KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 1103
Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc đổi đời của nhân dân Hưng Yên

Cũng như nhân dân cả nước, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đời sống của nhân dân Hưng Yên vô cùng khốn khổ. Chỉ tính từ năm 1806 đến năm 1898, trong vòng 92 năm, Hưng Yên đã có 39 năm đê vỡ, 10 năm hạn hán, 15 năm sâu dịch. 

Để thực hiện chính sách khai thác, bóc lột, kiếm lợi nhuận cao nhất, ngay sau khi cơ bản đàn áp được phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta, thực dân Pháp đã biến bộ máy cai trị của giai cấp phong kiến thành chỗ dựa và hệ thống tay sai giúp chúng bóc lột và đàn áp. Về kinh tế, chúng cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân lập đồn điền và phát canh thu tô, chúng lợi dụng lòng mộ đạo của giáo dân để xúi giục đòi làng chia ruộng công đưa vào nhà chung. Số ruộng đất do nhà chung chiếm hữu ở các huyện phía nam từ 300 mẫu đầu thế kỷ XX, tăng lên 1.700 mẫu vào đầu năm 1945. Không những vậy, chúng còn bắt nhân dân ta đóng nhiều thứ thuế vô lý (bình quân mỗi năm đế quốc Pháp bòn rút của nhân dân Hưng Yên ngót 70 vạn đồng tiền thuế, riêng năm 1935 chưa kể huyện Văn Giang, Hưng Yên phải nộp 652.644,33 đồng); bị bắt đi phu, đi lính (từ năm 1930 - 1945, toàn tỉnh có 50.000 lượt người bỏ làng đi, trong đó có gần 10.000 người đi phu đồn điền ở Nam Kỳ, Tân Đảo); bị đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện, cờ bạc... Cả tỉnh Hưng Yên chỉ có một trường trung học ở thị xã, sau năm 1938 mới có thêm 1 trường trung học tư thục ở thị xã, mỗi huyện chỉ có 1 trường tiểu học Việt - Pháp. Vì thế 90% dân số mù chữ. Cả tỉnh chỉ có 1 bệnh viện ở thị xã, 1 bệnh xá ở Bần Yên Nhân, 1 phòng phát thuốc ở Trương Xá, mỗi huyện có 1 nhà hộ sinh. Việc phòng bệnh rất kém nên các dịch bệnh sởi, đậu mùa, tiêu chảy, kiết lỵ, cảm cúm, đau mắt thường xảy ra, có trận dịch làm hàng trăm người thiệt mạng. Người dân lâm vào cảnh bần cùng, nhiều gia đình tan nát, phải bán vợ, đợ con, thường xuyên sống trong cảnh bị thúc nợ, bắt nợ, dỡ nhà, cướp đất... Lòng dân oán hận chế độ thuộc địa và phong kiến tay sai, nhiều cuộc đấu tranh tự phát đã nổ ra. Đó là những đốm lửa nhỏ đợi cơn gió cách mạng của thời đại thổi bùng lên thành những phong trào quật khởi, dẫn đến nhiều thắng lợi to lớn sau này, làm cuộc cách mạng đổi đời cho nhân dân Hưng Yên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung.

Đón được một trào lưu cách mạng tiên tiến đang tới, vào năm 1928, khi cán bộ của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội về thôn Sài Thị, xã Đại Quan (nay là xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu) tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nhiều thanh niên tiến bộ đã tích cực tham gia thành lập chi bộ. Cuối năm 1929, chi bộ này được chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã tích cực tuyên truyền, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân đi theo cách mạng. Từ năm 1930 -1940, thực dân Pháp cấu kết với phong kiến khủng bố, đàn áp dã man, phong trào cách mạng ở Hưng Yên gặp rất nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng và sự chỉ đạo của Trung ương, các cơ sở cách mạng ở Hưng Yên vẫn được gây dựng và phát triển...
Giữa năm 1945, tình hình ở Hưng Yên có những thay đổi. Tuần phủ Trần Hữu Vị khét tiếng gian ác được chuyển lên làm tỉnh trưởng. Một trung đội Nhật về đóng ở thị xã, lính khố xanh tăng lên hơn 100 tên. Tổ chức thanh niên phản động và Bảo an được xây dựng ở các địa phương để lôi kéo thanh niên. Quân Nhật và tay sai tăng cường đán áp nhân dân, gây nên làn sóng căm phẫn dữ dội. Điều đó càng đưa quần chúng tiến gần hơn với Việt Minh. Tỉnh ủy Hưng Yên lập tức phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn tỉnh. Việt Minh hô hào nhân dân không nộp thuế cho giặc, cảnh cáo bọn hào lý ở nhiều xã, thôn. Phong trào phá kho thóc cũng nổ ra, bắt đầu ở Giai Phạm (Yên Mỹ), Bần (Mỹ Hào), Đống Long (Kim Động). Nhân dân còn chặn xe thóc trên đường 39, giành thuyền thóc trên sông Luộc. Việt Minh đồng thời lãnh đạo quần chúng vận động nhà giàu cho vay cứu đói, chia thóc cho dân. Hơn 600 tấn thóc đã được chia cho dân nghèo trong tháng 5 và tháng 6/1945. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, bọn tri huyện ở nhiều nơi phải nhượng bộ, lúng túng. Việt Minh tiếp tục tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, vạch mặt bọn Nhật và tay sai ở Kim Động, Mỹ Hào, Văn Lâm. Cuộc mít tinh lớn nhất thu hút hàng ngàn người diễn ra ở Đậu An (Tiên Lữ) tháng 5/1945. Cùng thời gian này, lực lượng ở Bãi Sậy được thống nhất với lực lượng trong toàn tỉnh, thành lập Ủy ban Việt Minh tỉnh Tán Thuật, tạo nên một tổ chức lãnh đạo thống nhất phong trào chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng được nâng cao, uy tín của Việt Minh ngày càng sâu rộng. Các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ tỉnh đã kết hợp sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, linh hoạt với việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các địa phương và quần chúng, tạo nên những cơ hội hành động mau lẹ, liên tục tấn công địch, thúc đẩy điều kiện khởi nghĩa chín muồi.
Tháng 6 năm 1945, các hoạt động vũ trang diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Việt Minh ở Văn Lâm phối hợp với Việt Minh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tổ chức cướp súng ở Văn Lâm. Cùng lúc, các đội tự vệ tổ chức nhiều tổ phục kích quân Nhật trên đường chúng về gây áp lực thu thóc ở Ân Thi. Các đội trừ gian tiêu diệt tên Bá Nông cầm đầu bọn Đại Việt phản động chống phá cách mạng ở Bần, tiêu diệt Lý Phách ở Mỹ Hào, Cánh Quỳ ở Ân Thi. Ở nhiều xã thuộc Văn Lâm, Yên Mỹ, Văn Giang, lực lượng Việt Minh mạnh, chính quyền của giặc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, các Ủy ban giải phóng dân tộc nhanh chóng được thành lập. Đến tháng 7 và đầu tháng 8 năm 1945, một phần ba số thôn trong tỉnh đã có cơ sở của Việt Minh với trên 3.000 hội viên, lực lượng vũ trang đã có trên 700 người, khí thế cách mạng dâng lên mạnh mẽ. Đêm 14/8/1945, Việt Minh cùng nhân dân đã tiến công bao vây, thu vũ khí của địch ở huyện đường Phù Cừ; tiếp đến là huyện Khoái Châu ngày 15/8; huyện Mỹ Hào, Văn Giang, Tiên Lữ ngày 17/8...

