Tốc độ xét nghiệm còn thấp, năng lực xét nghiệm còn hạn chế, đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan tại nhiều địa phương, nguy cơ xâm nhập trái phép rất lớn vào dịp Tết nguyên đán... là những nguy cơ đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới đây.
Sáng 24-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới” với sự tham gia của đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tốc độ và năng lực xét nghiệm còn thấp
GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và toàn dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đến nay hết sức thắng lợi. Việt Nam đã có 83 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng là một tín hiệu vui nhưng cũng không ít phần lo lắng.
Theo Bộ trưởng, số ca mắc đang tăng nhanh ở châu Âu, Mỹ và châu Á. Sự lây nhiễm Covid-19 chưa có xu hướng ngừng lại. Đánh giá về sinh học phân tử, giải trình tự gien hiện nay chưa thấy có điểm gì đột biến so với hồi tháng 7 nhưng tốc độ lây nhiễm cao. Hệ số lây nhiễm không tăng nhưng ngày càng nhiều có người nhiễm. Quần thể nhiễm ở các nước rất cao. Vì vậy việc phòng, chống Covid-19 ở các nước này khó khăn hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Y tế khẳng định, trước sự gia tăng nhanh chóng ca Covid-19 trên thế giới, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam rất lớn. Chỉ riêng ngày hôm qua, có năm nghìn người nhập cảnh và xuất cảnh, trong đó ở phía bắc đã phát hiện 77 trường hợp nhập cảnh trái phép và 2-3 trường hợp tại phía nam. Điều này là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong kiểm soát chặt đường biên.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mặc dù Bộ đã có nhiều hướng dẫn văn bản, kiểm tra giám sát tại khu cách ly, nhưng tại một số địa phương có tình trạng lơ là, chểnh mảng giám sát thực hiện cách ly theo quy định, đặc biệt là việc cách ly ở khu lưu trú dân sự, khách sạn.
“Đối với việc cách ly tại khách sạn, vai trò chính quyền địa phương giám sát rất quan trọng nhưng hiện nay có nhiều nơi rất chủ quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Chúng ta không thể bảo đảm 100% ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nguy cơ cao vẫn hiện hữu”, Bộ trưởng nói.
Một vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt khuyến cáo là mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, xét nghiệm nhưng chúng ta hiện chỉ đang xét nghiệm bốn nghìn mẫu/ngày. So với trường hợp có dấu hiệu cúm, ho, sốt, viêm phổi nặng của người dân thì con số xét nghiệm này vẫn rất thấp, dễ bỏ lọt trường hợp nhiễm Covid-19.
“Chúng ta có cơ chế chi trả cho xét nghiệm từ nguồn bảo hiểm y tế nhưng các địa phương chưa đôn đốc, chưa mạnh dạn và thực hiện triệt để chỉ đạo", Bộ trưởng nói.
Trước tình trạng lơ là, chủ quan của các địa phương trong việc chuẩn bị cho các tình huống dịch xuất hiện ở cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan điểm lo ngại, tại Đà Nẵng, khi một bệnh viện xảy ra ca nhiễm Covid-19, thành phố có nhiều bệnh viện khác hỗ trợ. Nhưng đối với những tỉnh chỉ có một bệnh viện đa khoa tỉnh, giải pháp gần như không có.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương luôn luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nếu dịch xảy ra ở trên địa bàn của mình để khi xảy ra không luống cuống, đối phó bình tĩnh và thực hiện triệt để biện pháp phòng, chống dịch.
“Bài học xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh. Tại sao Trung Quốc triển khai xét nghiệm tới 4-5 triệu dân/thành phố vì quan điểm của họ là xét nghiệm càng nhanh càng tốt. Hiện chúng ta chưa chuẩn bị cho xét nghiệm, tốc độ xét nghiệm chậm tại một số địa phương. Ngay cả khi có năng lực xét nghiệm thì việc tổ chức lấy mẫu cho xét nghiệm cũng là vấn đề. Vì thế, chúng ta cần phải tăng cường năng lực lấy mẫu, tăng cường năng lực xét nghiệm”, Bộ trưởng nói.
GS Nguyễn Thanh Long cho rằng, hiện nay các cơ sở y tế gần như quay trở lại hoạt động bình thường, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến cơ sở y tế nên nguy cơ lây nhiễm tại đây rất cao. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện chấn chỉnh công tác xét nghiệm, tăng cường sàng lọc, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở để phát hiện ca nhiễm kịp thời.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đối với toàn bộ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, đặc biệt từ nước có dịch cần phải được xét nghiệm Covid-19 để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Nguy cơ xâm nhập trái phép dịp Tết Nguyên đán
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, từ đầu năm đến nay, trong công tác phân luồng nhập cảnh, hướng dẫn kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt đã phát hiện 20.161 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tiếp nhận 8.340 người Việt Nam được các nước trao trả qua cửa khẩu.
Thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, đi lại và nhu cầu kiếm việc làm của nhân dân khu vực biên giới rất lớn. Vì thế, nhiều người tìm cách xuất nhập cảnh để tìm kiếm việc làm dẫn đến tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Thời gian qua, chúng ta phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép hoặc người Trung Quốc hết hạn visa đã tìm cách lưu trú ở nhà nghỉ, khách sạn trốn tránh sự kiểm tra, làm giả giấy tờ để kéo dài thời gian ở Việt Nam. Tại biên giới Lào, Campuchia cũng phát hiện nhiều ca xuất nhập cảnh trái phép để kiếm việc làm. Trên biển, lực lượng chức năng phát hiện những người Brunei, Campuchia nhập cảnh trái phép.
“Gần đây, chúng ta phát hiện nhiều trường hợp lẩn trốn trên phương tiện vận chuyển hàng hóa như xe tải, container, trà trộn tàu hàng cá để tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng nói.
Để thực hiện mục tiêu kép, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm nhiệm vụ và tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch trong tình hình mới. Biên phòng tiếp tục duy trì tổ chốt chống dịch, siết chặt đường mòn lối mở, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; Tham mưu cấp ủy địa phương kiểm tra tuần soát biên giới, thực hiện đúng quy trình nhập cảnh.
Ba nghìn ca nhiễm trên một triệu dân là không có khả năng điều trị
Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện nay có 61,5% ca không có biểu hiện lâm sàng, 21,2% ca có biểu hiện nhẹ; Số bệnh nhân nặng 156 ca chiếm tỷ lệ 14,2%.
Hiện nay Việt Nam có khoảng hơn một ca mắc/một triệu dân. Nếu chúng ta gặp phải tình huống như Nga, Mỹ, Pháp có 30 nghìn ca mắc trong thời điểm trên một triệu dân thì chúng ta vô cùng khó khăn. “Nếu Việt Nam chỉ cần có ba nghìn ca mắc/một triệu dân, chúng ta đã không có cơ sở y tế nào điều trị nổi”, ông Khoa nói.
Các địa phương hiện có trang bị hầu hết các máy thở chức năng cao, nhưng năng lực điều trị hiện nay còn hạn chế. Chỉ có một số bệnh viện làm được kỹ thuật này, còn hầu hết huy động từ bệnh viện tuyến trên. Chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ y tế nội khoa để không bỡ ngỡ khi tham gia với các cơ sở điều trị khi thiết lập bệnh viện dã chiến.
Ông Khoa đề nghị các địa phương cần phải có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Những bệnh viện này sẽ có hệ thống ô-xy hồi sức cấp cứu, hỗ trợ kiểm soát nhiễm khuẩn, tạo thông khí, dinh dưỡng cho người bệnh, xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, cấy nấm.
“Các địa phương phải tự mình lo cho chính mình, phục vụ bệnh nhân chính địa phương mình. Vụ dịch vừa qua tại Đà Nẵng chỉ có 1-2 địa điểm dịch nên cả nước dồn lực tập trung hỗ trợ. Nhưng với tình huống xấu có 10 địa phương như thế thì chúng ta không có khả năng hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương khác.
Tôi đề nghị các địa phương ít nhất có 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19. Phải có phương án thiết lập một đơn vị dã chiến được xây dựng từ một cơ sở dân sự. Thí dụ, với 60% ca mắc không có triệu chứng chỉ cần cách ly điều trị tại ký túc xá hoặc cơ sở dân sự khác, có tổ y tế theo dõi”, ông Khoa nói.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện đa khoa của tỉnh từ nay đến hết 31-12 phấn đấu triển khai xét nghiệm Covid-19, ít nhất là xét nghiệm sàng lọc để chủ động, phát hiện sớm ca bệnh, hỗ trợ thêm các bệnh viện khác.
Nguồn: nhandan.com.vn