Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19.8.1945 - 19.8.2015), tuyengiaohungyen.vn trân trọng giới thiệu tác phẩm “Bắt tên Phòng Nhì cắm chốt” của tác giả Phạm Minh Thu tới đông đảo bạn đọc.
Năm 1947 giặc Pháp tung quân chiếm đóng huyện Văn Giang, chúng cài cắm bọn tay sai chỉ điểm về các làng bằng mọi hình thức để lùng bắt Cán bộ phá vỡ cơ sở kháng chiến của ta…
I
Sư Cầu Lác trụ trì tại chùa Ngọc khu Ngưu Giang dáng người to lớn vạm vỡ, được dân trong vùng kính nể vì nhà sư vừa trẻ đẹp lại am hiêủ việc đời không kém một ai.
Chiều chiều khi nhà sư tụng kinh gõ mõ, thì các bà vãi trong làng tự nhiên kéo đến lễ chùa đông như ngày tuần tiết. Sau lưng nhà sư, các bà vừa vái vừa ngắm nghía cái lưng bệ vệ, cái thân hình phốp pháp, cái đầu trọc bóng, tai lắng nghe giọng ngân nga trầm bổng, đọc kinh Phật mà như hát như ru… Có bà mê say ngơ ngẩn, đêm về trằn trọc, thở dài liên hồi ngủ không trọn giấc. Ngày ngày nhiều bà tự nguyện đến dọn dẹp, quét tước và giặt giũ cho nhà chùa để được đảo mắt nhìn ngắm sư ông hoặc để sư ông liếc mắt nhìn lại và có lời mời tối đến học kinh...
*
Một buổi, Chủ tịch kiêm Bí thư xã Ngưu Giang (huyện Văn Giang) được triệu tập hoả tốc xuống Bô Thời (nơi cơ quan Huyện sơ tán). Bí thư Huyện uỷ Văn Giang mời anh vào một gian buồng kín:
- Theo trinh sát từ trên cho biết, Pháp đưa một số tên Phòng Nhì lợi hại cắm chốt để theo dõi và gây màng lưới chỉ điểm ngầm tại huyện ta. Sau khi rà soát, chúng ta cần thẩm tra lại một số người chưa rõ tung tích trong đó có sư ông chùa Ngọc .
Anh Chủ tịch xã ngạc nhiên :
- Báo cáo các anh, chúng tôi vẫn lấy chùa làm cơ sở bí mật, thường xuyên họp hành tại chùa. Sư ông giúp đỡ rất nhiệt tình, ngoài việc cơm nước, canh gác, cất giấu tài liệu …nhà sư còn đề xuất đào một số hầm bí mật để cán bộ có chỗ trú ẩn khi nguy cấp. Chúng tôi đang có ý định đưa nhà sư vào màng lưới cơ sở mật của ta.
- Ta chưa kết luận, nhưng Huyện bộ giao cho đồng chí khẩn trương kiểm tra lại để huyện kịp thời có đối sách. Bán tiểu đội Công an Việt Dũng sẽ được cử về hỗ trợ các đồng chí.
Rồi Bí thư huyện bàn bạc một số việc cụ thể, đề ra một số tình huống có thể xẩy ra, ghé tai dặn dò như thế … như thế…
Về xã, Chủ tịch xã Ngưu Giang ghép nối các sự việc lâu nay rồi suy nghĩ rất găng. Sư ông không thể là Phòng Nhì của giặc được, một người rất hăng hái sôi nổi với công việc cách mạng, được hội Phật Giáo cử về trụ trì tại chùa ngay từ khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ ra. Tây về chiếm đóng Văn Giang sư ông càng thể hiện sự quan tâm đến cán bộ hoạt động vùng hậu địch, sẵn sàng để chùa làm nơi hội họp trong khi mọi nhà rất sợ chứa chấp và liên quan đến Việt Minh. Chỉ có một điều khác lạ là từ ngày Pháp xây đồn bốt thì nhà sư hay đi cúng vái các làng. Vào đồn Tây thì chưa ai nhìn thấy nhưng đến nhà Bang Phả thì đã vài lần. Cũng có điều khó hiểu là khi Tây càn hoặc đi tuần tiễu qua chùa Ngọc, chưa bao giờ chúng xục xạo vào chùa, sư ông nói có thể chúng tôn trọng nơi đền chùa miếu mạo. Cán bộ đằng mình càng thêm tin tưởng, coi chùa là cơ sở bí mật lâu dài .
Đào Quang Phả theo Tây được phong là Bang tá, cai quản một vùng nhưng lại tu tại gia. Việc sư ông chùa Ngọc hay đến để đọc kinh niệm Phật cũng là việc đã có từ khi Tây chưa về vùng này. Vậy sao lại có thể nghi ngờ được?
