KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 07/04/2016 - Lượt xem: 150
Thử giải ảo một truyện cổ dân gian

I- Từ giai thoại “đất bà Chúa”

Nhà thơ Đỗ Tề Tặng vốn tự hào về quê hương Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ) của mình. Ông vẫn nói, làng ông xưa thuộc xã Tử Dương, tổng Sài Trang huyện Yên Mỹ vốn là “đất bà Chúa”.  Qua lần sưu tầm văn học dân gian do Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Hưng Yên phát động, nhà thơ Đỗ Tề Tặng đã lấy chính giai thoại về “đất bà Chúa” làm tài liệu điền dã. Tài liệu này đã được thạc sỹ Vũ Tiến Kỳ sử dụng trong sách “Truyện cổ Hưng Yên” ấn hành năm 2013 và tiến sĩ Nguyễn Thành Tuấn sử dụng trong đề tài khoa học nghiên cứu về văn nghệ dân gian Hưng Yên.

Chuyện kể rằng, xưa kia, ở làng Tổ Hoả  có hai mẹ con nhà nọ rất nghèo đói. Người mẹ đã mang con xuống làng Me thuộc phủ Bình Giang mò cua bắt ốc để kiếm sống. Vì người con gái của bà còn quá nhỏ nên người mẹ đi đâu phải mang con đi cùng. Khi bà mò cua, bắt ốc ở đâu thì đứa con gái nhỏ của bà được để ngồi chơi trên bờ.

Lạ thay, dù là trời mưa hay nắng thì chỗ đứng, chỗ ngồi của cô bé mưa nắng cũng không tới. Ngày ấy, ở làng Me có một viên chánh tổng, nhà rất giầu có. Hàng ngày, ông chánh thường cưỡi ngựa đi thăm đồng và đôn đốc tá điền làm việc. Nhiều lần thây cô bé "mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu", ông chánh tổng cho rằng chắc đứa trẻ kia phải được thánh nhân phù trợ, không thì cũng là tiên thánh giáng  trần. Về nhà, ông bàn riêng với vợ và đón mẹ con bà bắt cua về nuôi. Vài năm sau, khi cô bé đến tuổi trưởng thành thì vợ chồng viên chánh tổng đặt vấn đề với bà mẹ xin cô gái về làm dâu nhà mình. Thế nhưng, từ ngày con trai có vợ, bà chánh cứ thấy cậu ngày một xanh xao, vàng vọt đi liền gọi vào hỏi nhỏ:

- Làm sao từ ngày con cưới vợ đến nay, mẹ thấy con ốm yếu hẳn, là cớ làm sao?

Người con thưa:

- Vợ con rất yêu thương con. Song có điều lạ là con không sao động phòng cùng vợ con được. Mỗi lần con động phòng thì con thấy từ trong người nhà con có một luồng ánh sáng chói loà phát ra. Con không thể nào chịu đựng được. Con đành bỏ dở chạy ra ngoài. Vì thế con xanh xao, vàng vọt, chứ có ốm đau gì đâu.

Biết vậy, nhưng ông bà chánh vẫn chưa tìm được cách chữa chạy cho đôi vợ chồng trẻ.

Một hôm, người con dâu ông chánh đi cắt cỏ ở ven sông. Bỗng có một chiếc thuyền rồng chở nhà vua đi qua. Mải cắt cỏ, không biết có thuyền nhà vua đi tới, cô gái hát:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Bao nhiêu thảo mộc lai hàng tay ta.
 

Tiếng hát của cô đến tai nhà vua, khiến người động lòng cảm mến. Nhà vua cho ghé thuyền vào bờ, hỏi han cô gái và sai người đưa nàng về Kinh rồi lấy làm Hoàng hậu. Tuy ở ngôi cao, dưới một người, trên cả trăm quan bách tính nhưng Hoàng hậu vẫn thường xuyên xin vua về thăm nơi chôn rau cắt rốn. Bà đã cho quân lính đào một cái giếng ở đầu làng để mỗi lần về thăm quê có chỗ tắm rửa, thay xiêm y trước khi về lễ tổ. Giếng ấy, bà đặt tên là giếng Ngự Bình. Trên bờ giếng kê một phiến đá phẳng, to vừa bằng một chiếc chiếu đậu. Cũng từ đấy, làng Thổ Hoả được cư dân trong vùng gọi là "đất bà Chúa"…

II- Đến hành trạng của một vị Thái phi

Mô- típ gặp gỡ nên duyên giữa một quân vương với cô gái thôn quê cắt cỏ gặp gỡ đối đáp “tay cầm bán nguyệt xênh xang…” như câu chuyện truyền thuyết của làng Tổ Hỏa trong kho tàng truyện cổ Việt Nam thực ra khá nhiều. Ngay tại làng Như Quỳnh (huyện Văn Lâm), cũng có đến hai lần giai thoại kiểu này được lặp lại. Đó là chuyện cô gái Lê Thị Khiết tựa gốc dâu hát và gặp Đệ tam Hoàng Thái tử Lý triều rồi trở thành Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Đến thời Lê- Trịnh, lại là cuộc gặp của cô thôn nữ Trương Thị Ngọc Chử với Tấn Quang Vương Trịnh Bính, rồi kết hôn và sinh ra Trịnh Cương để sau này trở thành Thái phi nhà Trịnh. Dường như cách đối đáp khôn khéo của cô thôn nữ trước bậc quân vương thành mẫu số chung khi dân gian muốn hợp lý hóa những cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối… Bởi thế, câu chuyện về bà Chúa của làng Tổ Hòa chẳng ấn tượng gì lắm đối với tôi ngoài một thoáng băn khoăn, lẽ ra vợ vua phải gọi là “bà Hoàng” mới đúng, phải chăng bà Chúa trong câu chuyện phải là vợ chúa chứ không phải vợ vua…

Có một thời gian dài nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời Lê- Trịnh, khi tìm hiểu hoa văn trên đá vào thời Trịnh Cương, tôi đã đọc khá nhiều tài liệu về Trương Thị Ngọc Chử và đi lại làng Như Quỳnh nhiều lần. Để có tài liệu đối chiếu, tôi đã tìm về xã Vĩnh Hồng (huyện Bình Giang, Hải Dương) lần tìm dấu vết cung My Thữ. Đây chính là nơi mà “Địa danh chí” của “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ghi: “Làng Mi Thữ, huyện Đường An có Vũ thị lấy Hy Tổ Trịnh Cương, sinh ra Dụ Tổ Trịnh Giang và Nghị Tổ Trịnh Doanh. Trong khoảng 50 năm, uy thế họ ngoại nhỡ chúa rất là hách dịch”. Ở vùng này, Thái phi họ Vũ còn được gọi là Bà Chúa Me, hiện vẫn còn di tích là khu Ngự Dội trong quần thể đình Phục Lễ của xã (được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010).

Chợt nhớ đến câu chuyện của nhà thơ Đỗ Tề Tặng, về cô thôn nữ Tổ Hỏa phải theo mẹ về làng Me, tôi lại lần mò “xác minh lý lịch” của bà chúa họ Vũ trong phần “Nhân vật chí” của “Lịch triều hiến chương loại chí”. Và từ những câu rời rạc, về một số nhân vật khác nhau như Trịnh Cương, Trịnh Giang… chân dung của Bà Chúa Me hiện lên khá rõ: bà tên thật là Vũ Thị Ngọc Nguyên, vợ chúa Trịnh Cương, sinh ra hai nhà chúa là Trịnh Giang và Trịnh Doanh, còn “có công nuôi Ý Tông (tức vua Lê Ý Tông)” nên khi mất được đặt thụy là Từ Đức, tôn phong là Ý công Hậu đức Trang hạnh Đoan Nghi Khuông vận Diễn phúc Quốc Thánh mẫu. Và, thật bất ngờ, bà là người xã My Thữ nhưng nguyên quán lại ở xã Tử Dương.

Đến đây thì hành trạng của bà chúa trong câu chuyện của nhà thơ Đỗ Tề Tặng đã rõ. Bà nguyên là cô gái mồ côi cha của làng Tổ Hỏa, được mẹ mang đến My Thữ ngụ cư. Đó cũng là thời gian mà sử sách chép rằng, chúa Trịnh Cương thường tuần du ra ngoài. Do tình cờ, nàng đã gặp và nên duyên với nhà Chúa, trở thành chính phi. Sau khi mất, do có công nuôi dưỡng vua Lê, lại là mẹ đẻ của hai đời chúa là Trịnh Giang và Trịnh Doanh nên không những gia đình, dòng họ mà cả quê hương cũng hưởng nhiều ân sủng của triều đình.

Thế nhưng, tôi vẫn cho rằng, cái tên “đất bà Chúa” còn có uyên nguyên nữa…

III- … và “Tử Dương thích phủ”

Lại về quê nhà thơ Đỗ Tề Tặng, tôi đề nghị nhà thơ cho mình đến thực mục sở thị chiếc giếng Ngự Bình và hòn đá cổ. Thật bất ngờ, tôi lại gặp trên phiến đá những hoa văn mà tôi định tìm kiếm ở cung My Thữ. Đó là những hoa văn hoa cúc dây, long mã, tinh vân đặc trưng của mỹ thuật Lê- Trịnh.

Lúc sinh thời, dù được đánh giá là khá anh minh, nhưng chúa Trịnh Cương cũng tỏ ra xa hoa khi xây cung Chí Nguyên cho mẹ đẻ là bà Trịnh Thị Ngọc Chử ở xã Như Kinh (Như Quỳnh, Văn Lâm ngày nay). Bắt chước cha mình, Trịnh Giang khi lên ngôi chúa, nắm trong tay quyền lực, đã xây nhưng hai phủ ngoại thích cho mẹ mình ở cả nơi ngụ cư là My Thữ và Tử Dương. “Tử Dương thích phủ” đã được sách “Hưng Yên tỉnh Nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm Đinh Hợi thời Đồng Khánh (1887), được Thư viện tỉnh biên dịch và ấn hành nhắc đến: “Sử chép phi của Trịnh Cương là người họ Vũ quê xã Tử Dương huyện Đông Yên. Trịnh Giang sai tu tạo từ, phủ ở quê ngoại Tử Dương”.

Bằng những hoa văn trên bệ đá làng Tổ Hỏa, có thể thấy rằng, thích phủ ở Tử Dương nguy nga tráng lệ chẳng kém gì cung Chí Nguyên ở Như Quỳnh. Thế nhưng, lạ là, vì sao hiện nay phủ đệ này không còn, và dân gian chẳng ai nhắc đến chuyện đó nữa. Lật lại sử sách, ta thấy rằng, trong thời Lê mạt tao loạn, chiến tranh liên miên, khu vực Yên Mỹ, Mỹ Hào giáp ranh Hải Dương là vùng xảy ra khá nhiều cuộc giao tranh. Vì thế, các phủ đệ của hoàng thân quốc thích trong vùng khó mà bảo toàn trước cơn binh lửa. Theo dịch giả Dương Văn Hoán (Viện nghiên cứu Hán Nôm, thì trong Hưng Yên tỉnh, Yên Mỹ huyện, Sài Trang Tổng, Sài Trang xã, Đỗ Xá thôn tục lệ” có chép: “năm Canh Thân (1740) giặc Nguyễn nổi lên, hung hăng đốt phá phủ từ Tử Dương”.  Đó chính là cuộc khởi nghĩa nông dân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Hải Dương. Và không chỉ có Tử Dương thích phủ, cung My Thữ ở Bình Giang cũng bị tàn phá trong thời gian này. Cũng từ ấy, cơ nghiệp hơn 200 năm nhà Trịnh dần đi vào tàn lụi, những phủ miếu không thể nào gượng dựng được nữa.

*

Trước khi về, thấy tôi cứ bùi ngùi lưu luyến với pho bệ đá cạnh giếng Ngự Bình, nhà thơ Đỗ Tề Tặng bâng quơ đọc câu Kiều:

Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây ?"
 

Trong một thoáng, tôi chợt nghĩ rằng, những vinh hoa phú quý, những thành quách lâu đài chẳng qua cũng chỉ là giấc mộng kê vàng, rồi chỉ đến mai này, có chăng cũng chỉ tồn tại trong truyện cổ mà thôi…

A Ma Minh

 

 

Tin liên quan