KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 22/08/2016 - Lượt xem: 177
Vào hang cọp dữ

-Truyện ký-

Đào Quang Phả từng làm chánh tổng thời Pháp thuộc. Cách mạng tháng Tám nổ ra, theo chính sách đoàn kết liên hiệp ta cử hắn làm chủ tịch Hội Liên Việt Văn Giang.

Pháp chiếm Văn Giang hắn đầu thú và làm việc cho giặc, cung cấp cho giặc bản danh sách các cán bộ kháng chiến Văn Giang, chỉ điểm cho giặc đi vây lùng săn bắt Việt Minh, khích động một loạt hương lý, kỳ hào cũ ở các làng công khai theo giặc, chà nát mọi phong trào kháng chiến .

Chưa đầy một tháng đầu hàng giặc ,đồn trưởng Tây Pôn Ri- Sô  (Paul Richaud) đã phong ngay cho Phả làm Bang tá phụ trách các làng từ Như  Lân đến Từ Hồ. Tây đóng bốt Cửu Cao, Bang Phả ở trong làng Hạ, cách nhau  hơn cây số. Hắn lấy ngay nhà mình làm bản doanh, bắt nhân dân Cửu Cao rào làng kín mít, ra vào chỉ có một cổng làng. Điếm bảo an canh gác ngày đêm sát ngay bên cổng. Hắn chỉ huy mọi việc phục vụ đắc lực cho giặc như cung cấp lương thực, thực phẩm, bắt phu bắt lính, thành lập các đội bảo an, lính dõng, xua quân đi càn quét, cướp bóc đốt phá các làng xã, thậm chí còn tra tấn, giết người… Để che mắt thiên hạ, hắn lập điện thờ tại nhà, phao lên là tu tại gia, thỉnh thoảng hội họp tay chân dưới hình thức tụng kinh niệm Phật. Nhân dân trong vùng gọi hắn là con hổ dữ khoác áo thày tu.

Theo chỉ đạo của Phòng nhì Pháp, Phả viết thư và gửi truyền đơn kêu gọi cán bộ chủ chốt huyện Văn Giang về đầu hàng đầu thú, hắn xin bảo lãnh tính mạng mọi người. Hắn còn mua chuộc, dụ dỗ một số cán bộ làm chỉ điểm, gián điệp ngầm cho giặc.

Thực hiện chính sách khoan hồng độ lượng, Huyện uỷ Văn Giang viết thư trả lời và khuyên nhủ hắn nên quay trở lại, lấy công chuộc tội. Thư viết rồi, nhưng đưa cho hắn theo cách nào, một công an nằm vùng xã Long Hưng xin đảm nhiệm. 

*

Buổi sáng ấy, Bang Phả đang viết báo cáo cho quan đồn Tây, bỗng có một tên bảo an hớt hải chạy vào phi báo:

- Bẩm ông có một  người tự xưng là Việt Minh, đòi vào gặp ông.

Giật thót người, mặt  mày biến  sắc, bang Phả hỏi dồn:

- Nó thế nào? Sao không trói cổ lại giao sang đồn tây ?

Tên bảo an vội thưa:

-  Anh ta đi đứng đàng hoàng, tay không vũ khí. Khi hắn đi gần đến cổng làng chúng con quát: “ Đứng lại!”, anh ta làm như không nghe thấy, cứ đi thẳng vào điếm bảo an và nói oang oang: “Tôi là Việt Minh, cần vào gặp ông Phả. Nếu các anh bắt tôi là cả làng tan ngay tức khắc!” Bẩm ông, có lẽ là người của Phòng nhì Tây trá hình. Việt Minh nào ban ngày ban mặt dám vào đây lại dám vỗ ngực khoe như thế. Mà anh ta nói nhất định phải gặp được ông có việc gấp lắm ạ!

Thật khó hiểu! Bang Phả toát mồ hôi, khẽ vỗ trán rồi ra lệnh:

- Ra dẫn hắn vào đây. Bốn thằng cầm súng lên đạn đi kèm, nghe chửa?

Một thanh niên bận bộ đồ bà ba nhuộm nâu cũ bạc màu, đầu đội nón, chân đi đất mới nhìn như một nông dân, dáng đi chững chạc, hai mắt long lanh, miệng luôn cười mỉm, đầu ngẩng nhìn cao ngạo bước vào. Khi nhìn thấy Bang Phả, anh ta đã chủ động oang oang như quen thuộc từ lâu:

- Chào ông Chánh, tôi ở Huyện bộ Việt Minh vừa qua đồn Pháp về đây có chuyện riêng muốn nói với ông.

Vừa nói xong anh ta đã kéo ghế ngồi, vắt chéo chân không đợi Phả phải mời.

Câu nói lấp lửng: “Ở huyện bộ Việt Minh vừa qua đồn Pháp về đây” khiến bang Phả chột dạ, nghĩ ngay đúng là người của Phòng nhì Pháp về bàn việc vây bắt Việt Minh rồi. Hắn vội đuổi hết bọn bảo an ra gác ngoài nhà.