Một đêm anh Chủ tịch xã mang theo hai người chui qua rào vào chùa giới thiệu với sư ông:
- Bạch thày! Đây là hai cán bộ ở tỉnh về dự định tổ chức một cuộc họp quan trọng tại xã nhà, có thượng cấp về dự, số lượng hơn chục người đều là cán bộ chủ chốt, xin nhờ nhà chùa địa điểm; thời gian vào đêm 22 tháng này; chỉ họp trong vòng vài tiếng, bốn năm giờ sáng là giải tán ngay.
Anh Chủ tịch xã còn ghé tai thì thầm riêng với Sư Ông :
- Có cả Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh Hưng Yên về kiểm tra tình hình kháng chiến xã nhà, hết sức bí mật, chỉ nói riêng với nhà chùa, xin nhà chùa giữ kín cho…
Sư ông sốt sắng :
- Được! Được! Tôi đã nói với ông Chủ tịch nhiều lần, nhà chùa sẵn sàng làm mọi việc cho kháng chiến. Cuộc họp quan trọng như thế, nhà chùa sẽ bố trí nơi Nhà Tổ, vừa kín đáo vừa giáp hàng rào sau chùa, có động rút ra cánh đồng rất tiện.
Anh Chủ tịch xã còn trao đổi cả ám hiệu và mật khẩu khi vào chùa, nhất nhất Sư ông đều ghi nhớ. Sư ông dẫn ba người đến khu nhà sau chùa, chỉ dẫn đường đi lối thoát, thái độ thật niềm nở, ân cần. Một người nhiệt tình sốt sắng với công việc kháng chiến như vậy trong tình hình địch đang chiếm đóng quả thật rất hiếm hoi.
II
Chiều ấy, bọn dõng bốt Cửu Cao có sự chuyển động khác thường. Tên nào cũng chuẩn bị súng đạn đầy đủ và được lệnh ăn cơm sớm. Chúng biết ngay là có cuộc phục kích lớn đêm nay. Chúng rì rầm rỉ tai nhau chuyện gì có vẻ bí mật ghê gớm lắm. Bên đồn Tây, một tiểu đội Âu Phi cũng rậm rịch súng ống, đèn pin và truyền nhau mật lệnh.
Mới 10 giờ tối mà thôn xóm đã im lìm vắng lặng, bốn bề phăng phắc như tờ, thi thoảng tiếng mõ cầm canh trong các làng tề vọng lên rời rạc, một vài tiếng súng từ phía Đường 5 vẳng đến cô đơn. Bóng đen đêm tối trùm lên bao nỗi hãi hùng ghê sợ, côn trùng i ỉ như kêu rên than khóc… khiến vùng địch tạm chiếm càng trở nên u uất nặng nề chứa đựng những nơm nớp lo âu.
Trên con đường từ Cầu Bùi về chùa Ngọc có những bóng đen lầm lũi đi cách đều nhau như những bóng ma. Đến gần chùa Ngọc, như đã được định trước, từng nhóm tản ra phục bên các ngả đường vào chùa. Phía sau chùa, chúng rải quân dọc theo bờ rào ngăn chùa với cánh đồng mầu đang mùa xanh tốt. Tên nào cũng lăm lẳm súng trong tay, chỉ chờ một ám hiệu từ chùa phát ra là ập vào nơi nhà Tổ. Chúng đã được lệnh bắt sống toàn bộ Việt Minh đúng khi họ đang ngồi họp.
Trên rặng nhãn um tùm cạnh đường đi về hướng chùa có 3 người đang căng mắt theo dõi cuộc hành quân ấy. Bọn giặc lầm lũi đi phía dưới mà không hề hay biết. Và cũng âm thầm lặng lẽ, ba bóng đen này rải rác theo sau cách toán lính dõng cuối cùng chỉ chừng ba chục thước.
Gà trong xóm đua nhau gáy dồn. Đêm đã sang canh năm, sắp sáng. Chuông chùa nho nhỏ bỗng đổ hồi, tiếp đến tiếng mõ gấp gấp và tiếng tụng kinh trầm bổng của sư ông. Người tinh ý nghe thì tiếng chuông, tiếng mõ lúc thưa lúc mau, thi thoảng nổi lên 3 tiếng mõ to, có nhiều điểm khác thường.
Nhận được tín hiệu, mấy tên Chỉ huy Tây, dõng phát lệnh thu quân. Khác với lúc đi lặng lẽ, khi trở về chúng hành quân rầm rập trên đường cái như một cuộc tuần tiễu thường nhật .
Có tiếng một thằng dõng nói khẽ :
- Phục suốt đêm muỗi đốt tịt mặt mà có thấy Việt Minh họp hành quái gì đâu. Thế mà cụ Bang còn ra lệnh: Phải bắt sống bằng hết, thằng nào chống lại bắn ngay. Nghe như có Việt Minh cao cấp nhất tỉnh về họp nữa. Vớ được thì cụ Bang phải lên chức Tỉnh Trưởng. Coi chừng thằng sư hổ mang này phản thùng xỏ lá cụ Bang, chứ sao không có động tĩnh gì .
