Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 101/2022/NĐ-CP ngày 8/12/2022 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Nghị định quy định rõ các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh:
1- Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh để xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
2- Đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh khi:
a) Không được cấp có thẩm quyền đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ hoặc lựa chọn qua thủ tục đấu thầu;
b) Sản xuất quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật quá số lượng quy định trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền;
c) Không đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.
3- Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, gồm:
a) Thông tin trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ, hồ sơ đấu thầu và các văn bản liên quan trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Thông tin liên quan đến tính năng kỹ thuật, chiến thuật, tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
4- Chuyển giao sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sản phẩm mẫu, sản phẩm chế thử, sản phẩm bị lỗi, hư hỏng, kém chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh quân trang, quân dụng, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, đề án và kết quả nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ chuyên dùng để chế tạo, sản xuất vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh cho bên thứ ba khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
5- Cung cấp các văn bản không đúng với thực tế nhằm đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
6- Cản trở hoặc không chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
7- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do đầu tư kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, bí mật, an toàn
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo đảm bí mật, an toàn.
Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa, lắp ráp, phát triển quân trang, quân dụng, vũ khí, trang bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ được thực hiện hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa, lắp ráp, phát triển khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Tuân thủ các quy định của pháp luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số
96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1517/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026.
Theo Quyết định, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng) họp toàn thể định kỳ 6 tháng một lần, họp chuyên đề, khi cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất.
Các ủy viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tham gia vào các hoạt động chung của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công tác được phân công.
Ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng được thảo luận tập thể và do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định. Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng quyết định mời các tổ chức, cá nhân khác tham gia phiên họp của Hội đồng.
Cơ quan thường trực tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân về các nội dung liên quan trước khi đưa ra Hội đồng thảo luận.
Hoạt động của Hội đồng được thực hiện thông qua hình thức họp tập trung, họp trực tuyến; lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Hội đồng có 07 Tiểu ban chuyên môn giúp việc ở những lĩnh vực chuyên môn sâu gồm: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục đại học; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời; giáo dục thể chất; phát triển nguồn nhân lực. Các tiểu ban họp theo quyết định của Trưởng tiểu ban.
Phân công trách nhiệm của các thành viên Hội đồng
Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo mọi hoạt động của Hội đồng; chủ trì và kết luận các phiên họp toàn thể Hội đồng; phân công và giao nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc chỉ đạo, tổ chức các hoạt động của Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công tác được giao.
Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia các phiên họp của Hội đồng, các tiểu ban chuyên môn; chủ động tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực theo chương trình công tác, nội dung phiên họp Hội đồng bằng văn bản gửi đến Văn phòng Hội đồng để tổng hợp, tham mưu báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về nhiệm vụ, quyền hạn được giao...
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chương trình công tác nhiệm kỳ 2022 - 2026 và đề xuất nội dung các cuộc họp toàn thể Hội đồng, báo cáo Chủ tịch Hội đồng phê duyệt; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các ủy viên Hội đồng, ủy viên các tiểu ban chuyên môn chuẩn bị báo cáo những vấn đề tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng; gửi tài liệu cần thiết cho các thành viên Hội đồng, các tiểu ban chuyên môn./.