Từ thực tiễn 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong Bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm đã được Đảng ta tổng kết, trong đó bài học kinh nghiệm thứ nhất là “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Kế thừa, phát huy những kết quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI và xuất phát từ tình hình thực tế, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Trong những năm tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với tinh thần đó, Đại hội XII đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bổ sung nhiều nội dung mới so với Đại hội XI, cụ thể: 1) bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; 2) bổ sung hai nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đổi mới, tăng cường công tác Dân vận của Đảng; chú trọng công tác tổng kết thực tiễn; nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội xác định trong nhiệm kỳ thì có 2 nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và được xếp ở vị trí thứ nhất, thứ hai: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm Đại hội XII đề ra, Ban Chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa ở 4 Hội nghị Trung ương (4, 6, 7, 8) và ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định để triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ các nội dung của công tác xây dựng Đảng. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất được Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa ở Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 7 và ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”trong nội bộ”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai được Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa ở Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 8 và ban hành Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa, cụ thể hóa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để thực hiện, nhất là công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ - khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” . Các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được các cơ quan chức năng của Nhà nước kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, làm căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và kết hợp chặt chẽ các nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Cụ thể là:
Thứ nhất, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đồng thời, bổ sung và nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương nhận diện và chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc Trung ương chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, vừa là hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh; vừa là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận lại mình, tự soi, tự sửa, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân và giúp đỡ các đồng chí khác có biểu hiện suy thoái cùng tiến bộ. Theo đó, hàng năm mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cách mạng và tích cực phấn đấu trong công tác cũng như trong cuộc sống. Qua thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay; tích cực đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao và xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, với tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 4/2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.100 tổ chức đảng và 72.838 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật bằng các hình thức hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức và nguyên chức), trong đó có hơn 20 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 20 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội và Công an, trong đó có một số phải xử lý bằng pháp luật, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
Thứ hai, cùng với việc chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đấu tranh chống suy thoái,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành hai nghị quyết (số 18, 19) về“Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm, đã được triển khai từ nhiều năm trước nhưng kết quả còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, thì trong nhiệm kỳ này đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, có tính đột phá.
Chỉ hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 7 tổng cục; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương được 5.889 phòng và tương đương; 5.180 tổ, đội và 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập… Các tỉnh, thành phố đã giảm hơn 100 đầu mối trực thuộc tỉnh, gần 5000 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã và hơn 15.354 thôn, tổ dân phố; giảm gần 7.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và hơn 222.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. |
Qua đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm bớt đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm cấp “hàm”, giảm thủ tục hành chính, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, xuất phát từ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ - khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết 20 năm thực hiện“Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và ban hành Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” để thực hiện, nhằm đổi mới mạnh mẽ tất cả các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đổi mới đánh giá cán bộ. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Có thể nói, Nghị quyết số 26 của Trung ương về công tác cán bộ như là một Chiến lược cán bộ của Đảng ta trong thời kỳ phát triển mới, bởi nội dung và nhiệm vụ Nghị quyết đề ra để thực hiện đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và dành nhiều thời gian, công sức cho việc bổ sung, sửa đổi, ban hành các quy định, quy chế về xây dựng Đảng để thực hiện. Chỉ tính trong ba năm đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 130 văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để thực hiện (nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo, quy định, quy chế, quy trình, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn...) và từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Trong các quy định, quy chế được ban hành, có nhiều nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện, như: việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có thời hiệu, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; việc đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình 5 bước; việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; quy định về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá đối với cán bộ diện Trung ương quản lý; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương... Do đó, công tác cán bộ đã được đổi mới khá toàn diện, từng bước đi vào nền nếp, khắc phục được nhiều hạn chế, khuyết điểm kéo dài trong một số nhiệm kỳ trước đây.
Thứ ba, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” được chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng và quyết liệt, với tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai, cảnh tỉnh, đúng quy định của pháp luật, đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên và khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực.
Riêng các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 35.000 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến 30/6/2019, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử 44 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với hơn 500 bị cáo, trong đó có 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo bị phạt tù 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 15 bị cáo, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao. |
Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có thể khẳng định rằng, những kết quả toàn diện, đồng bộ, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả tổng hợp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Nguồn: http://tuyengiao.vn
.