KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 24/04/2024 - Lượt xem: 193
Tiềm ẩn nguy cơ chất thải nguy hại trong sinh hoạt

Chất thải nguy hại không chỉ phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, y tế… mà còn phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày của người dân như: Ắc-quy, pin, bóng đèn, thiết bị điện tử hỏng… Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Phế liệu lẫn chất thải nguy hại bị đổ bừa bãi ven đường tại thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)
Đặt túi rác ra ngoài vỉa hè, trong đó có 2 chiếc bóng đèn đã hỏng và mấy đồ điện cũ, chị Lê Thị Thuý ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết: Hằng ngày, trong nhà phát sinh rác thải tôi đều để chung vào một bao rác, tôi cũng biết trong đó có một số là chất thải nguy hại nhưng cũng không biết phải phân loại và thải bỏ đi đâu.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình khi bỏ rác sinh hoạt lẫn với các loại chất thải nguy hại. Thực tế tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, các bãi rác thải sinh hoạt trong tỉnh có thể dễ dàng thấy chất thải nguy hại bị thải bỏ lẫn như: Pin đã qua sử dụng, bóng đèn huỳnh quang, đèn compact đã hỏng, thiết bị điện tử, gương, kính…. Vốn là những đồ dùng thiết yếu và hữu dụng, nhưng khi hỏng và bị thải bỏ thì lại trở thành rác thải nguy hại do có chứa các kim loại nặng như: Chì, thủy ngân… và a-xít. Những chất thải nguy hại này có nhiều độc tính, nếu nhiễm phải sẽ gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, độc tính sinh thái, vừa nguy hiểm với sức khỏe con người, vừa nguy hiểm cho môi trường, ảnh hưởng đến cây trồng, các loài động vật, môi trường đất, nước, không khí.
Có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 (Văn Lâm) áp dụng các biện pháp xử lý chất thải nguy hại như: Hóa học, hóa lý, sinh học, hóa rắn... Đối với chất thải sinh hoạt khi tiếp nhận về khu xử lý được tiến hành kiểm tra, loại bỏ các chất thải nguy hại trước khi đưa vào lò đốt rác, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan ô nhiễm từ các chất độc hại. Tuy nhiên, việc sàng lọc chất thải nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt mất nhiều thời gian, chi phí, giảm hiệu suất xử lý rác thải của đơn vị. Công ty thường xuyên tuyên truyền để các địa phương, doanh nghiệp tự giác trong phân loại rác thải, chủ động liên hệ để công ty thực hiện thu gom và xử lý riêng chất thải nguy hại khi có phát sinh.
Hệ thống xử lý chất thải nguy hại tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp & Môi Trường Việt Nam (Văn Lâm)
Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên chỉ có chức năng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Hưng Yên, không có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Ông Trần Công Đức, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Công ty hướng dẫn công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ thu gom đối với từng loại chất thải, phân biệt chất thải nguy hại để tiến hành thu gom đúng qui định, tránh thu gom và vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại chung với chất thải sinh hoạt. Nhiều hộ dân dù được tuyên truyền, nhắc nhở phân loại riêng chất thải nguy hại, nhưng do ngại, không muốn chi phí thêm cho các đơn vị chuyên xử lý chất thải nguy hại nên vẫn đổ lẫn với rác thải sinh hoạt, nhiều trường hợp thiếu ý thức còn đổ trộm ra ven đường, bãi đất trống.
Trên thực tế, khi chất thải nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt hoặc bị vứt bỏ bừa bãi sẽ khiến các chất độc nhất là a-xít, chì, thủy ngân… phát tán vào không khí, đất, nước, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Theo quy định của pháp luật, việc thu hồi các chất thải sinh hoạt nguy hại do đơn vị cung ứng sản phẩm thực hiện. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại các điểm thu hồi. Đã có nhiều loại sản phẩm thải bỏ được thu hồi như: Pin, ắc qui, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, điện thoại di động… Bên cạnh một số tổ chức, cá nhân có ý thức thì một số vẫn chưa quan tâm khiến tỷ lệ thu hồi còn thấp. 
Bí thư Đoàn xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) Bùi Văn Động cho biết: 3 năm trở lại đây, đoàn xã đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà của pin” triển khai thực hiện tại địa phương nhằm thu gom pin đã qua sử dụng, đưa pin đi xử lý đúng phương pháp, góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải độc hại ra môi trường. Mô hình có 10 điểm đặt thùng chứa để thu gom pin trên địa bàn xã, tuy nhiên, để duy trì hoạt động này cần sự hỗ trợ của các cấp, đơn vị chuyên môn trong việc đưa pin đã thu gom đi xử lý.
Theo khuyến cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất thải nguy hại trong sinh hoạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Mỗi người dân khi sử dụng sản phẩm có nguy cơ phát sinh chất thải nguy hại, đơn vị thu gom, xử lý, đơn vị cung ứng sản phẩm cần sự phối hợp, nâng cao nhận thức, từng bước phân loại, thu gom, xử lý triệt để.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan