KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 18/11/2015 - Lượt xem: 148
Tháng 11 về…!

Tháng 11 về, những tàn lá vàng ngày cuối thu – xen lẫn cái se lạnh đầu đông khiến con người ta có nhiều tâm trạng, cuộn mình trong chăn, cắm tai phone mở đài FM lặng yên nghe tiếng nhạc vang vọng trong không gian, bất chợt tôi nghe được vài giai điệu lắng đọng , lời ca da diết giọng Cẩm Ly vang lên: “… người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy…/Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa/Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi …”

Lời ca đượm buồn, tha thiết như cơn gió Mùa phả vào tâm hồn, xoáy vào lòng tôi những ký ức tươi đẹp. Tôi như lạc vào một thế giới khác, phải chăng đó là thế giới mang tên “quá khứ” - không gian sân trường, bóng hình thầy cô với những cô cậu học trò ríu rít nô đùa. Những giọng nói văng văng bên tai, những bài giảng xen lẫn những tâm sự mà cuộc đời thầy cô từng trải lại hiện hữu trong tôi.

Vậy là một năm lại sắp qua, ngày truyền thống của nhà giáo lại sắp đến, ngày để mỗi chúng ta ghi nhớ và tri ân những người thầy, người cô. Những người truyền ngọn lửa đam mê khiến tôi yêu quý văn chương và luôn có những rung cảm mạnh mẽ trước cuộc sống. Ngày còn là cô học sinh cấp 2, tôi nhớ mình đã từng trầm tư đọc đi, đọc lại tác phẩm văn học  “Tôi đi học” của Thanh Tịnh và cảm thấy lòng đầy rạo rực. Sinh ra trên mảnh đất nông thôn nghèo, từ nhỏ tôi đã quen thuộc những câu ca, hay những khúc hát ru văng vẳng quanh ngõ xóm. Mẹ tôi -  người thầy đầu tiên trong đời dạy tôi từng nét chữ, từng con số không bằng kiến thức chuyên môn, hay kỹ năng sư phạm nhưng đã truyền cho tôi những rung cảm đầu đời, để tôi biết yêu thương, biết cảm thông, chia sẻ và khi lớn lên đâu đó trong con người tôi cũng biết cảm nhận những góc cạnh cuộc đời, đó là những điều tôi ghi nhớ và mang ơn. Thời gian trôi đi, rồi chúng ta sẽ gặp những người thầy, người cô khác, những người đưa đò thầm lặng giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, dìu dắt chúng ta trưởng thành qua năm tháng. Tất cả những điều bình dị học được từ mẹ và những điều học ở trường lớp như sợi dây gắn kết tôi với niềm yêu mến văn chương. Những trang văn, trang Kiều phấp phỏng. Giấy thì quá mỏng, cuộc sống thì nhiều bất trắc. Thầy tôi nói dạy văn chính là dạy làm người, đúc dày thêm cái thiện, xóa tẩy đi cái ác. Tôi yêu văn và kính thầy vì lẽ đó! Tiếng thầy cô cứ vang vọng mãi đâu đây, nhớ mỗi buổi học mệt mỏi, những buổi kiểm tra, trên nét mặt những cô cậu học trò là những lo lắng, hồi hộp thì thầy cô vẫn hay nói: “gắng học mà làm sinh viên, sinh viên sướng lắm, không phải học nhiều, không có kiểm tra bài cũ, không bó buộc, không áp lực như bây giờ, có khi không cần đến lớp, ăn rồi ngủ đến mùa thi ở nhà chùm chăn ôn thi và đi thi thôi…”. Chao ôi! Nghe những lời tâm sự đó mà tinh thần bọn học sinh chúng tôi như tỉnh táo, rạng ngời hẳn lên, để rồi tự nhủ phải cố gắng học để một ngày nào đó được hưởng thụ cuộc sống làm sinh viên. Về sau này, khi thực sự bước chân vào ngưỡng cửa đại học, rời xa những gì thân thuộc nhất, tưởng mình đã thực sự lớn, đã là những chàng trai, cô gái tuổi xanh mang trái tim đầy hoài bão, đầy xúc cảm với cuộc sống tập nập ngoài kia. Tôi thấy rằng làm sinh viên vui thì có vui thật, sướng thì có sướng thật nhưng buồn thì cũng không ít, phải đối mặt với không ít những khó khăn, cạm bẫy cuôc đời. Thầm nghĩ có lẽ những câu nói của thầy cô ngày đó không đơn giản là những lời tâm sự mà đó còn là những lời thầm động viên, khuyến khích chúng tôi cố gắng, phấn đấu để theo đuổi tiếp con đường học hành.

Tôi đã từng đọc đâu đó những câu: Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm. Những người thầy, người cô luôn âm thầm, tận tâm với nghề, truyền đạt kiến thức cho chúng ta để làm hành trang bước vào cuộc sống và dạy chúng ta cách làm người. Cũng có người từng ví làm nghề giáo như người lái đò qua sông, đón đưa bao chuyến học trò. Con đò chở đầy kiến thức qua hai bờ lở bồi, mưa nắng. Mái chèo thì vẫn nhịp khoan thai, bền bỉ. Có lúc có chút chòng chành nhưng nghiêng ngả để cân bằng, để tự tin cập bến.  Bến thì bến cũ nhưng khách sang sông thì luôn mới mẻ, hết lớp này đến lớp khác… Liệu rằng những khách sang sông có còn nhớ con đò bến xưa??? Ngọn đèn và trang giáo án, sân trường và màu hoa phượng vỹ, thầy giáo và bao lớp học trò, tiếng trống trường như hồi âm đồng vọng, cánh cổng trường như trang sách mở... Có lẽ trên đời này không có gì đáng quý hơn hai tiếng: thầy, cô cũng thân thương như hai tiếng: mẹ, cha. Đó là những thứ tình cảm mà suốt đời chúng ta chẳng thể nào trả hết được.

Giờ đây, khi đã thực sự bước vào cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền đè nặng. Tôi thấy mình chẳng còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa. Những thứ tình cảm phức tạp của con người kéo tôi ra khỏi cái cảm giác bình yên của tuổi trẻ nhưng sâu thẳm trong tôi vẫn dành những tình cảm tốt đẹp cho cuộc đời. Tôi vẫn sẽ yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có... Cảm ơn mẹ - người thầy đầu tiên trong cuộc đời, cảm ơn những người thầy, người cô giáo tiểu học những ngày đầu còn bỡ ngỡ đã dạy tôi biết “tiên học lễ, hậu học văn”, cảm ơn người thầy, người cô giáo cấp II, III đã dạy cho tôi kiến thức căn bản để tôi lấy nó làm nền tảng bước vào ngưỡng cửa đại học, cảm ơn những thầy cô giáo trên giảng đường đã dạy cho tôi kiến thức chuyên môn để tôi bước vào cuộc sống mới… Và có lẽ trong cuộc đời tôi về tương lai còn phải nói rất nhiều lời cảm ơn khác với những người thầy, người cô khác.

Khánh Thiện

Tin liên quan