi trường xã hội lành mạnh sẽ có tác động tốt vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống mỗi học sinh. Học sinh được sống trong một xã hội với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và luôn được củng cố, duy trì và phát triển học sinh mới có được chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt được. Mặt khác, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút, rèn luyện học sinh, sinh viên theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh, đồng thời cần xây dựng chế tài xử lý nghiêm những học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống.
Tóm lại: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn cần đảm bảo phương thức “ kết hợp gia đình – nhà trường – xã hội ” giúp cho mỗi học sinh có được trình độ nhận thức về các giá trị đạo đức, lối sống để từ đó tự điều chỉnh hành vi phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội. Trong phương thức kết hợp đó, gia đình là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò quan trọng nhất. Thứ đến mới là vai trò của nhà trường và xã hội. Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức mà các thế hệ trước đã tạo dựng đồng thời góp phần tích cực trong việc giáo dục hình thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống mới, khắc phục, loại trừ những quan điểm lạc hậu, sự lệch chuẩn, những thói hư tật xấu hay những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức. Một học sinh có đạo đức, lối sống tốt sẽ là một con người tốt, và sẽ có một gia đình tốt, một xã hội tốt. Vì vậy giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển bền vững.
 
Tin liên quan