KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức trong tỉnh
Đăng ngày: 30/03/2022 - Lượt xem: 261
Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi

Nhằm chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, những ngày này, công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đang được ngành chức năng, chính quyền địa phương và Nhân dân tích cực triển khai, thực hiện. Đây là một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả trên đàn vật nuôi và bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhân viên thú y xã Phú Thịnh (Kim Động) phun hóa chất khử trùng, tiêu độc
Hiện nay, xã Đông Tảo (Khoái Châu) tích cực tiến hành phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi tại các thôn. Đồng chí Nguyễn Khắc Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết: Để thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nhằm bảo vệ môi trường chăn nuôi, khu vực kinh doanh, sản xuất, chế biến gia súc, gia cầm, xã đã chỉ đạo lực lượng thú y tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại các thôn. Trước khi phun, nhân viên thú y xã liên hệ với các trưởng thôn để thông báo người dân tiến hành dọn vệ sinh xung quanh chuồng trại, khu vực công cộng, khơi thông cống rãnh, quét dọn, thu gom rác, chất thải để đốt hoặc dùng chế phẩm vi sinh để ủ hoai mục… Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi 1 lần/tuần nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Căn cứ vào số lượng hóa chất được cấp phát, xã có kế hoạch trích kinh phí để mua bổ sung thêm hóa chất, tăng cường phun tại các khu vực có mật độ chăn nuôi lớn, khu vực chợ đầu mối.
Bà Nguyễn Thị Sơ ở xã Đại Đồng (Văn Lâm) chia sẻ: Hàng năm, vào cuối tháng ba, đầu tháng tư là thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, gia đình tôi chủ động mua thuốc sát trùng về để phun toàn bộ chuồng trại với tần suất 2 lần/tuần; đồng thời, thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại chăn nuôi, rắc vôi bột ở lối ra, vào các dãy chuồng. Nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, kèm theo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, bổ sung chế độ ăn hợp lý nên gần một nghìn con lợn của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế nhiễm bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
Những năm qua, nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư sang phát triển chăn nuôi trang trại, xa khu dân cư để thuận lợi tăng đàn, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều trang trại chăn nuôi chưa bảo đảm xử lý chất thải khiến mầm bệnh phát tán ra môi trường. Vì vậy, việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh…
Năm nay, tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường diễn ra từ ngày 15.3 đến 15.4. Để công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc được thực hiện hiệu quả, Chi cục Thú y đã cấp phát 13 nghìn lít hóa chất về Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để người dân, các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện. Chi cục Thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho nhân viên thú y cấp xã và lực lượng trực tiếp tham gia; phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường giám sát, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phun khử trùng, tiêu độc để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật và môi trường. Đến ngày 23.3, các địa phương trong tỉnh đã phun được trên 3,5 nghìn lít hóa chất, tương đương với trên 3,5 triệu m2. Một số huyện có tiến độ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đạt cao là: Phù Cừ, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.
Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Qua thực tiễn chăn nuôi cho thấy, việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cần chủ động, tích cực trong vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan