KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/04/2020 - Lượt xem: 45
Tiếp tục áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 ở một số huyện có nguy cơ cao ở Hà Nội

 Chiều 22-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành T.Ư, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, các địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các bộ, ngành, toàn thể nhân dân thực hiện PCD quyết liệt, đồng bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, đạt kết quả đáng mừng. Chúng ta vui mừng, nhưng phải cảnh giác, phải chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch vì thế giới chưa có vaccine điều trị. Đây là nhận thức rõ ràng, không phải mơ hồ. Ngay như Đông-Nam Á có thể nguy cơ thành ổ dịch, do đó phải đề cao cảnh giác với năng lực y tế của đất nước, địa phương. Việc gần ba tháng qua, chúng ta kiên trì áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, xử lý PCD đến nay đáng mừng và đáng trân trọng. Chúng ta đã áp dụng chính sách cách ly xã hội đúng đắn, kịp thời, nhờ vậy sáu ngày qua không phát hiện thêm trường hợp nào bị nhiễm. Riêng TP Hồ Chí Minh là 19 ngày qua không có ca nhiễm. Đây là thắng lợi để chúng ta chuyển sang chiến dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, cùng với phát triển kinh tế - xã hội. Cần thích nghi với dịch Covid-19 là điều bình thường và sống có kiểm soát. Một yêu cầu lớn là không được để đại dịch tàn phá đất nước như đang tàn phá một số nước, mạng sống của người dân là quan trọng nhất.
Cho nên Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành yêu cầu ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang còn phức tại ở các nước. PCD tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội thời gian qua nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là yêu cầu bức thiết trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
 
Thủ tướng lưu ý, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại thì sự phá hoại là rất lớn. Chúng ta kiên định chủ trương là ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực những ca nhiễm, tiếp tục cách ly tất cả người nhập cảnh nước ta, người bị nhiễm, người có nguy cơ cao. Biện pháp cách ly linh hoạt, tùy đối tượng, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ. Ngành y tế cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghiêm. Việt Nam hiện chưa chủ trương tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Yêu cầu lớn hiện nay là nhanh chóng phát hiện các ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm để điều trị; đặc biệt sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết. Chúng ta đang xác định phải sống chung với dịch khi chưa có vaccine và thuốc điều trị hiệu quả. Phải xác định trạng thái bình thường mới: đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng như đi học, đi chợ, du lịch, tham gia giao thông công cộng, giao lưu, gặp gỡ...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; kể cả sát khuẩn các phương tiện, công cụ, vị trí mà virus corona có thể thâm nhập.. ; quy định giữ khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo hạn chế người dân ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người. Một trạng thái mới là nếp sống mới, văn minh mới, tác phong làm việc mới; một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong học tập, làm việc, khẳng định sự tự lực, tự cường của đất nước. Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học; những đối tượng này cần liên lạc ngay và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, không được để lây lan trong cộng đồng.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất như: duy trì ba nhóm địa phương nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp; Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa phương của Hà Nội là có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Như vậy, một số huyện của Hà Nội phải áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16/CT-TTg, còn các nơi khác của Hà Nội là nơi có nguy cơ; chưa áp dụng nguy cơ cao cho toàn Hà Nội mà chỉ một số địa phương; về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với các địa phương trên. Các địa phương khác như một huyện của Hà Giang có bệnh nhân là nguy cơ cao...
Như vậy, tất cả các địa phương khác phần lớn là có nguy cơ để chúng ta kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động bình thường của người dân. Việc nới lỏng thì cần đánh giá về tiêu chí về dịch tễ, ứng phó của cơ quan, ý thức của người dân, năng lực y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu PCD. Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng về khoa học công nghệ nước ta, nhất là ngành y, cơ sở vật chất, phương pháp phát hiện, tiếp cận, truy vết, phác đồ điều trị có tiến bộ rất đáng mừng. Ngay như tỉnh Hà Giang là tỉnh khó khăn nhất nhưng vẫn có thể ứng phó dịch. Đó chính là thành công của y tế công Việt Nam, là ưu thế của chế độ chúng ta. Như vậy, trong một số địa phương của các huyện ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh có nguy cơ cao, các địa phương này càng phải nâng cao trách nhiệm, theo dõi, xử lý tình hình tốt nhất. TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác có nguy cơ trong bối cảnh hiện nay cũng phải đề cao cảnh giác, không được quá vui mừng, đề ra các biện pháp cụ thể trong PCD Covid-19. Ngay cả các địa phương, các huyện có nguy cơ cao hay nguy cơ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền có trách nhiệm quyết định, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhưng phải bảo đảm PCD. Đi sâu, đi sát để xác định từng cấp độ nguy cơ cụ thể từng địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, từng khu vực dân cư địa phương, có hình thức xử lý phù hợp; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế và thực tiễn của địa phương. Các vùng có nguy cơ cao phải hỗ trợ người dân, DN và tổ chức trong vùng đó. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quy định cụ thể việc mở lại cửa hàng, cửa hiệu; cấm các dịch vụ không thiết yếu, đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, có nguy cơ cao và các biện pháp phòng dịch cần thiết. Trong phạm vi quốc gia, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về PCD, tăng cường giám sát, hỗ trợ y tế những bệnh viện, cơ sở y tế, khu chung cư, nhất là vùng dễ lây lan dịch bệnh. Các bộ, cơ quan, địa phương dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chương trình hướng dẫn cộng đồng, có biện pháp chủ động điều chỉnh lối sống, sinh hoạt phù hợp trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh. Phổ cập cho người dân cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính Covid-19 trong quá trình khôi phục hoạt động. Khi đang hoạt động SXKD, sinh hoạt mà phát hiện ca nhiễm thì vấn đề quan trọng là quy trình xử lý như thế nào nhanh và tốt nhất.
Chúng ta đặt vấn đề cao hơn nữa là PCD là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, mọi tổ chức, cá nhân. Thủ tướng hoan nghênh TP Hồ Chí Minh có bộ quy tắc sắp công bố áp dụng cho các đơn vị SXKD, trường học; các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là những DN, đơn vị, cửa hàng có nhiều người lao động, sinh hoạt không được để môi trường dễ lây nhiễm, kể cả DN vận tải hành khách. Những DN có đông người thì càng phải quán triệt có quy trình, quy tắc PCD chặt chẽ, công khai. Ngành y tế cần nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới. Bộ Y tế, các sở y tế, phòng y tế đều xác định trách nhiệm trực tiếp để phổ biến cách làm với cộng đồng, người dân. Tình hình dịch bệnh mấy ngày qua của nước ta chuyển biến đáng mừng, do đó các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tăng tốc SXKD, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện cho SXKD, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết công việc, tạo hiệu quả cho người dân và DN.
Thủ tướng đánh giá cao các ngành: Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, các DN đã đồng hành cung Chính phủ đương đầu cùng Chính phủ vừa qua, không để nền kinh tế đứt gãy. Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương ngay sau đây tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, không lơ là chủ quan; người dân không nên đổ ra ăn mừng; kiềm chế có nới lỏng, có bước đi thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg; đưa công dân Việt Nam đang bị kẹt ở nước ngoài về nước có kiểm soát, thực hiện cách ly đúng quy định. Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài xem xét cụ thể. Từ T.Ư đến địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất khẩu trang, bộ kit xét nghiệm... Những dịp này, yêu cầu các ngành công an, quân đội, chính quyền các xã, phường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chống đua xe, ngăn ngừa tội phạm. Chúng ta vui mừng nhưng cảnh giác, cần có cách làm thận trọng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nới lỏng nhưng vẫn thực hiện hạn chế các lễ hội; chưa cho phép mở lại các lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động kinh doanh karaoke, massage, vũ trường, tiệm trang điểm, sở thú...; chưa chấp nhận khách du lịch nước ngoài.
Về báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học, Thủ tướng cơ bản thống nhất ý kiến của bộ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đánh giá cao ngành giáo dục và các địa phương đã quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCD thời gian qua. Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên ở nhà mấy tháng qua thì phát sinh nhiều phức tạp nhưng đó là sự chia sẻ của toàn xã hội. Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại an toàn, chu đáo; phát huy việc học qua mạng và truyền hình rất thành công thời gian qua; đồng ý chủ trương học có trọng tâm, trọng điểm. Đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã tổ chức thi THPT; việc tuyển sinh đại học thực hiện phương án đã trình, yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học. Trong đó, bộ ra đề thi trên tinh thần không "đánh đố", "học gì thi nấy" nhưng phải nâng cao chất lượng, thi trong 1,5 ngày, kỳ thi này do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh. Tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GD-ĐT, Bộ Công an; tăng cường sử dụng công nghệ để bảo đảm tính trung thực của kỳ thi. Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nền nếp, an toàn; hướng dẫn và tổ chức thanh tra, không để buông lỏng việc này mặc dù địa phương chịu trách nhiệm chính; cùng với đó là bảo đảm không để dịch bệnh lây lan.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan