KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 31/01/2022 - Lượt xem: 117
Tết của bà

Bà cũng mong ngóng Tết như trẻ con. Nhưng chẳng phải thèm vị ngọt kẹo mứt hay mùi vải thơm của tấm áo mới mà để sum vầy bên con cháu. Mỗi cái Tết đi qua, lưng bà lại còng hơn, tóc bạc thêm, đôi mắt mờ và chân run từng bước. Thế nhưng, bà vẫn mong ngóng những ngày cuối năm để con cháu từ phương xa trở về.
Năm ngoái, chú bị mắc kẹt ở thành phố vì dịch Covid-19. Nghe điện báo, bà lẳng lặng ngồi ngoài hiên nhà. Gió đông bời bời trên mái tóc bạc phơ. Những nếp nhăn xô lại như sóng, đáy mắt bà đựng cả hoàng hôn. Hôm sau, bà gói ghém đủ thứ từ gà, thịt lợn, trứng, bánh chưng, hoa quả, rau củ… gửi lên để chú ăn Tết. Cả Tết, bà luôn miệng nhắc đến chú.
Ngay từ rằm tháng Chạp, bà đã ra ngóng, vào trông trời đất. Oi nóng thì bánh chưng chẳng để được lâu, lạnh giá thì lo đàn cháu từ Nam ra viêm họng. Bà lật giở từng tờ lịch: “Nay đã là hai ba, hai tư, hai năm… tháng Chạp rồi”. Nghe điện thoại từ con gái ở phương Nam, bà luôn miệng hỏi: “Chuẩn bị đồ đạc đến đâu rồi? Nhớ mang áo ấm về. Đi máy bay đừng lỉnh kỉnh đồ đạc. Ở quê bây giờ cái gì cũng có”.
Bà chống gậy sang nhà bác Tám cuối xóm. Ngay từ ngõ, bà đã nói vọng vào: “Bác Tám à, bán cho tôi mấy quả dừa bánh tẻ. Năm nay mấy đứa nhà tôi về cả. Mà chúng nó thích ăn mứt dừa tôi làm lắm”. Đôi tay khô rộc của bà thoăn thoắt nạo dừa, trần qua nước sôi, ướp đường, sên trên chảo. Khói bếp xoa lên mắt bà nhưng miệng vẫn bỏm bẻm cười. “Mẻ mứt này ngon lắm, cái Cún, cái Chíp, thằng Bin thích phải biết”.
Những ngày giáp Tết, bà luôn chân luôn tay. Bà ngước nhìn cây bưởi góc sân. Ánh mắt như thể nhìn thấy bóng hình thân quen của ông ngày xưa. Cây bưởi là kỷ vật cuối cùng ông để lại cho bà trước khi mất. Bà chăm bẵm chẳng khác nào đứa con, đứa cháu trong nhà. Những quả bưởi tròn lẳn, lúc lỉu khẽ lắc lư theo làn gió đông lùa qua. Hương nắng còn thơm trên da bưởi vàng óng, bóng mượt. Bà chọn quả to nhất, căng tròn như trăng mười sáu, bày mâm ngũ quả rồi dâng lên bàn thờ ông.
Ngồi trên chõng tre, nhìn mấy đứa con quây quần lau lá dong, gói bánh chưng, nhóm củi, nấu thịt đông, gói giò thủ… đàn cháu xúng xính váy áo, đuổi bắt nhau í ới, bà cười ấm áp như ngày đông hửng nắng. Tết với bà giản dị như thế. Sáng mùng 1 Tết, bà vấn khăn nhung, phát bao lì xì đỏ thắm cho từng đứa con, cháu. Tiếng cười nói ăm ắp căn nhà. Bà kể cho chúng tôi nghe về những cái Tết thuở ấy, đón giao thừa dưới hầm trú ẩn, ăn cơm độn khoai ngày đầu năm. Nghe đến thuộc lòng nhưng đứa nào đứa nấy cứ há hốc miệng như nuốt từng lời của bà.
Lưng bà còng xuống, đàn cháu lớn lên. Tôi lập nghiệp ở thành phố nhưng luôn nhớ lời dặn dò của mẹ: “Người già sợ cô đơn, dễ tủi thân, nhất là dịp Tết. Nên dù có bận rộn đến mấy cũng cố gắng sắp xếp về ăn Tết với bà, với bố mẹ con nhé”. Ngẫm, tôi còn hạnh phúc hơn rất nhiều người vì vẫn còn được đón Tết cùng bà.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan