KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 25/08/2024 - Lượt xem: 69
Thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Qua đó, giúp họ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng bảo trợ xã hội ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh

Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, trên cơ sở văn bản của Trung ương, tỉnh đã ban hành văn bản triển khai các chính sách liên quan theo từng giai đoạn, thực hiện trợ cấp cho các đối tượng kịp thời, đúng chế độ. Ngày 1/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 76). Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh từ 360 nghìn đồng/tháng lên 500 nghìn đồng/tháng. Để kịp thời triển khai thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách đối với đối tượng BTXH, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1892/UBND-KGVX ngày 9/7/2024 về việc triển khai Nghị định số 76. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở trợ giúp xã hội tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 76. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến; bồi dưỡng, tập huấn; kiểm tra, thanh tra chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội theo chức năng, nhiệm vụ… 

Trước đây, bà Đinh Thị Ngân ở thôn Như Lân, xã Long Hưng (Văn Giang) thuộc hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động và đang phải nuôi em trai bị khuyết tật. Bà Ngân cho biết: Những năm qua, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương; được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo. Em trai tôi Đinh Quốc Trực là người khuyết tật đặc biệt nặng, từ tháng 7/2024, mức trợ cấp xã hội hằng tháng được tăng lên, em tôi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Tôi được hưởng trợ cấp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng với mức 500 nghìn đồng/tháng. Vừa qua, gia đình tôi còn được hỗ trợ xây nhà từ nguồn Quỹ Vì người nghèo. Sự trợ giúp của cấp ủy, chính quyền đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, tôi có điều kiện để chăm sóc cho em trai.

Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội của tỉnh thường xuyên được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội của tỉnh mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng… Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hướng tới người nghèo, đối tượng BTXH như: Hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi; trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí thu nhập đối với từng khu vực… 

Là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Vạch ở xã Lương Tài (Văn Lâm) gặp nhiều khó khăn và không có khả năng thoát nghèo. Thực hiện Nghị quyết số 345/2023/NQ-HĐND, ngày 22/3/2023 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (viết tắt là Nghị quyết số 345), hiện nay, bà Vạch được hưởng mức trợ cấp xã hội hằng tháng gần 2,5 triệu đồng/tháng. Bà Vạch cho biết: Tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhận được sự trợ giúp từ chính sách của tỉnh đã giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn như tôi an yên tuổi già.

Những chính sách quy định tại Nghị quyết số 345 là một trong những chính sách của tỉnh hướng tới đối tượng BTXH, người nghèo… Hiện nay, huyện Văn Lâm có 140 người được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 345. Cùng với đó, các chính sách dành cho đối tượng BTXH được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 33.318 lượt đối tượng BTXH hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với số tiền trên 14,8 tỷ đồng. 

Để các chính sách đến với người thụ hưởng kịp thời, đúng đối tượng, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các xã, phường, thị trấn rà soát cập nhật danh sách các đối tượng BTXH; lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng BTXH mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp đối với đối tượng không còn trong diện BTXH. Việc rà soát, lập hồ sơ xét duyệt các đối tượng BTXH hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 64 nghìn người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Cùng với công tác BTXH thường xuyên, công tác cứu trợ đột xuất cũng được quan tâm thực hiện kịp thời. Ngoài nguồn ngân sách, tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm thăm, tặng quà các đối tượng BTXH vào các dịp lễ, tết trong năm…

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan