KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 25/09/2015 - Lượt xem: 264
Tình Muộn

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          - Truyện ngắn – 

Dạo này mấy bà hay “ngồi lê mách lẻo” làng Đông lại thì thào rỉ tai nhau chuyện gì quan trọng lắm. Chả thế mà hễ có người khác đến gần là mấy bà im ngay, và cuối cùng bao giờ các bà cũng dặn nhau : “ Tôi nói cho bà biết để bụng thôi đấy nhé !”. Nhưng những chuyện “ buôn dưa lê” chốn làng quê thì có bà nào để im trong bụng được. Bởi vậy chuyện cuối xóm chỉ loáng cái là đầu làng đã biết ngay.
Bà này gặp bà kia dẫu đang ngang đường giữa xóm cũng túm lại rồi khào khào bắn nước bọt vào tai nhau làm như  vô cùng quan trọng còn hơn cả việc quốc gia đại sự . Và khi kể những chuyện loại này các bà lại hay  tuỳ tiện  thêm dấm thêm ớt  theo sự suy diễn và phán đoán của riêng mình để cuối cùng luôn luôn khẳng định sự chính xác  bằng câu : “Rõ ràng tôi nghe người ta nói thế mà lại !”…
Cô giáo Hoa vừa dắt xe ra đến cổng làng thì bà Nhôm đã túm lại, nhổ toẹt nước cốt trầu đang nhai bỏm bẻm xuống đường thành một bãi đỏ lòm , lấy ngón tay quệt mép rồi bỗ bã   trách ngay :
          -  Gớm ! Nhà có chuyện vui mà giấu cả họ hàng làng xóm. Thế cô Hoa bao giờ định tổ chức cho ông cụ  đới !
          Hoa ngạc nhiên:
           - Tổ chức gì ạ ?
         Bà Nhôm  nhe bộ răng cải mả, hềnh hệch cười duyên :
           - Cô cứ giấu tôi mãi, thì tổ chức cho ông cụ nhà cô với  bà Na giáo viên cấp một, chứ còn gì nữa.
   Hoa tím mặt, chỉ ném lại một câu cụt ngủn: “ Không phải đâu bà ạ !” rồi nhẩy lên xe đạp thẳng về nhà, hầm hầm chất vấn bố:
       - Bố lằng nhằng với bà Na thế nào mà làng nước người ta đồn ầm lên thế ?
Đây là lần đầu tiên Hoa nặng lời với bố, song dường như ông Mẫn hiểu được tâm trạng của con  nên ôn tồn  nói  :
- Bố định đến giỗ mẹ mày, thằng Anh ở Hà Nội  về bố sẽ bàn một thể, nhưng bây giờ mày hỏi thì bố nói trước với  con  cũng được.
Bà Mẫn mất khi Hoa mới chập chững tập đi, anh trai cô- thằng Anh  vừa đầy bốn tuổi. Ông Mẫn đi bộ đội suốt thời trai trẻ, trở về quê với tấm thẻ thương binh nặng. Goá vợ, ông  đành lòng ở vậy nuôi con cho đến tận bây giờ. Với sức lao động còn lại và khoản phụ cấp thương tật, ông đã nuôi các con ăn học và trưởng thành. Thằng  Anh  công tác rồi lấy vợ có nhà riêng tại Hà Nội, thi thoảng một năm đưa vợ con về thăm bố thăm em một hai lần. Hoa đã tốt nghiệp Đại học, người yêu rủ rê ở lại  Hà Nội, nhưng thương bố thui thủi một mình, cô vẫn cương quyết về dạy ở trường cấp 2  địa phương. Mối tình đầu của cô cũng nát tan từ đấy.
