KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/06/2020 - Lượt xem: 104
Báo chí và trách nhiệm xã hội

60 năm sau ngày “Gia Định báo” - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của nước ta ra đời, ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ “Thanh niên”, đánh dấu sự hình thành của báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt chặng đường 95 năm trưởng thành và phát triển, báo chí nước ta luôn đồng hành và phụng sự cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong bất cứ chặng đường cách mạng nào, báo chí luôn là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; có đóng góp xứng đáng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, báo chí nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và loại hình. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình; có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo trong tổng số 41.000 người công tác tại các cơ quan báo chí.
Những năm qua, báo chí đã không ngừng tìm tòi, biểu dương nhiều nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong đời sống cũng như trong lao động, sản xuất. Báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Đảng và trong xã hội; tham gia phản bác các quan điểm thù địch, sai trái nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Báo chí đồng thời góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và là cầu nối giữa nhân dân Việt Nam với thế giới. Các thế hệ người làm báo đã và đang là đội quân xung kích trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn của Tổ quốc, phản ánh chân thực đời sống trong các tác phẩm của mình...
Có thể nói, báo chí cách mạng nước ta đã làm tròn vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân; là lực lượng tiên phong cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song, bên cạnh mặt tích cực đó, vẫn còn một bộ phận người làm báo có nhận thức chính trị chưa đầy đủ, thiếu bản lĩnh cách mạng, còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Không ít nội dung thông tin của báo chí mang khuynh hướng “thương mại hóa” với những chủ đề giật gân, câu khách, sai sự thật, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Thông tin phản biện xã hội trên báo chí chưa thật sự sắc bén; công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn chậm. Tình trạng cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí để đe dọa, tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hòng trục lợi chưa được ngăn chặn triệt để; những biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích của báo chí, thiếu trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp còn tồn tại…
Chỉ tính riêng năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 675 triệu đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong đó phải kể tới một bộ phận cơ quan chủ quản báo chí, người làm báo còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm xã hội, không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương với một số cơ quan báo chí, nhà báo chưa chặt chẽ dẫn tới việc tiếp cận nguồn thông tin của báo chí chưa kịp thời, đầy đủ…
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang chiếm lĩnh đời sống con người, báo chí đã và đang đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ cả về thông tin, về sự tương tác với công chúng, về vai trò, trách nhiệm của nhà báo với tư cách là người đại diện của các cơ quan báo chí, với tư cách công dân trước Đảng và nhân dân… Vì vậy, để báo chí phát triển đúng định hướng, trở thành lực lượng tiên phong cổ vũ sự nghiệp đổi mới đất nước, chúng ta cần có sự thống nhất về mặt nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động báo chí.
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sa vào những nội dung thông tin nghèo nàn, lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Báo chí cách mạng không được tách rời sự lãnh đạo của Đảng, không chạy theo khuynh hướng thương mại, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển để thật sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và diễn đàn của nhân dân. Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời là phẩm chất chính trị cốt lõi của cơ quan báo chí và người làm báo của Đảng.
Thứ hai, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, nhất là người đứng đầu. Phải đưa báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ đạo, góp phần hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng và bồi đắp khí phách, trí tuệ con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở tôn vinh những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Tạo mọi cơ chế thuận lợi để đội ngũ những người làm báo từ Trung ương đến địa phương được rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tự đổi mới và hoàn thiện chính mình, để thực sự trở thành một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Thứ ba, báo chí cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng nêu gương, kịp thời phát hiện những điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới, những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong thực tiễn. Đấu tranh kiên quyết, tích cực hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, các hành vi vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Báo chí cần tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thứ tư, báo chí phát huy vai trò phản biện xã hội, hướng dẫn dư luận, tạo môi trường để phát huy quyền tự do ngôn luận của nhân dân; tạo cơ chế thông tin nhanh chóng, tin cậy, chính xác, nêu cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong tình hình mới. Tham gia đấu tranh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang tới gần.
Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, đội ngũ báo chí nước nhà cần nhận thức ngày càng sâu sắc hơn sứ mệnh của mình, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trần Thị Thanh Giang
Tin liên quan