KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/04/2020 - Lượt xem: 33
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá

 Ngày 21-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo quý I-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, chi phối bởi quy luật giá trị, nhưng trong bối cảnh hiện nay có nhiều vấn đề, phải quản lý nhà nước tốt hơn theo đúng quy định của pháp luật về giá cả. Cung cầu, giá thành và giá bán là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng chúng ta kiên quyết chống đầu cơ nâng giá, phá giá thị trường, làm giàu bất chính. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này, nếu không bảo đảm đủ hàng hóa cần thiết thì chắc chắn giá cả sẽ tăng vọt; đi liền với đó là phải bảo đảm an ninh lương thực, nhu yếu phẩm khác của người dân; cùng với đó là quản lý tốt để bảo đảm mặt bằng giá phản ánh đúng thực tiễn. Nếu buông lỏng là sai lầm; chạy theo thị trường thông thường là sai lầm; không thể để tự do không kiểm soát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện chỉ số quan trọng về lạm phát hằng năm mà Quốc hội đã thông qua, nhất là năm nay phải bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%. Theo Thủ tướng, tăng trưởng tốt phải đi liền với bảo đảm giá cả ổn định.
 
Các bộ, ngành cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến hoàn thiện các báo cáo; giao Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Văn phòng Chính phủ các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp này để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong kết luận này, Thủ tướng lưu ý thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể; có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chậm, bỏ bê công việc, vi phạm quy định, làm giá cả diễn biến xấu; thể hiện quyết tâm hoàn toàn kiểm soát mục tiêu lạm phát năm nay với khả năng và các biện pháp điều hành của chúng ta để nhân dân yên tâm; kiểm soát tốt dịch bệnh và giá cả, các vấn đề khác. Các cấp, các ngành phải đóng góp vào kiểm soát mục tiêu này.
 
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành giá từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát tốc độ tăng CPI như Quốc hội đề ra, không đặt vấn đề CPI vượt 4% trong phương án 1 đã trình bày. Tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp (DN) liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để giảm giá lợn hơi về mức trên dưới 60 nghìn đồng/kg; bình ổn giá gạo, xăng dầu; tiếp tục giảm giá điện, nước, dịch vụ vận tải, viễn thông; bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để giảm khó khăn cho người dân đang chịu tác động của dịch Covid-19. Tiếp tục nghiên cứu kỹ báo cáo đề xuất các cấp thẩm quyền về tăng mức lương cơ bản; xem xét giá các dịch vụ giáo dục, y tế; xem xét, đánh giá phân tích tác động của gói hỗ trợ và đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với việc kiểm soát lạm phát và điều kiện khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Giá các mặt hàng thiết yếu phải được Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ xem xét, không tùy tiện định giá; giá dịch vụ y tế cũng như vậy.
 
Về hoàn thiện các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng các Bộ NN-PTNT, Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện từng mặt hàng, bảo đảm tốc độ tăng CPI dưới 4%. Trong đó có lưu ý tình hình thế giới, trong nước, tuyệt đối không chủ quan, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; làm tốt công tác dự báo, nhất là đối với những mặt hàng quan trọng để có giải pháp, đối sách chủ động, kịp thời.
 
Thủ tướng yêu cầu, đối với điều hành giá thịt lợn, chúng ta thấy, trung gian chiếm tỷ lệ quá cao. Do đó, giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các cơ quan chức năng kiểm tra, giảm tỷ lệ trung gian xuống. Sớm giảm giá lợn hơi xuống còn trên dưới 60 nghìn đồng/kg ngay tháng này và đầu tháng sau. “Giá lợn hơi bị đẩy lên cao tới 90 nghìn đồng/kg, liệu người chăn nuôi có được hưởng không hay chỉ một bộ phận hưởng lợi”, Thủ tướng đặt vấn đề, đồng thời yêu cầu các Bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính, Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện ngay các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, yêu cầu các DN chăn nuôi lớn, quy mô lớn có biện pháp hữu hiệu giảm giá bán sản phẩm. Không thể bắt DN bán thịt lợn dưới giá thành, lãi quá ít nhưng lãi phải ở mức nào, không thể để tình trạng như hiện nay. Chúng ta động viên DN nhưng phải phân bổ lợi nhuận hợp lý.
 
Tổ chức lại, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình, DN chăn nuôi khác là quan trọng. Trong đó chú ý các khâu: vốn do ngân hàng hỗ trợ hộ nông dân; cung cấp lợn giống, hỗ trợ tiền tái đàn; thức ăn chăn nuôi còn quá cao; nhiều địa phương chưa công bố hết dịch. Các tổ chức, đoàn thể động viên bà con nông dân, chỉ đạo địa phương. Kiểm tra giá thành và giá bán, trong đó chú ý tình trạng khâu trung gian, nhất là thương lái và khâu giết mổ đang hưởng lợi lớn. Vấn đề là làm sao hài hòa giữa các khâu. Nếu phát hiện các khâu này đầu cơ, thao túng giá phải xử lý theo pháp luật. Đi liền với việc tăng nguồn cung thịt lợn trong nước qua các DN lớn, hộ gia đình, thì cần tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Kiểm tra, giám sát nhập khẩu thịt lợn, đưa ra thị trường, các siêu thị, chợ. Giám sát chặt chẽ xuất khẩu thịt lợn cả chính ngạch và tiểu ngạch; hiện chưa có chủ trương xuất khẩu thịt lợn. Phải tăng cường kiểm soát đường mòn lối mở biên giới để ngăn xuất lậu thịt lợn. Tuyên truyền, giáo dục tiêu dùng cho người dân không chỉ ăn thịt "nóng" mà ăn cả thịt “mát”, thịt đông. Kế hoạch năm nay sẽ nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn hoặc hơn số này.
 
Về việc tái đàn lợn, Bộ NN-PTNT phải chủ động có phương án rất cụ thể. Với việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động và có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền. Bộ NN-PTNT tiếp tục có chính sách bổ sung tái đàn tốt hơn. Các cấp, các ngành và địa phương phải quán triệt vấn đề đề này.
 
Bảo đảm xuất khẩu gạo có kiểm soát, bảo đảm an ninh lương thực; chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm mọi sai phạm; mua đủ dự trữ và bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Về giá xăng dầu, Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; yêu cầu Bộ Công thương rút kinh nghiệm vì chậm trình Chính phủ dự thảo Nghị định này. Yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô thế giới, có kịch bản, phương án cụ thể điều hành giá xăng dầu, kết hợp hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, không để tăng đột biến ảnh hưởng sản xuất kinh doanh; đi liền với đó là sản xuất xăng dầu trong nước thì phải tính toán phù hợp tình hình.
 
Về giá điện, nước, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải, sách giáo khoa (SGK)… Thủ tướng giao Bộ Công thương thực hiện nghiêm chỉ đạo giảm giá điện 10%; Chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm việc giảm giá nước sạch cho người dân. Các Bộ Y tế, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có biện pháp cụ thể, giảm giá các loại vật tư y tế, dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng để giảm khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đời sống, bình ổn mặt bằng giá thị trường. Riêng SGK phải kiểm soát chặt chẽ, không được nâng giá. Về tăng lương từ ngày 1-7-2020 và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế và giáo dục, Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ Y tế, GD-ĐT xem lại thời điểm điều chỉnh, nghiên cứu đánh giá kỹ, đầy đủ tác động, báo cáo kịp thời cấp thẩm quyền việc này, đặc biệt trong điều kiện khó khăn. Tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi kiểm soát được chỉ số giá vào thời điểm thích hợp tùy tình hình cụ thể, bảo đảm không ảnh hưởng mục tiêu điều hành giá.
 
Yêu cầu các bộ quản lý vĩ mô như Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, cập nhật kịch bản tăng trưởng, các chỉ số vĩ mô, đề xuất đối sách phù hợp. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo có quyết sách kịp thời, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, thị trường vàng, ngoại tệ...; phối hợp chặt với chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư để bảo đảm ổn định vĩ mô, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tạo thuận lợi cho phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh bớt dần, tạo sức bật cho nền kinh tế sau dịch, nhất là giảm lãi suất, cấp tín dụng phải đến được DN, nhất là DN siêu nhỏ, người chăn nuôi.
 
Về thông tin và truyền thông, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tiêu dùng cho người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, đóng góp vào công tác điều hành giá; tuyên truyền tốt không để người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa. Các hiệp hội ngành nghề tích cực tham gia hỗ trợ tuyên truyền, thực hiện hiệu quả mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...
 
* Theo Ban Chỉ đạo Điều hành giá, mặt bằng giá cả thị trường trong quý I diễn biến theo hướng tăng mạnh vào tháng 1 và giảm vào tháng 2 và 3. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so tháng trước của tháng 1-2020 tăng cao ở mức 1,23%, tháng 2 giảm nhẹ 0,17% và tháng 3 giảm 0,72%. Bình quân quý I, CPI tăng 5,56% so cùng kỳ năm 2019 và mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2016-2020.
 
 
Với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra vẫn có thể thực hiện, nhưng kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong ba tháng (4, 5 và 6) theo công văn của Bộ Công thương.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan