KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 01/04/2021 - Lượt xem: 76
Văn Lâm: Đẩy mạnh truyền thông, vận động toàn xã hội tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên, giáp Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Văn Lâm là huyện trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Văn Lâm có 10 xã và 01 thị trấn, với 80 thôn, phố; dân số trên 133 nghìn người, trong đó có 28.954 trẻ em. Thời gian qua, quán triệt quan điểm, tư tưởng “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”; “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện Văn Lâm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của tổ chức, cá nhân, nhân dân. Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục đào tạo… được chú trọng. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020, huyện Văn Lâm đã hoàn thành 6/6 mục tiêu, chỉ tiêu, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện.

Để công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đạt kết quả tích cực, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Văn Lâm đã thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo, ban điều hành, nhóm công tác liên ngành về bảo vệ trẻ em cấp huyện, ban bảo vệ trẻ em cấp xã, nhóm trực bảo vệ trẻ em cấp xã. Đến nay, có 02 cán bộ cấp huyện; 11/11 xã, thị trấn có cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã và 80/80 thôn, phố đều có cộng tác viên làm công tác trẻ em. Cùng với đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đưa vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã, vào nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể, từ đó giúp các em được các điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện, bảo đảm được hưởng các quyền về trẻ em như học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; những vấn đề phát sinh được quan tâm giải quyết, trong đó chú trọng dành sự quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để được sống, được đến trường, hòa nhập và phát triển. Đồng thời, trên cơ sở các chương trình của trung ương và kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, chương trình, cụ thể như: Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em; kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; ban hành quy định, tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, thị trấn phù hợp với trẻ em; kế hoạch triển khai thực hiện dự án đấu tranh phòng, chống tội phạm, xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; kế hoạch tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn…
Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền của trẻ em được duy trì thường xuyên. Từ năm 2012 đến nay, đã cấp phát 3.500 quyển tạp chí gia đình và trẻ em; 16.000 tờ rơi; lắp đặt 75 pano, treo 120 băng rôn, khẩu hiệu. Đài truyền thanh huyện phát trên 400 tin bài về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hàng năm, huyện duy trì tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, Ngày vi chất dinh dưỡng, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Tết Trung thu, chiến dịch truyền thông Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Ngoài ra, các cấp, các ngành còn lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua hội nghị, hội thi, họp mặt, sinh hoạt, tư vấn. Nội dung truyền thông, giáo dục đa dạng, phong phú, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các cấp, các ngành, bậc phụ huynh và trẻ em trong phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng tránh lao động, phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước…
Công tác vận động sự tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng, người dân và trẻ em tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông cho trẻ em. Huyện đã chỉ đạo Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để có nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn cung cấp địa chỉ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ, bảo trợ theo địa chỉ cụ thể. Hàng năm, trên cơ sở số quỹ đã vận động được, Hội đồng Qũy Bảo vệ trẻ em huyện đã thực hiện hỗ trợ cho các hoạt động của trẻ em, trong đó ưu tiên nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Chương trình giáo dục trẻ em được các cấp quan tâm, đảm bảo trẻ em được đến trường, thực hiện tốt quyền được học tập. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi tăng hằng năm, đặc biệt ở cấp mầm non. Hoàn thành và không ngừng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Công tác xã hội hóa giáo dục đã có bước phát triển, các trường ngoài công lập được thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của các em; các chính sách miễn, giảm học phí cho trẻ em thuộc đối tượng chính sách đang đi học và các trẻ em khác được thực hiện đúng quy định. Công tác bảo vệ trẻ em đã được các cấp, các ngành quan tâm, các chính sách trợ giúp trẻ em từng bước được hoàn thiện và mở rộng. Các hoạt động bảo vệ trẻ em đã được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa; can thiệp giảm thiểu các nguy cơ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em bị tổn thương và hoàn cảnh đặc biệt. Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, đảm bảo tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ được cải thiện, nhất là suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi, khống chế tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng cân nhanh ở trẻ, chăm sóc sức khẻo ban đầu cho bà mẹ và trẻ em. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT... Huyện đã tiến hành rà soát quy hoạch tổng thể mạng lưới, thiết chế văn hoá thể thao, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm văn hoá, thể thao huyện, xã, khu vui chơi, giải trí cồng cộng... Từ nguồn lực dựa vào cộng đồng là chính, huyện đã thành lập, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường và cộng đồng; mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Phát triển, nhân rộng hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là nhóm trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột và nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chăm sóc, trợ giúp kịp thời. 
Phát huy những kết quả đã đạt được, Văn Lâm đã tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; đưa mục tiêu của chương trình, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới vào nghị quyết của các cấp uỷ đảng, chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã; lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị -xã hội, gia đình, cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện các quyền của trẻ em, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin, tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ em chủ động tham gia các hoạt động phù hợp vói lứa tuổi. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân trong việc bảo vệ trẻ em và trang bị, tập huấn kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của cộng đồng, gia đình, phát huy vai trò, sự tham gia của trẻ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đánh giá thực hiện quyền trẻ em, quản lý thông tin trẻ em, củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hoá cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp. Củng cố, phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
HC

 

Tin liên quan