Khi chỉ còn hai người, Phả nhìn dò xét và khúm núm, một tay hắn mở ngăn kéo có khẩu súng côn. Anh thanh niên liếc mắt nói ngay:

Ông chẳng phải lấy súng làm gì, tôi có vũ khí gì đâu? Tôi nhận lệnh của Huyện bộ Việt Minh về trao tận tay cho ông bức thư của huyện. Huyện bộ trả lời đầy đủ những thư từ mà ông gửi ra và yêu cầu ông nghĩ kỹ trước khi đi theo giặc kẻo hối hận lại muộn. Ông sẽ xem thư sau, tôi chỉ được phép nói với ông như thế. Còn bây giờ lại nhờ ông đi với tôi ra khỏi làng, kẻo Đại đội phục bên ngoài thấy tôi vào lâu lại nóng ruột.

Anh thanh niên bước lại nắm tay bang Phả kéo đi song hàng như đôi bạn thân, bọn bảo an khoác súng lốc nhốc theo sau không hiểu ra sao. Còn Bang Phả thấy nói “Kẻo Đại đội phục ngoài  nóng ruột” thì lại tưởng có cả Đại đội bộ đội Việt Minh đang vây ngoài làng. “Chắc chắn lực lượng bên ngoài đông lắm nên nó mới dám thế này”- hắn nghĩ. Tuy vậy vẫn hỏi:

- Anh có một mình lại đi giữa ban ngày ban mặt, không sợ chúng tôi bắt nộp cho đồn Pháp hay sao?

Anh thanh niên đủng đỉnh trả lời:

- Nếu sợ tôi đã không đến gặp ông. Vả lại Tây có bắt thì tôi chỉ có lá thư ghi tên ông trong đó. Tây nó cũng thừa biết là ông từ hàng ngũ Việt Minh về đầu hàng, nay lại thư  từ liên hệ với Việt Minh, hỏi nó còn tin ông không?

Điều ấy khiến Bang Phả băn khoăn mà không dám dở trò gì khi đưa anh thanh niên Việt Minh chính cống ra khỏi điếm canh làng Hạ.

*

Đi khỏi làng mấy chục thước, có hai người nón mê cụp mặt từ ruộng vệ đường bước lên, tồng tuyềnh đôi quanh gánh như những người đi chợ. Một người rảo cẳng đi sát  anh thanh niên hỏi nhỏ:

- Nhỡ nó bắt thật thì mày làm thế nào? Gác Tây cho mày mà cứ lo ngay ngáy!

- Thì ở cổng làng tao đã phét lác:  “Bắt nộp Tây thì tan làng tức khắc” để chúng nó tưởng mình có lực lượng vây quanh. Vào nhà nó tao đã đảo mắt nhìn thấy con dao thái cây chuối để tại góc sân, nó dở trò gì là vớ dao ấy  vằm luôn. Vả lại tao nói  “đã qua đồn Tây” là nó run rồi, chẳng hiểu là đi  qua hay từ bốt đi ra… Bọn  phản động vốn dĩ bấp bênh, đa nghi, gặp chúng phải biết tâm lý chúng. Luôn luôn làm mọi động tác chủ động bất ngờ, hư hư thực thực làm cho chúng nghi hoặc không biết thật giả thế nào là chiến thắng được chúng rồi. Quan trọng nhất là bình tĩnh, không sợ chết. Vào hang cọp dữ mà chân tay lẩy bẩy, mặt mũi xám ngoẹt thì bị cọp vồ ngay.

*

Người thanh niên đưa thư cho Bang Phả giữa ban ngày ấy là một  đội viên Công an Việt Dũng hoạt động trong vùng địch chiếm. Anh là Lê Văn Địch, người thôn Ngọc Bộ, xã Long Hưng. Thời Pháp thuộc anh nổi tiếng là “một đạo chích dân nghèo”. Anh chuyên đào tường khoét ngạch trộm đêm của kẻ giầu và bọn cường hào lý dịch. Vụ trộm lớn nào anh cũng báo trước cho gia chủ biết mà đề phòng rồi anh lợi dụng ngay sự đề phòng ấy mà lấy của. Của cải lấy được, anh chia cho nhân dân đồng cảnh khố rách áo ôm như mình. Anh thường nói với bạn bè :

- Chúng nó là bọn cướp ngày mà người đời vẫn phải tôn là ông này, ông nọ. Bọn mình trộm đêm cũng chỉ là lấy lại một phần nhỏ cái của cướp ngày của chúng mà thôi.

Được cách mạng giác ngộ, anh theo kháng chiến, xung phong làm những việc mạo hiểm khó khăn. Anh bị địch phục kích trên đường Dựng (Văn Giang) khi từ vùng tự do về hoạt động vùng địch tạm chiếm Long Hưng và đã hy sinh anh dũng  sau một hồi chống cự.

Phạm Hưng Long 

(Theo Tập san “Công an Hưng Yên- 60 năm Chiến đấu- Xây dựng- Trưởng thành”, Công an tỉnh Hưng Yên phát hành năm 2005)

 

Tin liên quan