KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 28/12/2015 - Lượt xem: 140
Tiếng lựu đạn trong đêm

                                                                                                                                                                     -Truyện ký-

Năm 1947, huyện Văn Giang bị giặc Pháp chiếm đóng. Dọc sông Hồng thì chúng lập các đồn Xuân Quan, Công Luận, Thiết Trụ. Giữa huyện thì chúng lập đồn Cửu Cao, Đa Ngưu. Phía đông huyện là các đồn bốt dầy đặc  dọc Đường 5. Ngoài đồn bốt của Tây, còn có các đồn bốt bảo an của bọn tề ngụy trong các làng xóm. Một số tên hương lý kỳ hào phong kiến và bọn lưu manh cũ bị tước quyền trong Cách mạng tháng Tám được dịp nổi lên công khai làm tay sai và chỉ điểm cho giặc, dẫn giặc đi xục xạo càn quét để lùng bắt Việt Minh.

Bởi vậy chỉ  trong vòng 6 tháng cuối năm 1947, các cơ sở Cách mạng  trong huyện hầu như tan vỡ  hết, các tổ chức, đoàn thể gần như không còn. Những chiến sĩ trung kiên được phân công ở lại bám đất, bám dân ở mỗi làng, mỗi xã  chỉ còn lại  đếm được trên đầu ngón tay. Mọi hoạt động  đều phải rút vào bí mật .

Bọn  lưu manh đầu trộm đuôi cướp  làng Đông do anh em tên T. cầm đầu mang lương thực ra đồn Công Luận tiếp tế cho giặc. Khi Tây chưa về thì T. là Trưởng Ban Đời sống mới của làng, được họp hành nhiều nên biết một số cán bộ xã, huyện. Nay T. theo Tây thì cán bộ ở làng nào trong huyện hắn biết cả. Vì thế nên hắn dẫn đường chỉ điểm cho Tây thì không ai thoát được.

Để úy lạo tinh thần chó săn của T., giặc Pháp cấp luôn cho hắn và đồng bọn 12 khẩu súng trường. Hắn đã trở thành tên tề  cực kỳ phản động và tàn bạo trong vùng. Ngày thì hắn dẫn bọn tay chân đi đón các ngả đường hoặc sang các làng bên cướp phá, bắt người vu cho là Cán bộ Việt Minh đem nộp cho giặc, đêm thì hắn ngủ tại đồn Cửu Cao nhằm lẩn trốn khỏi sự trừng phạt của cách mạng.

Một đêm cuối tháng 6/1947, trời tối đen như mực, T. cùng mấy anh em ruột thịt của hắn lầm lũi dẫn Tây từ bốt Cửu Cao chui qua lũy tre định đột kích vào làng bất ngờ hòng bắt sống hết cán bộ Việt Minh mà hắn vừa được mật báo là đang về cơ sở.

Anh Phạm Văn Tương, cán bộ Huyện đội Văn Giang đêm ấy về nhà. Vừa nằm chợp mắt, anh  bỗng nghe thấy tiếng loạt soạt cắt rào và thoảng  nghe như có tiếng xì xồ nho nhỏ. Anh vội vùng dậy rút chốt quả lựu đạn vẫn mang theo mình quyết tử thủ với địch. Nhưng nghe ngóng một lúc, xác định, bọn ác ôn vẫn chưa vào nhà, anh quyết định lẻn ra cửa ngách, rút theo một con đường bí mật. Trước khi ra khỏi nhà, anh vẫn bình tĩnh rút gần hết chốt quả lựu đạn, cài vào ngăn kéo bàn, để mấy tờ truyền đơn địch vận thò ra ngoài rồi nhanh nhẹn khẽ khàng rút lui.

Do có họ hàng xa với Phạm Văn Tương, nên T. chỉ đứng trong bóng tối, chỉ điểm để Tây vào xông vào nhà anh. Bọn Tây đạp cửa xông vào, soi đèn pin loang loáng, xục xạo khắp nơi khắp chỗ. Không thấy người, thằng quan hai chợt thấy ngăn kèo thò ra mấy tờ truyền đơn. Chắc mẩm vớ được tài liệu quan trọng, hắn hung hăng cầm tay nắm ngăn kéo kéo bật ra. Quả lựu đạn mỏ vịt bật chốt, một ánh chớp loé kèm theo một tiếng nổ vang dội. Tên quan  Tây ôm mặt rú to khiến đám lính  kêu  thét loạn xạ, gây náo động. Lúc ấy cả xóm mới biết giặc đã vào làng.

Từ tiếng lựu đạn nổ, dân làng được nhanh chóng biết được Tây đang bao vây, lùng bắt cán bộ trong làng. Một số đồng chí cán bộ còn lại kịp thời chạy thoát. Khi bọn chỉ điểm dẫn Tây đến vây lùng chỉ còn trơ một số đàn bà  và con trẻ .

Không bắt được Phạm Văn Tương, bọn giặc kéo xuống xóm cuối làng nhằm bắt sống Chủ tịch xã Phạm Văn Khíp. Khi chúng ập vào nhà cũng vừa lúc anh Khíp trèo qua tường thoát sang nhà bên. Lợi dụng đêm tối, anh luồn  qua vườn rồi ngược lên xóm có nhà mấy tên phản động, trèo ngay lên cổng gạch nhà tên Phó lý mà không ai hay biết . 

Lùng xục mãi, bọn giặc vô tình bắt được Thôn Đội trưởng du kích. Chúng lôi anh ra đình để Tây tra tấn đánh đập, tra khảo, nhưng không khai thác được gì. Chúng giải anh về đồn và sau đó giam tại Hoả Lò (Hà Nội), mãi đến năm 1954, hoà bình lập lại, anh mới được  trả về.

Đồng chí Phạm Văn Tương- người cán bộ Huyện đội đã mưu trí, gan dạ thoát hiểm lại gây tổn thất cho giặc đêm ấy tiếp tục được thoát ly, phục vụ cho cách mạng đến tận cuối đời. Ông đã được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, gia đình được công nhận là Gia đình có công với nước./.

Đông Trang

Tin liên quan