Những ngày tháng Tư lịch sử, hòa trong không khí hào hùng của Kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi dự định tìm hiểu về những đóng góp của tỉnh Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đem chuyện này tham khảo ý kiến thạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, anh đã chỉ cho chúng tôi tìm đến một nhà viết sử “lão làng”, một “cây tư liệu sống” về các sự kiện trong lịch sử quân sự Hưng Yên
1- Từ trận đầu bắn hạ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh
Ở tuổi ngoài 80, nhưng cụ Phạm Hùng Thái- nguyên Trưởng ban Khoa học- Lịch sử Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng vẫn còn tráng kiện và minh mẫn lắm. Qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với vai trò là người nghiên cứu lịch sử quân sự của Tỉnh đội, cụ Thái đã từng lưu dấu chân mình hầu như ở khắp các thôn cùng, ngõ hẻm trong tỉnh Hưng Yên. Từ những chuyến đi ấy, những sự kiện lịch sử của quân dân Hưng Yên trong các cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc đã được ghi lại một cách cẩn trọng và để lại cho hậu thế. Cụ Thái là chủ biên của cuốn “Lịch sử Hưng Yên kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược”, tham gia biên soạn “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hưng Yên” và nhiều cuốn sách khác.
Nhưng, sau khi nghe chúng tôi trình bày ý định của mình, cụ Thái đã “giới thuyết” ngay: “Nói về đóng góp của Hưng Yên vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì dài lắm, nhiều lĩnh vực lắm. Tôi chỉ cung cấp tư liệu một số sự kiện tiêu biểu mà tôi đã được chứng kiến với tư cách một người viết sử quân sự thôi”. Theo mạch chuyện của cụ Thái, những năm tháng sôi động của một thời hoa lửa như ào ạt hiện về…
Sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ mở rộng chiến tranh, leo thang ra đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu phá hoại sản xuất, phong tỏa các hướng tiếp viện cho chiến trường miền Nam, máy bay Mỹ đã tăng cường ném bom, bắn phá các trụ sở hành chính, cảng, kho bãi, các tuyến giao thông quan trọng. Chính vì thế, tuyến đường số 5 nối Hà Nội- Hải Phòng thường xuyên hứng chịu các cơn mưa bom của không quân Mỹ, nhiều nơi trở thành “tọa độ chết” như cầu Lai Vu, cầu Phú Lương… Song song với khắc phục tuyến đường bộ, ta chuyển sang đường thủy. Sông Luộc, sông Hồng trở thành tuyến vận tải quan trọng. Với các thiết bị trinh thám diều hâu tối tân lúc ấy, giặc Mỹ cũng dần phát hiện ra tuyến đường này. Trong các ngày hạ tuần tháng 7 năm 1966, khu vực kè Mai Xá (Tiên Lữ), nơi các tàu hàng của ta thường neo đậu bỗng xuất hiện nhiều máy bay trinh sát của địch bay qua lại. Theo dõi quy luật hoạt động của chúng, phán đoán trong một vài ngày tới địch sẽ tập trung bắn phá kè Mai Xá, chiều 31/7/1968, Tỉnh đội Hưng Yên báo động chiến đấu. 8 khẩu đội súng 12ly 7 thuộc Đại đội 22 của Tỉnh đội, 12 người phân đội dân quân trực chiến xã Trung Dũng và 16 người thuộc phân đội trực chiến xã Cương chính với 2 khẩu đại liên, 1 trung liên, 13 súng trường được điều động vào trận địa. Trong đó, cụm 5 súng 12 ly 7 do đồng chí Tị chỉ huy được bố trí ở kè Mai Xá, cụm 3 khẩu 12ly 7 do đồng chí Mão chỉ huy được đưa ra bến đò, cách cụm 1 trên 300 mét. Cả hai cụm đều ở tư thế đón hướng, tạo thành góc P = 0, chặn góc bổ nhào của máy bay địch. Các phân đội dân quân Cương Chính, Trung Dũng được bố trí trên đê, tạo thành thế chân kiềng sẵn sàng chờ địch.
Dân quân xã Cương Chính (Tiên Lữ)- đơn vị góp phần bắn rơi máy bay Mỹ tại kè Mai Xá
10 giờ 30 phút ngày 1/8/1966, máy bay địch từ phía Đông Nam trận địa kéo đến. Đội hình của chúng gồm một tốp F4 trên cao hòng đối phó với không quân ta, yểm trợ cho tốp A4D phía dưới cắt bom và phóng rốc- két. Đến khu vực kè Mai Xá, một chiếc A4D bổ nhào đến độ cao 800m liền bị lưới lửa của các phân đội dân quân tự vệ chặn lại, nên phóng rốc- két chệch mục tiêu. Khi chiếc A4D thứ hai bổ nhào đến thì các loại súng máy, súng trường của ta tập trung hỏa lực, đồng loạt nhả đạn bủa vây. Chiếc máy bay này chưa kịp phóng đạn đã bốc cháy ngay trên bầu trời sông Luộc nhưng vẫn cố lao về phía biển, kéo theo một vệt khói lớn. Mãi chiều hôm đó, cán bộ, chiến sĩ cụm phòng không Mai Xá mới nhận được thông tin, chiếc máy bay bốc cháy lúc trưa đã bị rơi xuống biển.
