KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 24/03/2015 - Lượt xem: 296
Chuyện ở làng kháng chiến

Trong sách “Lịch sử Quân sự huyện Văn Giang” do Ban Chỉ huy quân sự huyện ấn hành năm 2014, có nhiều đoạn nói về cuộc chiến đấu anh dũng của du kích làng Như Phượng Thượng (xã Long Hưng). Nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Lực lượng Dân quân tự vệ (28/3/1935 - 28/3/2015), Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin trân trọng một vài chuyện chiến đấu chống thực dân Pháp của du kích làng Như Phượng Thượng trong tác phẩm truyện ký của tác giả Đông Trang- một đảng viên gần 70 năm tuổi Đảng, đã từng tham gia kháng chiến trong vùng địch hậu ở Văn Giang.

1- Làng kháng chiến

         Xung quang làng Như Phượng thượng (còn gọi là Bạc Thượng, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) từ xưa đã có bờ đất dầy cao, trên là luỹ tre ken đặc. Dưới bờ đất phía  trong lại có ao, rãnh sâu. Ra vào làng chỉ có 2 cổng tiền và hậu, cánh cổng gỗ lim chắc chắn. Sáu xóm trong làng hầu hết là nhà tranh vách đất, chỉ có khảng chục  ngôi nhà ngói, thông nhau qua những lối đi nhỏ hẹp và những bụi tre um tùm. Gần cổng trước của làng là ngôi đình lớn có sân rộng họp chợ hàng ngày.

       Từ khi giặc Pháp chiếm đóng Văn Giang, chúng ra sức lập đồn bốt, lập hội tề trong các làng. Để bảo vệ  bốt Cầu Bùi, chúng đốt phá sạch làng Như Lân, tạo nên một vùng quang rộng. Cơ sở cách mạng hầu như tan rã hết, số ít cán bộ còn lại phải hoạt động bí mật ngày ẩn náu hoặc chui hầm, đêm đi tuyên truyền gây dựng lại tổ chức. Sau Hội nghị Quyển Sơn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hưng Yên, Huyện ủy Văn Giang chỉ đạo cán bộ địch hậu cùng lực lượng du kích tăng cường gây dựng, củng cố cơ sở cách mạng, phá rã hội tề.  

      Đến năm 1953, chiến tranh du kích ở Văn Giang phát triển mạnh, ta và  địch quần  nhau trong thế cài răng lược. Du kích huyện và xã đã biến Như Phượng thành làng kháng chiến, củng cố lại lũy tre bờ đất, đào thêm hầm hào, đặt bẫy chông, mìn trên lối đi trong và ngoài làng.

      Địch quyết nhổ cái đinh trước mắt, chúng liên tục càn quét, càn đi soát lại hàng trăm lần, ném bom phá, bom na-pan đốt cháy gần 300 nhà trong thôn khiến làng xóm hoang tàn, xơ xác, dân làng phải sơ tán sang các làng  thuộc xã Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc chỉ đến đêm mới bí mật về cày cấy.          

       Với phương châm lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy thô sơ đánh hiện đại, đem gan dạ mưu trí thắng hung tàn bạo ngược, được Bí thư Huyện uỷ kiêm Chính trị viên Huyện đội Văn Giang Võ Văn Trà trực tiếp chỉ đạo, tiểu đội du kích Bạc Thượng gồm 9 người (5 nam, 4 nữ ) do thôn trưởng Nguyễn văn Phùng chỉ huy, trong 403 ngày đêm liên tục đã cùng du kích huyện đã chống 152 trận càn, diệt 137 địch, làm bị thương 163 tên, đoạt được một tiểu liên và nhiều loại vũ khí của địch. Trong đó, đã có nhiều trận chủ động táo bạo kỳ lạ để giữ làng và bảo vệ nhân dân. Nhờ những chiến công ấy, Như Phượng Thượng đã được tỉnh, huyện tuyên dương: “Đội du kích đánh giặc giỏi, sản xuất tài” và  Quân khu Ba tặng:

                                        Bạc Thượng bờ đất tre xanh ,

                                        Trong vùng địch chiếm là thành chống Tây,

                                        Chiến đấu 19 trận một ngày

                                        Có 9 du kích đánh Tiểu đoàn Tây chạy dài .

