Mẫu mã phong phú và đa dạng trong khi giá cả lại hợp lý, nhiều sản phẩm Made in Vietnam đang trở thành người bạn tin cậy của các khách hàng tiêu dùng nội địa.
Điều này càng được khẳng định khi tỷ lệ hàng Việt ngày càng phủ sóng mạnh mẽ tại các hệ thống phân phối không chỉ trong nước mà vươn ra khu vực.
Hàng Việt chiếm áp đảo
Tại thời điểm này, một số hệ thống siêu thị lớn như: Mega Market, Big C, Hapro Mart, Co.opmart, Winmart, Intimex… đã rục rịch công tác phục vụ hàng Tết.
Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt tại các doanh nghiệp này nhiều năm nay vẫn chiếm ưu thế, trong đó các sản phẩm đã nhiều năm khẳng định được uy tín, chất lượng và thân quen với người tiêu dùng, như: Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, càphê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thực phẩm chế biến sẵn.
Không những vậy, trong dip Tết cổ truyền, các đặc sản vùng miền ở khắp các tỉnh thành cũng là món ngon quen thuộc không thể thiếu được của mỗi người dân, từ tôm khô, mực tẩm, bò khô đến các loại bánh, mứt và bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam cũng chiếm lĩnh thị trường.
Central Retail, một Tập đoàn sở hữu mạng lưới các thương hiệu hàng đầu, cung cấp các sản phẩm đa lĩnh vực trên nhiều mô hình như cửa hàng bách hoá, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng đa kênh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới
Đại diện Central Retail cho biết trong 10 năm qua, Central Retail tại Việt Nam và chuỗi siêu thị GO! đã không ngừng thực hiện các chương trình quảng bá hàng Việt, bao gồm các hoạt động tăng cường sản phẩm nội địa, hiện trên 90% doanh số đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước.
Cùng đó, doanh nghiệp cũng thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương, đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã.
“Các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ; tạo điều kiện cho thương hiệu hàng Việt Nam phát triển qua hệ thống bán lẻ của Central Retail tại 40 tỉnh thành trên cả nước,” đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” hiện có đến trên 90% hàng hóa đang bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart là sản phẩm Việt Nam.
Hơn nữa, hệ thống siêu thị Co.opmart luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, GlobalGap.
Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua.
Ông Đỗ Long, chủ một hệ thống phân phối hàng thực phẩm, đồ uống trên địa bàn Hà Nội cho biết sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp và đồ hộp có xu hướng tăng nhanh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bởi mẫu mã đẹp, chất lượng cũng không thua kém trong khi giá chỉ bằng 50-60% hàng ngoại.
Tạo sức lan tỏa lớn hơn
Hiên nay, hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu; chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm...
Điều này cũng dễ hiểu bởi người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho hay hiện trong cơ cấu hàng Tết tại hệ thống siêu thị, hàng Việt chiếm tỷ lệ áp đảo. Có được như vậy là bởi doanh nghiệp sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng, đã chú trọng nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng để sản xuất, chế biến các sản phẩm chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập nhưng giá bán rẻ hơn sản phẩm nước ngoài nhập khẩu.
Tỷ lệ hàng Việt tại nhiều siêu thị chiếm từ 70-90%. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khảo sát mới đây của Bộ Công Thương cho thấy hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống
siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%.
Đánh giá về lĩnh vực này, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam cho biết năm 2021, dù chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song Tập đoàn vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Aeon Việt Nam cam kết nghiên cứu các danh mục sản phẩm phong phú hơn, phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam, đồng thời, lựa chọn một số mặt hàng trọng điểm của Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu, đưa hàng Việt ra thị trường thế giới thông qua hệ thống phân phối của Aeon.
Đây cũng là mục tiêu của Đề án: “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” mà Bộ Công Thương ký hợp tác (MOU) với Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản.
Theo đó, Aeon sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống Aeon tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Trong thời gian tới, để chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được lan tỏa sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động
xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới.
Điều này nhằm nâng cao vị thế của
hàng Việt Nam,
nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới đưa hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam./.