Bằng súng bộ binh, quân dân Hưng Yên đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ. Với chiến công này, Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; Đại đội 22, phân đội dân quân trực chiến xã Cương Chính, Trung Dũng được tặng thưởng Huân chương chiến công. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã làm Huy hiệu “1-8” để ghi nhớ trận đầu bắn hạ máy bay Mỹ.
2- …Đến tên giặc lái đầu tiên bị bắt
Rót thêm trà cho khách, cụ Thái hơi trầm ngâm như sắp xếp lại kí ức của những năm tháng sôi động đang cuồn cuộn tràn về. Rồi, như để câu chuyện thêm mạch lạc, cụ xé tờ lịch trên tường, kê ra những lần máy bay Mỹ bị quân ta hạ gục và rơi trên mảnh đất xứ Nhãn. “Trận bắn rơi máy bay ở Khoái Châu cũng là một trận tiêu biểu các cậu ạ. Nó “hay” là máy bay địch bị hạ gục tại chỗ và ta bắt sống được phi công địch”.
Ngày ấy, để tránh máy bay địch mà vẫn lưu thông hàng hóa, vũ khí giữa cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Nam, ta ở thêm nhiều tuyến đường quân sự mới, nhiều tuyến cầu phao, phà qua sông Hồng. Ở mạn bắc Hưng Yên có hai tuyến đường quan trọng, một tuyến qua Văn Giang đến phà Khuyến Lương (xã Văn Đức, Hà Nội) và phà Mễ Sở. Khu vực phà Mễ Sở có nhiều chân hàng, lưu lượng xe cộ qua lại nhiều nên giặc đánh hơi phát hiện và tập trung đánh phá. Từ 10/11/1967, Huyện đội Khoái Châu đã tập trung dân quân về bảo vệ phà. Trong một tuần, các đơn vị đã tổ chức bắn trả địch 4 trận nhưng không hiệu quả. Nóng ruột, Huyện đội trưởng Nguyễn Văn Thuấn trực tiếp xuống trận địa. Sau khi quan sát các hướng trong trận đánh giữa ta và địch, Huyện đội trưởng Thuấn phát hiện ra rằng, máy bay Mỹ luôn lợi dụng hướng mặt trời để bổ nhào cắt bom. Do ngược sáng, chói mắt, các lực lượng phòng không ta nhắm bắn rất khó trúng. Sau khi tính toán, Huyện đội trưởng quyết định chuyển toàn đại đội với 6 khẩu 12ly 7 xuống bãi Lâm Sản (gần đền Đa Hòa) bày thế trận mới, sẵn sàng đón địch.
13 giờ ngày 17/11/1967, như thường lệ, tốp máy bay A4D lượn một vòng qua Mễ Sở rồi bổ nhào ném bom bến phà và khu vực lân cận. Bom nổ sát trận địa, đền Đa Hòa bị sạt mất một phần hậu cung, nhưng đại đội vẫn quyết tâm tập trung hỏa lực bảo vệ bến phà. Khi một chiếc A4D bổ nhào ở độ cao 500 mét, các loại súng của ta đồng loạt nhả đạn. Bị trùm lưới lửa, chiếc máy bay bốc cháy dữ dội, chỉ còn kịp bay thêm khoảng 8km là bị rơi trên địa bàn xã Tân Châu. Tên giặc lái Uyn- Xơn nhảy dù ra, bị dân quân ta bắt sống. Với chiến công này, Đại đội dân quân trực chiến huyện Khoái Châu đã được tặng thưởng Huân chương Quân công. Đích thân đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về trận địa biểu dương tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chiến đấu.
Có một câu chuyện, có lẽ là giai thoại, mà nay ít người nhắc đến, đó là khi bắt tên giặc lái, ta thực hiện chính sách nhân đạo đối với tù binh, không trói chặt lắm. Khi bị áp giải qua bến phà Mễ Sở để về Hà Nội, Uyn Xơn đã tuột được dây trói, vọt xuống sông lặn một hơi rồi ẩn nấp trong một bụi lau ven bờ. Hắn không thể ngờ được rằng, cuộc trốn chạy đó của hắn vô ích. Chỉ chưa đầy một buổi sau, không cần đến các lực lượng an ninh, quân sự chính quy, mà một bác nông dân bình thường thôn Đa Hòa đã tóm gọn Uyn Xơn. Cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã khiến không lực Hoa Kỳ khiếp đảm có lẽ cũng được góp phần bởi những chi tiết đời thường như thế.
