Hành trình tìm đường cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng là quá trình hình thành tư tưởng lớn của nhà ái quốc vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.
Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, làm cách mạng là để cứu nước, cứu dân, giành độc lập cho nước, mang lại quyền tự do, dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc cho dân. Sau Tổng khởi nghĩa 13 ngày, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, chiến dịch xóa nạn mù chữ để chống dốt và tiến hành Tổng tuyển cử; xây dựng Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(1).
Với chính quyền mới, Người coi Ủy ban nhân dân làng, phủ là “hình thức Chính phủ địa phương”. Trên báo Cứu quốc, Người viết: “Chính phủ là công bộc của dân. Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết. Việc gì lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân, thì phải tránh”(2). Quan niệm đó gần gũi với tư tưởng của những nhà hiền triết phương Đông, phù hợp với nội dung chính của học thuyết Mác về Nhà nước. Từ quan niệm nhân văn cao đẹp ấy, Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp gồm một số nhân sĩ trí thức yêu nước do Người làm Trưởng ban và tiến hành tổ chức Tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân (Quốc hội). Đó là những việc làm thiết thực, kịp thời chuẩn bị thành lập nhà nước kiểu mới: Nhà nước dân chủ nhân dân.
Tư tưởng “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ (…) có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(3) trong Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo, đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 được chọn làm nền tảng cho Hiến pháp 1946. Sau gần một năm, Ban soạn thảo trình Quốc hội bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp được Quốc hội khóa I họp (từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946) thảo luận, thông qua. Đây là bộ luật gốc của nước ta, là phương tiện pháp lí bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của người dân.
Cơ sở xã hội để xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới là gì? Quyền lực của Nhà nước thuộc về ai? Những câu hỏi ấy được Hồ Chí Minh giải quyết rất thỏa đáng, mang tính cách mạng cao. Cơ sở xã hội của Nhà nước kiểu mới là dân tộc. Người từng phát biểu trước Quốc hội khóa I: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng. Đảng Việt Nam”(4). Chọn dân tộc làm cơ sở để xây dựng Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền là cách lựa chọn hợp quy luật thời đại cách mạng vô sản, thể hiện tầm nhìn vĩ đại của Bác. Ở đây, khái niệm dân tộc là khái niệm rộng, không chỉ bao gồm các giới đồng bào: sĩ, nông, công, thương, binh, là các tôn giáo, đảng phái, các tầng lớp nhân dân: trai gái, trẻ già, là các giai tầng xã hội của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam và ở nước ngoài, mà dân tộc còn là truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của nhân dân Việt Nam trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước.
Quyền lực Nhà nước thuộc về ai? Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(5). Quyền lực Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới thuộc về nhân dân. Câu trả lời ngắn gọn trên cho thấy tư tưởng lập hiến để xây dựng Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh vừa sâu sắc, vừa cụ thể. Điều đơn giản ấy cho đến nay vẫn có người cố tình không hiểu và không phải trên thế giới nước nào cũng làm được như vậy.
Nhân dân có quyền lập pháp thông qua đại diện của mình. Thế nhưng, muốn phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, nhân dân phải thường xuyên góp ý với Đảng, đoàn thể, với cơ quan công quyền; cấp dưới góp ý với cấp trên; cấp trên tiếp thu ý kiến của cấp dưới và của nhân dân nhằm mục đích thi hành chủ trương, chính sách, pháp luật cho đúng. Đó là hình thức dân chủ trực tiếp, tuy đơn giản nhưng thực hiện được nó không phải dễ. Hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp phải được vận dụng đồng thời. Hình thức dân chủ rộng mở thể hiện nét độc đáo, nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến, về xây dựng Nhà nước dân chủ pháp quyền - Nhà nước gần dân, sát dân, trọng dân, dựa vào dân, phục vụ dân để “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Kết quả bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946 chứng minh một điều là hình thức dân chủ đại diện kiểu phương Tây do Bác lựa chọn là đúng đắn, vừa hợp thời, vừa đạt thế. Hình thức ấy tiến hành ở một nước mới thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ như Việt Nam là thích hợp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của dân và hoàn toàn hợp hiến. Nhân dân ta vừa phá tan gông xiềng nô lệ được 4 tháng đã tự tay cầm lá phiếu bầu người đại diện cho mình vào Nghị viện nhân dân (Quốc hội). “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Điều 22 - Hiến pháp 1946). Tuy Quốc hội được trao “quyền cao nhất” nhưng không phải tất cả quyền lực. Nếu Hiến pháp 1946 quy định 7 nhiệm vụ, quyền hạn cho Quốc hội thì Hiến pháp 1992, Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn; Dự thảo hiến pháp sửa đổi 2013, giao 15 nhiệm vụ, quyền hạn cho Quốc hội. Bộ máy quyền lực Nhà nước dân chủ nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn có sự phân công rành mạch giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp dưới sự thống nhất quyền lực vào Quốc hội. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo của Bác về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng thời là người đứng đầu Nhà nước, nên Người hết sức gương mẫu thực hiện Hiến pháp, pháp luật, luôn đòi hỏi cán bộ, cơ quan Đảng, chính quyền phải “phụng công thủ pháp” (làm việc công phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật) và rất nghiêm khắc với kẻ phạm tội. Bởi vì, Người quan niệm “pháp luật của ta hiện nay là công cụ bảo vệ hàng triệu người lao động”.
Trong quá trình xây dựng và lãnh đạo Nhà nước dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các phạm trù dân tộc và giai cấp, giữa dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Vì thế, Người luôn coi nguyên tắc Đảng lãnh đạo chính quyền là nguyên tắc bất di bất dịch. Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, thành lập chính quyền để bảo vệ quyền tự do, dân chủ của mỗi người dân. Chính quyền là thành quả của cách mạng, là công cụ để thực hiện ý chí, nguyện vọng của dân. “Chúng ta cần phải tăng cường không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân”(6) là quan điểm chỉ đạo của Hồ Chủ tịch. Vì Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam nên Đảng lãnh đạo chính quyền là hợp quy luật khách quan. Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công đã nắm chính quyền toàn quốc”(7). Ngày đó, điều kiện lịch sử chưa cho phép đưa vai trò lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 là có lí do. Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013 bổ sung và cụ thể hóa Điều 4: vai trò lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp là thể hiện nguyện vọng của dân, phù hợp yêu cầu thời đại, mang tính tất yếu khách quan.
Tìm hiểu tư tưởng lập hiến xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới là khẳng định tính minh triết, tính cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là để chúng ta có suy nghĩ mới khi tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi (2013) để Dự thảo phát triển được tư tưởng lớn của Người.
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 - Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr 7
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 - sđd, tr 22.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd, tr 9.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd, tr 427.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, sđd, tr 698.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, sđd, tr 586.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, sđd, tr 159.