2- Chống càn  quyết liệt

Ngày 12/5/1953, từ sáng sớm, một tiểu đoàn lính lê dương đã bủa vây làng Như Phượng Thượng. Ở phía cổng chính, khi địch cách làng 200m, du kích thôn và huyện từ trong luỹ tre bắn ra chặn lại. Điên cuồng, địch dùng đại liên và súng các cỡ quạt liên hồi hòng chiếm ưu thế. Ta ngừng súng dụ địch, đợi chúng đến gần liền đồng loạt bắn ra khiến nhiều tên bị thương vong, cả bọn hoảng loạn chạy lùi, cứ thế quần nhau suốt ngày.

         Trong hàng ngũ địch có nhiều tên nắm được địa hình của Như Phượng Thượng. Tưởng ta sơ hở, chúng cho một toán tạt xuống cánh đồng bò sát vào làng định bất thình lình vượt qua bờ tre tập kích phía sau. Nhưng từ trong luỹ tre ta đã thấy rõ, quăng lựu đạn ra ngoài, khiến địch hoảng hốt, cuống cuồng chạy vội, đứa bị vướng mìn, đứa sa hầm chông kêu la inh ỏi khiến những tên khác mất tinh thần, mồm thì hò hét “A-la-sô” nhưng chẳng tên nào dám tiến gần làng nữa.

        Hết ngày, địch rút về các đồn bốt quanh vùng khiêng theo hàng chục tên tên chết, bị thương, có cả những tên dính theo chông nhọn đang kêu oai oái. Ta  bắn đuổi theo khiến chúng co giò thi nhau chạy gấp.

        Đoán địch có thể đánh trả thù, đêm ấy du kích lại củng cố hầm hào, đặt thêm  chông mìn cạm bẫy, cắt cử canh gác các hướng nghiêm ngặt.

        Quả nhiên, đúng như dự đoán, ngày 14/5, trời nắng như thiêu, quân Pháp lại tổ chức vây làng. Chúng chia thành nhiều tốp, tấn công nhiều ngả. Nhưng khi mấy tên hung hăng xông xáo bị vướng mìn và bị hỏa lực ta chặn lại, giặc Pháp chỉ ở bên ngoài nã súng chờ đợi.

         2giờ chiều, 6 máy bay từ sân bay Gia Lâm được điều đến, điên cuồng bắn phá. Khắp làng bốc cháy, trên 200 nóc nhà tranh biến thành tro tàn, lũy tre xơ xác, lửa khói ngùn ngụt mịt mù. Du kích buộc phải rút hết xuống hầm bí mật. Đến xế chiều, địch tràn vào làng lùng xục, khua khoắng. Nhưng những hầm chông, bẫy mìn tiếp tục khiến nhiều tên địch tiếp tục đền tội. Trời dần tối, không dám ở qua đêm, chúng vội vã rút lui.

Đoán địch còn tiếp tục càn, du kích huyện rút xuống Bạc Hạ để yểm trợ, cử hai đồng chí Thân, Tưởng cùng đồng chí Trưởng du kích thôn Bạc Thượng Nguyễn Văn Phùng tiếp tục củng cố lại trận địa, sẵn sàng đón địch.        

Ngay sáng 15/6, một trung đội nguỵ quân mang xăng kếp về định đốt tiếp những nhà chưa cháy. Đến đầu làng, địch bắn ran ran một chập thăm dò động tĩnh. Trong làng vẫn im ắng như tờ, cổng làng đồ sộ có một cánh hé hờ giống như làng chẳng còn người. Địch sợ phục kích, không dám tiến vào.

