KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 13/11/2017 - Lượt xem: 77
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Những dấu ấn văn hóa Việt Nam

Bên cạnh những quyết sách kinh tế thương mại được thảo luận và thông qua, Tuần lễ Cấp cao APEC đã để lại những dấu ấn văn hóa đặc biệt với các lãnh đạo của 21 nền kinh tế, các khách quan và truyền thông quốc tế.

Để hướng đến tạo dựng hình ảnh thành phố năng động, hiếu khách, giàu truyền thống văn hóa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã triển khai xây dựng các không gian văn hóa du lịch, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện quảng bá văn hóa... Cùng với đó, mỗi người dân thành phố chủ nhà cũng chủ động dọn dẹp đường phố, ứng xử văn minh và thể hiện sự mến khách với khách du lịch. Bằng những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, họ đã trở thành “Đại sứ Văn hóa”, góp phần lan tỏa những ấn tượng đẹp về văn hóa Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Tác phẩm Thành phố Đà Nẵng (Hùynh Văn Truyền) trưng bày tại Triển lãm ảnh "Đất nước, con người Việt Nam"
Trong suốt quá trình diễn ra sự kiện mang tầm đối ngoại, tại Trung tâm báo chí APEC, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Triển lãm ảnh "Đất nước, con người Việt Nam". 100 bức ảnh giới thiệu hình ảnh phong cánh, văn hóa truyền thống và cuộc sống con người ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam đã gây ấn tượng với hàng nghìn nhà báo, đặc biệt là với các phóng viên quốc tế đến Đà Nẵng để đưa tin về sự kiện APEC. Ngoài ra, BTC Trung tâm báo chí APEC cũng thường xuyên đưa vào thực đơn phục vụ nhiều món đặc trưng như chả cá Lã Vọng, nem rán... Qua đó, các nhà báo tham gia sự kiện APEC được trải nghiệm trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam và giúp chúng ta đưa dấu ấn Việt Nam lan rộng với cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, Trung tâm hội nghị Aryiana là nơi trưng bày, giới thiệu những sản vật văn hóa tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trong cả nước tới đại biểu tham gia tuần lễ cấp cao APEC. Đây là dịp quan trọng để mỗi địa phương tạo ấn tượng về đặc trưng văn hóa với các lãnh đạo cấp cao đến từ nền kinh tế cấp cao và mở ra những cơ hội về phát triển kinh tế, hợp tác văn hóa – du lịch. Đáng chú ý nhất với khách quan là sản phẩm của Gốm sứ Minh Long, đặc biệt là Chén Ngọc APEC. Đây là sản phẩm được chọn làm quà tặng chính thức cho các lãnh đạo tham gia sự kiện APEC. Chén Ngọc được thiết kế tinh tế với những họa tiết chủ đạo đậm đà bản sắc dân tộc (hoa sen, rồng thời thời Lý – Trần) mang đến hình ảnh trang nhã, có ý nghĩa tôn vinh dấu ấn văn hóa dân tộc và thể hiện khát vọng hội nhập quốc tế.
Chén ngọc - quà tặng các nhà lãnh đạo APEC
Bên cạnh đó, trang phục APEC được đánh giá như sứ giả văn hóa truyển tải những thông điệp về văn hóa Việt Nam. Trang phục APEC 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tổ chức thiết kế và may. Với hai màu chủ đạo là trắng ngà và xanh hòa bình, trang phục  thiết kế phối hợp kiểu dáng hiện đại, đồng thời kế thừa trang phục truyền thống Việt Nam, là món quà đặc biệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành cho các vị khách quý, đại diện cho 21 nền kinh tế tại Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Đà Nẵng. Chiếc khuy cài áo, điểm nhấn của trang phục, được chế tạo dựa trên biểu tượng APEC 2017, gây ấn tượng với đàn chim lạc bay thể hiện thông điệp  Việt Nam giàu truyền thống và luôn hướng về côi nguồn.
Các lãnh đạo mặc trang phục APEC với màu sắc chủ đạo là xanh biển và trắng ngà. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, tối 10/11, “Gala Dinner được chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì để chiêu đãi lãnh đạo đến từ các nền kinh tế tham gia APEC, các tổ chức kinh tế, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành của Việt Nam. Bên cạnh hương vị ẩm thực Việt Nam đặc biệt, Gala Dinner còn là “bữa tiệc” của âm nhạc với các tiết mục nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa. Chương trình nghệ thuật của Gala Dinner mang tên “Sắc Việt” đã trình diễn các tiết mục đặc sắc như Nhã nhạc Cung đình Huế, các tiết mục thể hiện bản sắc của đồng bào Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và một bản nhạc nổi tiếng của Hungary kết hợp với nhạc cụ dân tộc Việt Nam và đàn violin, cello... Chương trình giới thiệu bản sắc văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và để lại dấu ấn khó phai với lãnh đạo các nước.
Một tiết mục tại Gala Dinner. Ảnh: apec2017.vn
Sáng 11/11, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền cùng các phu nhân lãnh đạo cấp cao APEC có chuyến tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đến thăm Chùa Cầu – địa điểm nổi tiếng ở Hội An, đi dạo dọc bờ sông Hoài, các phu nhân đều rất ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc, bình yên trong không gian kiến trúc văn hóa Hội An; đó là vẻ đẹp vừa mang đậm màu sắc dân tộc vừa thể hiện sự giao lưu văn hóa Đông Tây. Trong chuyến đi này, các phu nhân cũng ghé thăm Làng Lụa Hội An và được giới thiệu về nghề dệt lụa truyền thống.
Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền cùng các phu nhân lãnh đạo cấp cao APEC có chuyến tham quan
phố cổ Hội An. Ảnh Vietnamnet.
Một điểm nhấn văn hóa khác đáng chú ý là chương trình nghệ thuật chào đón các Phu nhân với phần trình diễn áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam theo ba phong cách: áo dài xưa, áo dài cận đại, áo dài thổ cẩm, áo dài hiện đại. Sự sáng tạo, ấn tượng nét hiện đại được hiện diện trong tinh thần và chất liệu dân tộc đã để lại ấn tượng khó phai với các phu nhân.

Có thể nói, tuy Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn, Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan đã tận dụng tốt cơ hội để ghi dấu ấn tốt đẹp với các đại biểu, du khách và truyền thông thế giới. Từ đó, dư luận quốc tế biết đến Việt Nam vừa hiện đại, năng động, vừa truyền thống, giàu giá trị văn hóa. Chúng ta có thể hy vọng những dấu ấn văn hóa APEC 2017 sẽ ngày càng lan tỏa.
Theo cinet.vn
Tin liên quan