Thằng khác bác ngay :
- Phản thế nào được. Sư ông là Phòng Nhì có hạng đấy. Gặp Tây hoặc qua các đồn chỉ việc đưa cái cạc bé tí ra là Tây phải giơ tay chào ngay. Chắc bọn Việt Minh hoãn họp hay trục trặc gì đó .
Cũng ngay tảng sáng đó, anh Khíp hớt hải vào chùa xin lỗi và báo với sư ông lý do cuộc họp quan trọng phải lui lại, địa điểm vẫn họp tại chùa. Và để chứng minh cuộc họp này quan trọng, tối tối có hai du kích đến đào hầm bí mật do sư ông đích thân chỉ chỗ.
III
Sư cô làng Thượng là Đàm P., đẹp gái lại đoan trang, không ai biết vì sao lại đi tu. Tây về lập đồn bốt, đoàn thể xã giao cô là cơ sở bí mật của ta trụ lại. Hôm ấy, sư cô báo gấp cho liên lạc ta một tin quan trọng…
Một chiều, sau khi đi Cửu Cao cùng Bang Phả tụng kinh niệm Phật, sư ông Cầu Lác về qua chùa Thượng vào lúc vừa chạng vạng tối, tay sư ông khư khư một túi nâu nhỏ. Sư cô khẩn khoản mời sư ông dùng bữa cơm chay và nghỉ lại qua đêm. Chùa Thượng cách chùa Ngọc chừng hai cây số, trước lời mời ân cần tha thiết lại thấy mắt sư cô liếc trộm, miệng sư cô mủm mỉm cười nụ, ai nỡ chối từ .
Khoảng canh ba đêm ấy, khi xóm làng đã ngủ yên, sư ông vừa toan điều phạm giới thì sư cô gạt tay mà nói nhỏ :
- Để đóng cửa tắt đèn đã …
Sư cô bước ra đóng sầm cửa lại nhưng không cài chốt. Nghe tiếng cửa động đúng như qui định, hai người cầm súng xô vào :
- Chúng tôi được lệnh mời sư ông về Uỷ ban Kháng chiến Huyện.
Sư ông tái mặt nhưng lấy lại bình tĩnh :
- Tôi có tội gì mà các ông bắt ?
- Xin sư ông cứ về Uỷ ban Kháng chiến sẽ rõ.
Sư cô Đàm P. làm như chợt nhớ ra:
- Còn chiếc túi nhỏ của thầy đây ạ .
Một người cầm túi khiến Sư ông run bắn người:
- Trong túi chỉ có mấy quyển kinh Phật, tôi mượn của ông Phả, xin để nhờ sư cô trả hộ.
Người kia thản nhiên :
- Chúng tôi sẽ trả giúp sư ông. Mấy quyển kinh này mới là thứ chúng tôi cần đấy ạ .
Vừa ra khỏi làng, trước mặt là cánh đồng rộng, bằng một thế võ điêu luyện, sư ông nhanh như cắt giáng một qủa đấm vào mặt người khoác tay kèm bên và chạy bổ vào đêm tối. Nhưng một cú ngáng chân vô hình đã làm sư ông ngã sóng xoài và mấy bóng đen đã xô đến trói chặt. Thì ra, Huyện đã dự liệu mọi tình huống có thể xẩy ra, bán tiểu đội Công an Việt Dũng (đội Công an chuyên trừ gian diệt tề) mai phục bên ngoài chùa và theo sát mọi diễn biến mà sư ông không hề hay biết .
*
Mấy hôm sau, chùa Ngọc vắng tiếng chuông, tiếng mõ và vắng cả hình bóng sư ông. Nhân dân đồn ầm: “Sư ông chùa Ngọc tự nhiên mất tích”. Mấy bà vãi truyền nhau một tin cứ y như thật: “Người về báo mộng Người hoá đi theo hầu Phật Tổ Như Lai rồi!”.
Bang Phả cấp báo sang đồn Tây. Các đồn bốt quanh vùng liên tiếp tổ chức các cuộc lùng xục vây ráp, chỉ thị cho bọn tay sai các làng dò hỏi tin tức nhưng chẳng ai biết được Sư ông đã biến đi đâu .
Tại trụ sở Công an nơi sơ tán, Bí thư Huyện bộ thở phào:
- Nhổ được một cái đinh Phòng Nhì quan trọng, nắm được danh sách bọn nằm vùng, biết được âm mưu và kế hoạch xây dựng các làng tề ác ôn và củng cố đồn bốt của Bang Phả, Công an Việt Dũng và du kích Ngưu Giang ghi thêm một chiến tích rất đáng khen ngợi!
Phạm Minh Thu