Bà Na nhà xóm Đình là giáo viên cấp 1, năm nay tuy đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn phòng không. Thời trẻ cô Na  không đến nỗi xấu gái, dù dáng người vừa thấp vừa to ngang, nước da đen nhưng còn trắng hơn than Quảng Ninh nhiều lắm! Khuôn mặt bầu bĩnh, đặc biệt là đôi mắt đen huyền sâu thẳm của Na liếc ngang tưởng có thể đổ cả đình chùa. Đã một thời khối anh trai làng đánh tiếng đưa tin, nhưng bị cô “ bác đơn” tuốt tuột, vì  ý trung nhân mà cô tưởng tượng phải nằm trong cái hệ “ Tam đẳng nhân” hồi đó: “Cán bộ to đeo xắc cốt đỏ- cán bộ nhỏ đeo xắc cốt đen, cán bộ lèm nhèm thì cầm túi sách”, vì dẫu sao cô cũng là giáo viên dạy trường cấp I của xã, kém quái gì ai ?
Khi mấy anh “túi sách” nộp đơn liền  bị cô vạch lá tìm sâu chê ỏng chê eo đủ thứ, thành ra chẳng anh nào dám “đệ đơn đăng ký” nữa. Đến lúc cô giật mình tỉnh giấc mộng kiêu  sa thì tuổi đã quá hai nhăm. Ở tuổi đó, các cô gái trong cái làng  nhỏ thuần nông bên bờ sông Ngưu Giang này đã được trân trọng ghi vào danh sách “phòng không chống ề ” .
Thời gian vùn vụt trôi đi, trải qua một chuỗi đêm khuya trằn trọc thở dài thao thức, và khi đã vào đội ngũ các  bà thì có lúc cô Na định liều kiếm một đứa con ngoài giá thú với mấy gã hay nói ỡm ờ “ Tối chủ nhật này cô giáo cho gửi trọn gói một đứa có được không ?” Nhưng, nghĩ đến dư luận, đến danh dự và đến trăm thứ vô hình khác  Na đành căn răng  chịu đựng mà té tát: “ Vả vỡ mặt bây giờ, đừng có mà vớ vẩn …”
Rồi khi ai gặp Na cũng gọi là bà, thì bà Na hay đi sinh hoạt thơ ca với Hội Người Cao tuổi của thôn. Thấy bà có chức vụ giáo viên lại đọc vài bài thơ cũng vần điệu ra phết, người ta bầu ngay bà làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của Hội. Cái sự thân quen với ông Mẫn bắt đầu nẩy sinh từ đấy . 
Thực ra thì ông Mẫn hơn bà Na ngót nghét chục tuổi, nhưng tuổi tác là cái quái gì. Tình yêu làm gì có tuổi tác! Đôi lúc ông  đưa cặp mắt hấp hay nhìn lại thấy bà Na còn rất trẻ và  rất đẹp nữa chứ. Thì đôi má phúng phính như cặp bánh đúc kia mỗi khi nhìn ông lại bừng bừng đỏ ửng khiến làn da đen sẫm lại như một chiếc bánh gai mật ngon lành; cái bộ ngực mỗi lúc gặp ông lại căng phồng lên như có đôi chim câu bọc kín đang nhoai đầu tìm lỗ thở. Rồi những lúc ngồi gần nhau để đọc thơ ca, da chót chạm da sao mà mát rười rượi …Có lần ông Mẫn đưa bài thơ cho bà Na xem, ngó quanh chẳng có ai  ông liền nắm chặt lấy tay bà thì nhận ngay được một cái nguýt dài, một cái liếc vui và một nụ cười mỉm …Chỉ cần thế là đủ hiểu nhau rồi. Và một hôm ông Mẫn chính thức ngỏ lời, bà Na cúi đầu thèn thẹn :
                - Em thế nào cũng xong nhưng sợ hai đứa con anh không  đồng ý?
        Chuyện  kín như bưng, tưởng chỉ có hai người biết với nhau. Vậy mà chỉ qua vài kỳ sinh hoạt, chuyện “ Ông Mẫn bà Na”đã loang truyền khắp cả làng trên xóm dưới, có người thẳng thắn khuyên ông :
     -  Ông tính đi bước nữa là chí phải. Cái Hoa lớn phải đi lấy chồng, thằng Anh thì biền biệt một nơi, mình ông thui thủi, cơm niêu nước lọ  cũng phải có người mà dựa dẫm lúc yếu đau, khi vui buồn chứ ! Lên Uỷ Ban mà đăng ký đi, Hội Người Cao tuổi  chủ trì tổ chức, làm điển hình  cho các cụ cô đơn của xã nhà .

…Nghe bố nói ngọn ngành, Hoa vẫn không sao nguôi được. Cô cau mặt :
- Con đi lấy chồng thì anh Anh đón bố ra Hà nội ở cùng. Bố già rồi còn đa mang làm gì nữa. Mà cái bà Na thì ….
Mặc cho bố giải  thích, Hoa đùng đùng đến nhà bà Na yêu cầu bà chấm dứt quan hệ. Cô nói một thôi một hồi cả những điều lẽ ra không nên nói. Bà Na tái mặt toan dốc cả cái vốn chanh chua sẵn có trong người để cho cái con ranh giáo viên cấp 2 mới nứt mắt  này một trận cho biết thế nào là lễ độ. Chợt nghĩ đến ông Mẫn, bà lại dịu dàng :
- Cháu cứ bình tĩnh, cô và bố cháu sẽ không làm điều gì tai tiếng cả đâu….

     *
     *       *

Bỗng dưng ông Mẫn đổ bệnh.
Vết thương cũ của những năm kháng chiến tái phát hành hạ ông. Oái oăm thay lại đúng vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở, Hoa phải đi trông thi  cách nhà hơn 10 cây số.  Sáng sớm  cô đạp xe đi, tối mít mới  đạp xe về .
Tối ấy Hoa về chẳng thấy bố đâu, cửa nhà khép hờ, đèn đóm không  thắp. Cô gọi to không có ai  thưa. “ Ông cụ lại đi thơ phú, cái nhà bà Na lại rủ rê, tối rồi cũng chẳng thèm về nữa!”. Hoa đang định khêu đèn rồi đi tìm bố, nếu đúng bố đang ở nhà bà Na thì lại phải quạt cho bà này một trận chứ chẳng nể nang gì nữa .
Bỗng tiếng bác Hải hàng xóm chõ sang :
- Cô Hoa về đấy hả. Ông cụ đưa đi cấp cứu từ  chiều  rồi.
Hoa giật mình hốt hoảng, không kịp hỏi ai đã đưa bố mình đi. Cô lấy đèn pin đạp xe  vội lên bệnh viện huyện. Hỏi mãi, cô mới tìm được phòng bố  nằm. Bác sĩ cho biết, ông Mẫn đã qua hồi nguy kịch.
     Nhìn bố thiêm thiếp ngủ trên giường mà thương bố quá. Đằng đẵng mấy chục năm goá vợ nuôi con ăn học nên người, nay già rồi mà vẫn chưa được một ngày thanh thản, đau ốm ngay vào cái lúc con không thể ở nhà …
        Trên chiếc tủ con đầu giường ,  Hoa thấy đã đầy đủ phích nước nóng, mấy quả cam và hộp sữa. Chiếc ghế ngồi cạnh giường hình như còn nóng hơi người . “ Quái lạ , ai đã lo cho bố đầy đủ thế này nhỉ ? Chắc mấy đứa em con ông chú họ đây !”
      Cái Huệ vừa bước vào cửa, Hoa đã hỏi ngay :
- May quá, ở nhà có các  em đưa bác lên viện kịp thời, không ở nhà  mình bác  chết cũng không ai biết !
Cái Huệ ngạc nhiên và chối đây đẩy :
  -  Bố em được bà Nhôm bảo rằng bác đi cấp cứu bằng xe ô tô ba bánh trên tận phố Huyện về đón, nên bảo em : tối thì tối cũng phải lên xem bác thế nào, nếu chị bận không về  thì phải ngủ lại để trông coi bác .
- Thế thì lạ thật đấy, ai thuê xe đưa bác đi nhập viện ?
- Hay là……nói đến đây cái Huệ ngừng bặt, nó vốn biết Hoa ghét nói đến tên người đó .
Nghe tiếng người láo pháo bên tai khiến ông Mẫn từ từ mở mắt. Hoa sáp lại sung sướng :
- Bố ơi ! Bố  đỡ đau chưa ? Tối con về nhà mà chẳng thấy bố đâu ....
Ông Mẫn thều thào, từ hai khoé mắt long lanh ứa lệ :
-  Không có cô Na bất ngờ đến chơi rồi gọi điện thuê xe đưa đi gấp thì hôm nay bố chết vùi chết dập. Con ơi ! con đi suốt ngày không có cô ấy giúp đỡ lâu nay thì bố xoay xở làm sao …Ô kìa! Cô ấy vừa ngồi đây với bố cơ mà …
          Hoa vội vàng chạy bổ ra ngoài. Đúng rồi ! Đúng cô ấy rồi. Thì vừa thoáng thấy một bóng người ngó vào rồi lại thụt ra ngay, quả nhiên cô thấy bà Na đang dắt xe ra cổng. Cô gọi giật giọng:
- Cô Na ! Cô Na !..
      Bà Na ngoảnh lại, Hoa bối rối, không biết nói thế nào thì bà đã dịu dàng :
- Cháu đã về đấy à. Mười giờ  nhớ cho bố uống cốc sữa rồi uống  thuốc nhé…Thuốc để trong tủ ấy .
     Hoa mấp máy:
-  Cô ơi ! Cháu xin lỗi vì chưa hiểu hết cô. Cháu cảm ơn cô đã …
Bà Na gạt đi :
- Ơn huệ gì, mai cháu cứ yên tâm làm tròn nhiệm vụ coi thi, cô trông bố cho.
  Hoa  thần người  nhìn bà Na lút vào bóng tối, hai dòng nước mắt tự nhiên tuôn dài trên má….

Phạm Minh Hoàng

 

Tin liên quan