Sáng 15- 11, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội gặp mặt 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trong toàn ngành giáo dục. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: ngành giáo dục đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu nữ tại buổi gặp mặt (Ảnh: Trọng Đức - TTXVN).
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phan Thanh Bình , Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội; Phùng Xuân Nhạ , Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Nhiệm vụ cao cả, vẻ vang
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được gặp mặt các nhà giáo, các cán bộ quản lý tiêu biểu, đại diện cho gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục cả nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của giáo dục: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Người cũng luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục: Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục; không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội)
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau những năm đổi mới, đất nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, những thành tựu đó có sự đóng góp rất quan trọng của ngành giáo dục.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo một số vấn đề về công tác giáo dục - đào tạo, lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Một số ý kiến mong muốn có thêm chế độ ưu đãi cho giáo viên mầm non cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non; Nhà nước tiếp tục có các giải pháp giảm bớt khó khăn cho giáo viên vùng sâu vùng xa.
Một số ý kiến đề nghị tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giao viên, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hay nhân rộng mô hình Trường học hạnh phúc...
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội trân trọng tri ân đối với những cống hiến thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước; biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của ngành giáo dục trong suốt thời gian qua, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục được vinh danh năm nay.
Theo đó, ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế.
Trong đó, nhiều kết quả và thành tích nổi bật như: chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình quy định. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Lần đầu tiên nước ta có bốn trường đại học lọt vào top 1.000 thế giới, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong top 500 thế giới trong khi trước năm 2015 chưa có cơ sở giáo dục đại học nào của Việt Nam được xếp hạng thế giới, chỉ có hai trường vào top 300 châu Á.
Đặc biệt, năm học vừa qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong đó, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu có mặt tại đây là những tấm gương về chuẩn mực đạo đức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sự tận tụy, tâm huyết với nghề; thậm chí, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em... ở những vùng sâu, vùng xa...
Đưa chính sách, pháp luật về giáo dục đi vào cuộc sống
Chia sẻ với những áp lực của ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước rất dài, rất nhiều vấn đề còn phải tiếp tục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất sâu sát trong vấn đề này để chính sách, pháp luật về giáo dục đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đừng thấy một bất cập nào đó, một sai sót nào đó, một vấn đề gì chưa được mà phủ nhận hết những thành tích, những công lao của ngành giáo dục trong suốt nhiều năm qua, làm tổn thương những người luôn hết lòng với sự nghiệp trồng người của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm coi trọng, tạo điều kiện để ngành giáo dục phát triển, phát huy vai trò quan trọng là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới... tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội luôn quan tâm, giám sát, chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan hữu quan có những giải pháp thiết thực để tạo ra những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
Với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, nhất là nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, nhất là Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, ngành giáo dục cần tích cực tham mưu, đóng góp những ý kiến, đề xuất, định hướng, nội dung thiết thực, phù hợp thực tiễn phát triển ngành cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và sau Đại hội đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.
Theo đó, tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành, các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, kinh tế số. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động…
Tăng cường kiểm định chất lượng, chú trọng kiểm định quốc tế các cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo. Quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho người dân…
Bên cạnh đó, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, chú trọng quản lý giáo dục trên môi trường mạng.
Hơn nữa, cần chú ý phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện. Có cơ chế đãi ngộ về vật chất và tinh thần nhằm bảo đảm cuộc sống của giáo viên để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác. Tăng cường giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế - xã hội nước ta có sự biến chuyển cả tích cực và tiêu cực như: kinh tế đi lên, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, vô cảm, ích kỷ...
Theo Chủ tịch Quốc hội, điều này đòi hỏi một mặt, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sư phạm để thích ứng với tình hình mới; một mặt, phải luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách, hoàn thành trọng trách chèo lái "con thuyền tri thức" của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tất cả các thầy giáo, cô giáo luôn đủ sức khỏe, lòng nhiệt huyết, niềm tin, để tiếp tục yêu nghề, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp cao cả, xứng đáng là những “người đưa đò” thầm lặng mà vẻ vang.
Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu có mặt tại đây tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân nòng cốt, lan tỏa để có nhiều hơn nữa tấm gương về chuẩn mực đạo đức, sự tận tâm, tận tụy với nghề, truyền “ngọn lửa” nhiệt huyết, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, những đổi mới, sáng tạo; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống hiếu học của cha ông; thổi bùng niềm tin, khát vọng đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/74 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Có được kết quả nêu trên là do sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. |
Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức kinh tế, xã hội cùng các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành, đề cao trách nhiệm trong việc phối hợp chăm lo phát triển giáo dục, góp phần nâng cao những thành tựu của sự nghiệp “trồng người”; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục. (Phát biếu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp sáng nay) |
Nguồn: nhandan.com.vn