Ý thức được tầm quan trọng của công tác nắm bắt dư luận xã hội đối với việc tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, từ năm 2010, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo ý kiến về việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội 3 cấp trong tỉnh với 215 đồng chí, đồng thời tham mưu chế độ hoạt động cho cộng tác viên với mức 100.000 đồng/người/tháng.
Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội cho đội ngũ cộng tác viên toàn tỉnh (tháng 10/2019).
Thực hiện Kết luận số 100 - KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư khóa IX và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn và tiến hành kiện toàn đội ngũ; cộng tác viên chuyển từ 3 cấp sang còn cộng tác viên cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó cấp tỉnh có 30 đồng chí; cấp huyện có 185 đồng chí (mỗi đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh có 01 cộng tác viên và mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cộng tác viên). Sau khi đội ngũ cộng tác viên được kiện toàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo cấp huyện đã ban hành Quy chế hoạt động đối với cộng tác viên; định kỳ tiến hành giao ban dư luận xã hội và yêu cầu cộng tác viên thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định (báo cáo hàng tháng và báo cáo nhanh khi có vấn đề phát sinh dư luận xã hội hoặc nguy cơ phát sinh điểm nóng).
Để nâng cao kỹ năng công tác, sau khi được kiện toàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác nắm bắt dư luận xã hội cho đội ngũ cộng tác viên toàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, căn cứ nhu cầu thực tế của cộng tác viên, Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cũng đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nắm bắt và tổng hợp báo cáo dư luận xã hội.
Hàng tháng, trên cơ sở thông tin báo cáo của cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong tỉnh, Ban Tuyên giáo cấp huyện và tương đương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổng hợp báo cáo tình hình tư tưởng và dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân gửi Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; kịp thời tổng hợp báo cáo nhanh khi có vấn đề phức tạp phát sinh (năm 2019 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có 02 báo cáo nhanh về vụ việc nữ sinh ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi bị bạn đánh).
Bên cạnh việc tổng hợp báo cáo, trên cơ sở ý kiến phát sinh từ dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng (có liên quan đến vấn đề phát sinh dư luận) để định hướng dư luận bằng các hình thức như: định hướng tại hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban báo chí, định hướng bằng công văn, nhờ đó, một số băn khoăn, vướng mắc trong dư luận xã hội được làm rõ, được giải tỏa (năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có 02 công văn định hướng dư luận xã hội về hiện tượng búp bê Kuman Thong; định hướng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chăn nuôi gia súc sau vụ việc cháu bé trú tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động bị tử vong do chó cắn).
Phương thức nắm bắt dư luận xã hội của đội ngũ cộng tác viên, của Ban Tuyên giáo các cấp ngày càng phong phú hơn. Ngoài việc cộng tác viên nắm bắt trực tiếp thông qua hoạt động giao tiếp hàng ngày với các tầng lớp nhân dân, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp còn chủ động nắm bắt qua thông tin từ báo chí, mạng xã hội. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo một số huyện ủy, thị ủy, thành ủy thành lập nhóm zalo; cộng tác viên trong nhóm thường xuyên thực hiện việc thông tin nhanh dư luận xã hội; trao đổi, thông tin qua lại về các vấn đề phát sinh dư luận xã hội ở các ngành, các địa phương, nhờ vậy việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội với cấp ủy, chính quyền và ban tuyên giáo các cấp nhanh chóng, kịp thời hơn.
Có thể khẳng định rằng, thông qua các báo cáo dư luận xã hội hàng tháng, Ban Tuyên giáo cấp huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cùng các cấp, ngành trong tỉnh tổng hợp những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, trong đó có cả mặt tích cực và những băn khoăn, góp phần cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp ủy, chính quyền và của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư, công tác dư luận xã hội của tỉnh vẫn còn có mặt hạn chế như: việc chi chế độ hoạt động cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong tỉnh hàng tháng còn chưa đạt mức 0,3 mức lương cơ sở theo Hướng dẫn số 167 – HD/BTGTW ngày 26/12/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương; vẫn còn tình trạng có một số vụ việc gây bức xúc dư luận ở địa phương, song cộng tác viên còn để Ban Tuyên giáo các cấp nhắc nhở mới tổng hợp báo cáo; một số báo cáo dư luận xã hội chất lượng chưa cao.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW trên địa bàn tỉnh Hưng Yên về công tác dư luận xã hội cho thấy, ở đâu, cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng công tác nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội, tạo điều kiện để cộng tác viên hoạt động sẽ tạo động lực để ban tuyên giáo các cấp và cán bộ làm công tác dư luận xã hội hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, hướng dẫn của ban tuyên giáo các cấp đối với đội ngũ cộng tác viên và công tác xây dựng đội ngũ, lựa chọn được những cộng tác viên nhiệt tình, trách nhiệm sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội, góp phần cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Lưu Vân