3- “Nghìn hai bón gốc nhãn lồng”
Với địa bàn là cửa ngõ phía Đông Nam của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, trong lịch sử, Hưng Yên đã được coi như một “phụ quách” của kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hưng Yên vừa là vùng trời cho không quân ta tác chiến, vừa là nơi tập kết các trận địa phòng không mạnh tạo thành lưới lửa ngăn chặn máy bay địch bắn phá thủ đô Hà Nội. Quân dân Hưng Yên (và sau này là quân dân tỉnh chung Hải Hưng) đã cùng với bộ đội chủ lực thực hiện nghiêm túc điều lệnh hiệp đồng chiến đấu, tuân thủ chặt chẽ các quy định về thông báo bay, nổ sung bắn máy bay, bắt giữ giặc lái nhảy dù… làm nên những chiến công hiển hách được ghi vào lịch sử dân tộc.
Xác máy bay Mỹ rơi tại Khoái Châu ngày 17/11/1967
Đó là những ngày tháng sôi động của cuộc chiến tranh chống địch leo thang phá hoại. Trong không khí tưng bừng của những người dùng vũ khí còn thô sơ hạ gục được lũ giặc lái thiện chiến được trang bị vũ khí tối tân, nhà thơ Thanh Tịnh, lúc ấy đang phụ trách Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã có một bài thơ lục bát về những chiến công ấy. Ông tự đặt ra những quy định ngặt nghèo cho bài thơ như trong một nhịp lục bát, phải nói được đó là chiếc thứ bao nhiêu, rơi ở địa phương nào, do lực lượng nào của ta bắn hạ, không chiến ở đâu… Chiếc máy bay Mỹ đầu tiên rơi trên địa bàn Hưng Yên là chiếc thứ 1.200 bị bắn hạ trên miền Bắc, Thanh Tịnh có liền câu thơ:
Nghìn hai bón gốc nhãn lồng
Hưng Yên “én liệng” sáng dòng Chương Dương
Ấy là chiếc máy bay bị một máy bay Mig- 17 của ta bắn hạ, ngày 15/7/1966.
Từ chiếc đầu tiên ngày 15/7/1966 đến chiếc cuối cùng tháng 12/1972, mảnh đất Hưng Yên (Hải Hưng sau này) đã trở thành mồ chôn 85 máy bay giặc. Đặc biệt, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, một chiếc pháo đài bay B52 đã bị bắn cháy trên bầu trời Hưng Yên và rơi xuống sông Luộc. Cùng với bộ đội không quân, bộ đội tên lửa, cao xạ, dân quân Hưng Yên bằng súng bộ binh, bằng hàng nghìn quả bóng khinh khí đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ thủ đô yêu dấu từ cửa ngõ phía Đông- Nam. Có những ngày máy bay Mỹ bị “rụng như sung” trên đồng đất Hưng Yên. Như ngày 19/5/1967, trạm tên lửa đóng quân tại Long Hưng (Văn Giang) bắn hạ tới 10 chiếc, ngày 22/6/1967, ta hạ 4 máy bay giặc. Hầu như khắp tỉnh, huyện nào cũng có máy bay giặc rơi, chiếc nát vụn, chiếc còn giữ được hầu như nguyên vẹn.
Nhân dân các thôn Tè, Cốc (Kim Động) áp giải giặc lái Mỹ về thị xã Hưng Yên
Điều kỳ thú là, xác máy bay địch vương vãi đã được bàn tay tài hoa người dân mài giũa, chế tác thành những chiếc lược nhôm hay những chiếc thìa, dĩa dung dị, như biểu tượng khát vọng của những người yêu hòa bình, luôn mong mỏi vũ khí giết chóc được đổi thành vật dụng hiền hòa có ích cho đời.
*
Câu chuyện của người viết sử có lẽ cứ dài mãi nếu không có điện thoại gọi chúng tôi về. Trên con đường 39 thông thênh trải dài về thành phố Hưng Yên, qua mỗi một địa danh quá đỗi thân thuộc, bỗng dưng chúng tôi cảm thấy bỡ ngỡ như thấy thêm nhiều điều mới mẻ. Tưởng như đâu đây, hào khí của một thời máu và hoa oanh liệt vẫn cuộn cuộn trong từng tấc đất quê hương…
(Còn nữa)
A Ma Minh