     Ba chiến sĩ du kích (Phùng, Tưởng, Thân) theo dõi chúng ngay từ sáng sớm. Thấy lực lượng địch toàn bọn nguỵ quân liền bàn nhau mỗi anh mỗi phía, phục sau cổng làng dự định dùng lựu  đạn tiêu diệt một số tên trước khi rút về hầm bí mật.

Phía địch, do vẫn còn nghi hoặc nên không dám xông vào làng. Mấy tên chỉ huy tụm lại bàn bạc. Lúc sau, một tên lăm lăm súng cầm tay hung hăng xông lên nghênh ngang bước vào cổng làng.

Nguyễn Văn Phùng nép sau cánh cổng khép hờ. Khi tên ngụy vừa bước chân qua cổng thì đã bị một cánh tay cứng như thép kẹp ngay cổ, lôi tuột vào trong. Hắn chưa kịp định thần thì đã bị một quả đấn như trời giáng vào mặt, tay bị bẻ quặt ra sau và lôi xuống giao thông hào. Hai anh Tưởng, Thân nhanh chóng hỗ trợ trói chặt tên giặc, giải xuống Bạc Hạ giao du kích huyện.

Toán quân đợi ngoài thấy tên thám báo vừa bước vào đã mất  tăm thì biết ngay có chuyện. Chúng đồng loạt nổ súng, ào ạt xông vào nhưng gần đến cổng thì bị lựu đạn tung ra, khiến một tên bị thương kêu như  bò rống. Cả cánh quân chững lại nằm rạp bên đường. Sau khi vãi đạn hàng tiếng không thấy gì, chúng mới la hét dò dẫm vào làng chia quân đi lùng xục, dùng xăng và kếp đốt nốt những ngôi nhà ngói và đình chùa còn sót. 

Trời đã xế chiều, đông chí Phùng lại tiếp tục từ Bạc Hạ  theo giao thông hào lần về nắm tình hình. Vừa nhô lên đường cái, bất chợt đồng chí chạm trán một toán địch đang tiến ra đốt miếu. Một tên nhác thấy bóng người, hét to: “Việt Minh”. Địch rầm rập lao tới. Phùng vội quăng một quả lựu đạn về phía địch khiến chúng hốt hoảng nằm ép xuống dệ đường, thừa cơ anh tạt ngang vào miếu, chạy ra phía sau trèo ngay lên cây quéo cổ thụ giữa tiếng đạn veo véo xả theo. Vừa đúng lúc bọn địch đuổi theo đến cửa miếu, hò nhau “Nó vừa chạy vào miếu, phá cửa vào bắt sống!”. Chúng sục các khe ngách, dẫm thình thình trên nền, hét nhau vơ rơm rạ cây củi xung quanh, ném xăng kếp vào đốt. Có thằng phởn chí reo to “Mày không ra cho mày chết  thui”. Có thằng lại sợ: “Cẩn thận, nó vọt hầm lên quăng lựu đạn chết cả lũ bây giờ !” 

       Khói từ làng bay ra cộng với lửa khói trong miếu bốc lên mù mịt che kín cả cây quéo phía sau. Bọn giặc tỏa ra xăm các lùm cây tìm hầm bí mật, thằng nào cũng tìm cớ lảng xa  nơi lửa khói. Địch không thể ngờ rằng, giữa chạc ba cây quéo cổ thủ ấy có một hốc chui lọt thân người, Phùng thò đầu lên để quan sát mà chúng vẫn không hề hay biết.

Một lúc, nghe súng lệnh phía trong làng, bọn địch lục tục kéo nhau rút ra khỏi miếu. Chúng tập hợp lực lượng về bốt trong hằn học vì bị thiệt mạng một tên và mất tích một tên …

Đông Trang

(Còn tiếp)

 

 

Tin liên quan