Nhân dân các huyện trong tỉnh kéo về tỉnh lỵ Hưng Yên mít tinhchào mừng Cách mạng tháng Tám thành công (8/1945)

Sau khi nhận được Lệnh khởi nghĩa của Trung ương, đêm 18/8/1945, Ban cán sự tỉnh đã cấp tốc mở Hội nghị tại đình làng thôn Thổ Cốc (xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ). Dựa vào tinh thần Chỉ thị của Trung ương (12/3/1945) và Thông báo của Kỳ bộ Việt Minh (16/8/1945), Hội nghị quyết định "Những nơi đã đánh úp huyện thì tổ chức quần chúng mít tinh, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời; những nơi khác tiếp tục khởi nghĩa bằng biểu tình vũ trang giành chính quyền...”. Đồng thời phát động nhân dân may cờ đỏ sao vàng để dùng cho vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ trương trên, chỉ trong một thời gian ngắn, các huyện trong tỉnh đã đứng lên khởi nghĩa. Ngày 19/8 biểu tình vũ trang, thành lập chính quyền ở huyện Yên Mỹ, Tiên Lữ; ngày 20/8 huy động 300 hội viên cứu quốc và tự vệ về chiếm huyện lỵ Kim Động, Ân Thi; ngày 21/8 chiếm huyện lỵ Văn Lâm... Sau khi giành chính quyền ở các huyện, ta đã nhanh chóng tập trung tự vệ,huy động quần chúng chuẩn bị cho giành chính quyền ở tỉnh.

Ngày 22/8, hàng vạn quần chúng được vũ trang súng, dao, mác, gậy mang theo cờ và biểu ngữ, rầm rập tiến vào tỉnh lỵ trong khí thế hừng hực của cách mạng, địch không dám chống cự, ngụy quyền nhanh chóng tan rã... Đoàn người khổng lồ diễu hành qua dinh tỉnh trưởng rồi tiến vào sân vận động thị xã Hưng Yên tổ chức mít tinh lớn, tuyên bố xoá bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 23/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm 5 người do ông Học Phi làm Chủ tịch và ra mắt nhân dân để tiến hành quản lý và điều hành mọi công việc của tỉnh. Lực lượng tự vệ và hội viên cứu quốc các huyện tham gia khởi nghĩa đã rút về các địa phương cùng với nhân dân tịch thu triện bạ, xoá bỏ chính quyền cơ sở của địch. Đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng trong phạm vi toàn tỉnh căn bản được thành lập.
Thắng lợi ở Hưng Yên góp phần chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trong cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, Cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân. Người dân Hưng Yên nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, từ thân phận nô lệ, kiếp sống ngựa trâu đã chính thức trở thành người dân tự do, làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước. Sáng 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Hưng Yên ngày tái lập tỉnh (01/01/1997)

Tháng Tám lại về với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Mới đó mà đã 67 năm. Hơn nửa thế kỷ qua, để bảo vệ thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, nhân dân Hưng Yên đã cùng cả nước anh dũng chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hơn nửa thế kỷ trôi qua để chúng ta có độ lùi cần thiết khi nhìn nhận về thời kỳ lịch sử gian lao mà oanh liệt của Đảng và dân tộc ta, để tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay kỳ diệu trên quê hương, đất nước và để ngày một vững tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.

Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập I (1929-1954).
- Cách mạng Tháng Tám ở Hưng Yên.
- Lịch sử Đảng bộ các huyện Phù Cừ, Kim Động,Tiên Lữ, Ân Thi, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, Thành phố Hưng Yên.
Tin liên quan