Hơn 90 năm qua, kể từ ngày thành lập, Đảng ta đã có 12 kỳ đại hội. Nhắc lại các sự kiện đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định thêm một lần nữa, mỗi kỳ đại hội là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử và đại hội lần này “chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”. Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn bao quát tất cả các mặt của đời sống, nhưng không phải là tổng kết một lĩnh vực, một ngành nào mà qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là rút ra các bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đó là trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; đó là, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện để vừa đáp ứng những mục tiêu cấp bách, giải quyết dứt điểm những yếu kém, vừa xây dựng đồng bộ thể chế phát triển để thực hiện mục tiêu lâu dài...
Những bài học kinh nghiệm ấy không phải chỉ được rút ra trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà là sự chắt lọc của suốt quá trình đổi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận sâu sắc và kế thừa, bổ sung phát triển từ những nhiệm kỳ đại hội trước với một tư duy khoa học, một tinh thần, trách nhiệm cao và tấm lòng tâm huyết với Đảng, với dân. Để chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội, để hiện thực hóa các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đại hội đề ra, những kinh nghiệm đó luôn là lời nhắn nhủ quý giá đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cách thức, lề lối làm việc, tổ chức hoạt động thực tiễn.
Qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có thể nhận thấy một cách nhìn khách quan, đánh giá toàn diện các lĩnh vực công tác, khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng; nêu bật những thành tựu đất nước đạt được để vững niềm tin, tạo khí thế hướng tới tương lai, nhưng cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm để cảnh tỉnh cho bước đi của những chặng đường tiếp theo không vướng vào vết xe đổ ấy. Có những yếu kém trước đây gần như không công khai nhắc đến, chỉ gần đây và trong bài viết lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói thẳng: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Yếu kém, khuyết điểm đó nếu không được giải quyết triệt để sẽ là một trong những nguy cơ khôn lường ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị mà trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải có quyết tâm rất cao, đoàn kết thống nhất cùng hành động quyết liệt hơn nữa mới khắc phục được. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế,… của Đảng, Chính phủ được ban hành nhằm khắc phục tình trạng đó, như Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về trách nhiệm nêu gương; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm,… Trên thực tế cũng chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương đương bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự như nhiệm kỳ vừa qua. Hầu hết các vụ việc, vụ án xảy ra đều do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ (một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng), hoặc núp bóng cấp ủy, lợi dụng chức quyền để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có thể nói hệ thống văn bản, chế tài xử lý không thiếu; cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài, việc xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý là rất nghiêm minh. Song, dường như cả hành lang pháp lý đó và sự nghiêm minh trong xử lý cán bộ vi phạm đối với một số ngành, địa phương chưa đủ sức răn đe, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, tham ô, hối lộ, chạy chọt chưa thật sự được đẩy lùi, vẫn là nỗi lo lắng của nhân dân. Tin rằng lời cảnh báo nêu trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ được đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, nhất là Đại hội XIII của Đảng tập trung phân tích, thảo luận thấu đáo, tìm ra nguyên nhân vì sao, để đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả, từng bước xây dựng và thực hiện bằng được cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước, để mọi quyền lực thật sự thuộc về nhân dân.
Những lần chủ trì, làm việc với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII; với tập thể một số ban thường vụ cấp ủy, cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương hướng nhân sự; cũng như hai bài viết trước (Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều nêu rõ ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của mỗi đại hội và nhấn mạnh, Đại hội Đảng là bàn công việc của Đảng, đi sâu kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tất cả các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng không tốt, tiêu cực, yếu kém thì dù tiềm năng có giàu bao nhiêu chăng nữa, lợi thế có mạnh bao nhiêu chăng nữa cũng khó có thể khai thác để làm giàu mà có khi đi chệch hướng, thậm chí sai lầm, để lại hậu quả không lường được. Nếu Đảng không tốt, chính quyền không mạnh, pháp luật không nghiêm, nội bộ lủng củng, cán bộ thoái hóa biến chất thì làm sao dân tin để làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm sao phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là để Đảng đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện, chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Mỗi đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội.
Đại hội Đảng ở cấp nào cũng vậy, là một sự kiện trọng đại, có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới và định hướng phát triển toàn diện các mặt cho những năm tiếp theo. Song, việc kiểm điểm đánh giá đối với từng lĩnh vực không phải là một báo cáo chuyên môn, chuyên ngành dành cho hội nghị chuyên ngành mà là kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với lĩnh vực đó, bởi đây là đại hội Đảng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý như vậy. Bàn về kinh tế hay lĩnh vực nào cũng vậy là bàn về phương thức lãnh đạo, hiệu quả thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng từ khâu xây dựng nghị quyết, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết đến tổng kết nghị quyết, rút bài học kinh nghiệm để định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo tốt hơn,...
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi mở nhiều vấn đề lớn, quan trọng, đồng thời gửi gắm vào đó niềm tin tưởng lớn, toàn Đảng ta sẽ chuẩn bị và tiến hành tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Nguồn: https://nhandan.com.vn