Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn nhu cầu thị trường.
Giới thiệu mô hình tự động hóa cho sinh viên Lớp Điện tử Công nghiệp K13 của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)
Liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề; giải pháp tạo việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động, thu hút, tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường, không để lãng phí nguồn lao động trẻ, nhất là lao động đã được đào tạo, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành sửa chữa máy móc, thiết bị ôtô. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)
Triển khai thực hiện Quyết định trên, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp... nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động và của xã hội.
Đồng thời, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: khai thác, sử dụng chương trình và tổ chức đào tạo theo chương trình, công nghệ, tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện chuyển giao cho Việt Nam để đào tạo nghề của Việt Nam tiệm cận được với trình độ đào tạo tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh việc thực hiện đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động và mở rộng các hình thức đào tạo vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động dễ dàng tiếp cận các chương trình đào tạo phù hợp để chuẩn hóa bằng cấp, chứng chỉ, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp khi tham gia thị trường lao động.
Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong công tác tuyển sinh, đào tạo, tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo và thực hiện gắn kết giữa đào tạo với việc làm tại đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện liên kết tổ chức đào tạo với các cơ sở đào tạo của nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của bản thân.
Tạo việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động và thu hút, tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Nâng cao trình độ kỹ năng nghề để có việc làm phù hợp
Cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động là thanh niên nói riêng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng và đảm bảo an sinh xã hội.
Người lao động Long An tìm hiểu việc làm tại các doanh nghiệp, đơn vị. (Ảnh: Nguyên Dung/ TTXVN)
Nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên (trong đó có học sinh, sinh viên), ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, các cơ quan, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm... Bộ đã, đang tập trung thực hiện các giải pháp: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho đối tượng người lao động nói chung, đối tượng là thanh niên nói riêng và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận hơn trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Bộ cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Từ năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm.
Qua đó tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đào tạo của mỗi nhà trường để học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng thời doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tại rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường và đến khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Bộ cũng chỉ đạo, khuyến khích mô hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.
Các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật về thuế liên quan, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và sử dụng lao động qua đào tạo.
Theo báo cáo từ các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay.
Cùng đó, Bộ phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm; chủ động, tích cực phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn