KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Danh nhân Hưng Yên
Đăng ngày: 08/07/2021 - Lượt xem: 405
Danh sỹ Phạm Sỹ Ái - người con ưu tú của quê hương Mỹ Hào

Phạm Sỹ Ái, tự là Đôn Nhân, hiệu Nghĩa Khê, tên thụy là Đoan Trực, sinh năm Bính Dần (1806) tại xã Trung Chí (sau là Trung Lập), huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Ông may mắn sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, có cụ là Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân khoa Quý Dậu (1743) Phạm Sỹ Thuyên, làm quan đến chức Hàn lâm thị thư, khi về hưu giữ chức Cấp sự trung, tước bá đời Lê; cha là Phạm Sỹ Từ, tên húy là Từ Nghiệp, là một thầy thuốc nổi tiếng một thời, từng được vua phong tặng Phụng nghị đại phu[1] Hàn lâm viện Thị độc, giữ chức Phủ quân. Ngay từ nhỏ ông đã được quan tâm rèn dạy lễ nghĩa và tiếp xúc với sách thánh hiền.
Tại trường Nam Định, khoa thi Hương năm Mậu Tý (1828), niên hiệu Minh Mạng thứ 9, triều Nguyễn Phúc Đảm (1820-1841), cùng với 29 người khác, Phạm Sỹ Ái thi đỗ Cử nhân[2].
Vượt qua kỳ thi Hương, Phạm Sỹ Ái được cha mẹ cho lên Thăng Long, trực tiếp học tập với các thày nổi tiếng, trong đó có cụ Phạm Quý Thích. Ông cũng kết bạn với nhiều người, sau đều là những danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý…
Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1832) niên hiệu Minh Mạng thứ 13, triều Nguyễn Phúc Đảm (1820-1841), trên 300 cử nhân của cả nước về Huế dự thi, chỉ có khoảng năm chục người được vào thi Đình. Kết quả kỳ Điện thí ấy, có 8 người đỗ: hai Hoàng giáp và sáu Tiến sĩ. Phạm Sỹ Ái đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng Giáp), chỉ xếp sau Hoàng Giáp Phan Trứ[3], được vua ban biển sơn son thiếp vàng gồm 4 chữ “Ân tứ vinh quy”, lại được bia đá ghi danh tại Văn Miếu Huế.
Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tu soạn ở Hàn lâm viện trật Tòng lục phẩm, rồi Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị). Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, con đường quan lộ của ông mở rộng thênh thang, được triều đình trọng dụng, triệu về thăng chức Lại bộ Viên ngoại lang, sau lại thăng Lang trung. Năm 1838, ông được bổ làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1840, ông lại được triệu về đổi làm chức Binh bộ Lang trung Biện bộ vụ. Tháng 5 năm Canh Tý (1840), niên hiệu Minh Mạng thứ 21, gặp dịp mừng Ngũ tuần đại khánh, vua cho đặt Ân khoa, Binh bộ Lang trung Biện bộ vụ Phạm Sỹ Ái được nhà vua tin tưởng cử làm quan Chủ khảo, cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Nhượng làm Phó Chủ khảo khoa thi Hương ở trường thi Gia Định. Khoa thi này, lấy đỗ được 6 người, đều được bổ nhiệm làm quan, có người tới chức tri huyện, tuần phủ…
Khoa thi được tổ chức thành công, an toàn, nhưng thật đáng tiếc, Phạm Sỹ Ái bị bệnh nặng, ngày mùng 9 tháng 7 âm lịch năm đó, ông qua đời tại nhiệm sở (trường thi Gia Định). Tin đưa về triều đình, vua Minh Mạng thương tiếc vị quan tài hoa mệnh mỏng đã lệnh quan bộ Lễ cùng đoàn tùy tùng đưa thi hài ông về quê an táng. Khi đoàn đưa linh cữu ông đi qua các địa phận nơi ông từng làm quan (Quảng Trị), chức sự và nhân dân các địa phương đều bày hương án, cờ lọng nghênh đón, bái biệt. Ba năm sau, triều đình lại cử quan bộ Lễ về quê ông tổ chức cải táng, xây mộ, xây miếu thờ, lại sắc phong cho làm thành hoàng làng Nghĩa Lộ; đồng thời dựng bia, đặt bài vị thờ ông tại văn miếu huyện Đường Hào. Sau đó, triều đình còn cấp ruộng cho làng Nghĩa Lộ để hàng năm vào ngày giỗ làm lễ tế ông tại đình.
Không chỉ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, mẫn cán, Phạm Sỹ Ái còn nức tiếng ở tài văn chương. Tuy cuộc đời làm quan có tám, chín năm mà vua Minh Mạng đã phải khen: “Văn chương Phạm Sỹ Ái, chính sự Hà Tông Quyền”[4].
Hiện tại, ở Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được hai tập thơ của ông là “Đường Trung Phạm Đôn Nhân nguyên thảo”  với 162 bài và “Nghĩa Khê thi tập”  với 170 bài. Ngoài ra, còn ba tác phẩm có phần đóng góp của ông là “Chí Hiên thi thảo” - tập thơ của Nguyễn Văn Lý do Phạm Sỹ Ái phẩm bình, “Liễu Đường biểu thảo”  gồm một số bài sớ, tấu, biểu của các ông Hà Tông Quyền, Phạm Sỹ Ái, Nguyễn Tư Giản và “Tại Kinh lưu thảo” là tập hợp một số bài văn của các quan chức ở kinh đô trong đó có Phạm Sỹ Ái.
Thơ văn Phạm Sỹ Ái tứ sâu, lời đẹp, chất chứa yêu thương, thể hiện nhiều ưu thời mẫn thế, trăn trở về đường đời, về thế sự nhân sinh. Bởi lẽ, dù đường quan lộ của ông tuy hanh thông, được vua trọng vọng như danh tướng, danh thần, nhưng tự bản thân ông lại thấu hiểu rất rõ những hiểm nguy, lắt léo chốn quan trường, nhất là thời đại ông đang sống - vua Minh Mạng rất khắc nghiệt với người tài. Những đại thần tài năng cùng thời như Hà Tông Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Thực dù từng được vua Minh Mạng nhiều lần khen ngợi, thế nhưng chỉ một vài sơ suất nhỏ cũng đều bị cách chức, bắt làm lính hoặc đi theo hầu các sứ bộ ra các nước ngoài phía biển Nam (ngày ấy đi các nước ngoài biển là rất nguy hiểm, dễ chết).  Cho nên, Phạm Sỹ Ái thân làm quan tại triều nhưng tấm lòng thì nhiều trăn trở, luôn sống khiêm cung, giữ gìn và thường chỉ kín đáo bày tỏ nỗi niềm qua văn thơ. Như trong một bài thơ nhan đề “Trung dạ thuật hoài” (Tâm sự nửa đêm) gửi tặng bạn thân là Nguyễn Văn Lý, người Hà Nội cũng là Tiến sĩ, từng làm Đốc học, tâm sự thật ai hoài:
            Nhất liêm tà nguyệt ngũ canh phong
            Tâm sự du du bất khả cùng
            Nhập thế kỷ ưng yên thiệu liệt
            Tại quan vị cảm thuyết ai thông
            Kỷ hành phát biến sầu trung bạch
            Vô sở hoa khai phận ngoại hồng
            Khả thị đồng niên đồng bệnh khách
            Tri tâm ứng dữ thử tâm đồng
Tạm dịch:
            Một mảnh trăng tà bên rèm và gió suốt năm canh
            Tâm sự rối bời khôn cùng
            Nhập thế phải chăng là vẻ vang
            Giữ chức quan không dám nói đến sự buồn thương
            Đôi phen do sầu muộn mà tóc bạc cả rồi
            Không hay biết hoa nở phô vẻ hồng
            Khá là người bạn cùng tuổi, cùng mang bệnh
            Hiểu tấm lòng ta và cũng một tấc lòng như ta.
(Bản dịch của Lê Hoàng (Danh nhân Hưng Yên, 2006))
Là bạn tâm giao của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, ông dành nhiều tình cảm và tác phẩm cho các danh tài này, nhất là Cao Bá Quát. Trong tập Phạm Đôn Nhân nguyên thảo”, có tới hơn chục bài viết cho danh sĩ họ Cao, như: “Cao Mẫn Hiên du Tây Hồ”, “Văn Cao Mẫn Hiên bất đắc nhập trường chi tín”, “Tống Phú Thị Cao cử nhân”, “Hòa tiễn Cao Mẫn Hiên”, “Dữ Cao Chu Thần dạ tịch mạn thành”, “Ức Cao Mẫn Hiên” ([5]).
Khi ông mất, không có con trai, chỉ có 4 người con gái còn nhỏ. Có người Phủ quân tên là Trạc đã đứng lên tìm nơi đất tốt có cây lớn để lo liệu việc tang chế cho ông. Ban đầu, ngôi mộ nằm trên gò cao rộng hơn mặt ruộng khoảng một mét. Bốn góc có trụ cao đắp hình hoa sen và đôi câu đối chữ Hán với những đường nét hoa văn tinh tế. Đến năm 1977, huyện Mỹ Văn (nay là thị xã Mỹ Hào) dùng nơi đây làm Trạm y tế nên dòng họ phải di chuyển mộ và tấm bia đã được khắc vào thời vua Thiệu Tri đến địa điểm khác. Hiện nay, ngôi mộ và tấm bia ghi chép về ông tọa lạc tại nghĩa trang thôn Nghĩa Lộ, phường Phùng Chí Kiên.
 
Miếu thờ tiến sỹ Phạm Sỹ Ái trên nền đất cũ quê nhà vẫn được giữ gìn tôn nghiêm. Miếu nhìn về hướng Đông, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Phần cổ diêm đắp ba chữ: “Phạm Hoàng kim”, xung quanh xây tường bao. Trong miếu đặt bài vị, đồ thờ. Tại khuôn viên có hương án, đỉnh hương, bia đá. Trên bia khắc “Bài ký về ông Đoan Trực Phạm phủ quân, nguyên chức Binh bộ lang trung biện lý bộ vụ”, ghi sự nghiệp, chức vị Phạm Sỹ Ái. Văn bia do bạn ông là Nguyễn Bảo viết năm Tân Sửu (1841), niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, triều Nguyễn Hiến Tổ (1841-1847).
Dù quy mô miếu thờ không lớn nhưng là di tích để lại của triều đình quân chủ thể hiện sự tôn vinh tài năng, nhân cách của một nhà nho chân chính, một vị quan thanh liêm, mẫu mực, người con quê hương Mỹ Hào, Hưng Yên. Từ khi miếu được lập, nơi đây đã trở thành một địa điểm văn hóa được nhân dân tôn thờ, nhiều trí thức qua lại thăm viếng.
Do những biến thiên thăng trầm của lịch sử, cùng với sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và sự xuống cấp bởi thời gian, ngày nay, không gian và kiến trúc của ngôi miếu đã bị hư hỏng nhiều, không đủ tương xứng với tài năng, nhân cách của tiến sỹ Phạm Sỹ Ái cũng như biểu tượng hiếu học, khát vọng khám phá, tinh thần chinh phục tri thức của người dân Mỹ Hào. Vì vậy, rất mong mỏi các cấp có thẩm quyền và nhân dân, dòng họ tu bổ, phục dựng, nâng cấp về quy mô, tầm vóc miếu thờ để di tích thêm đẹp đẽ, khang trang hơn và cũng là để tri ân trọn vẹn, nghĩa tình hơn với một bậc tiền nhân tài danh, hay chữ nhất lúc đương thời.
THANH MAI

[1] Thời Nguyễn đặt thụy hiệu ban cho các quan. Đây là thụy hiệu ban cho các quan trật Chánh ngũ phẩm văn giai.
[2]Ở triều Lê, người thi Hương đậu gọi là Cử nhân, Tú tài; đến đời Hậu Lê gọi là Hương cống, Sinh đồ; đời Gia Long cũng theo đời trước, đến đời vua Minh Mạng, từ khoa thi Hương năm Mậu Tý 1828, đổi gọi Hương cống là Cử nhân (người đỗ 4 trường thi Hương: kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; đệ nhị: thi tứ lục; kỳ đệ tam:thi phú; kỳ đệ tứ: thi văn sách).
Cũng khoa thi này, vua đặt các chức Chánh, Phó chủ khảo, Đề điệu, Phân khảo. Đề điệu chỉ chuyên trách việc thu quyển, niêm phong, soạn sách dồn chung quyển thi, không dự vào việc đọc duyệt, chấm bài, lấy đậu, đánh hỏng.
[3]Nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên, ngoài ra khoa thi này còn không có Bảng nhãn, Thám hoa, có nghĩa Phạm Sỹ Ái có điểm cao thứ hai trong kỳ thi này.
[4]Hà Tông Quyền quê ở Cát Lộng, Thanh Oai, nay thuộc Hà Nội, làm quan ở Nội các, giỏi về chính trị.
[5]Chu Thần, Mẫn Hiên là tên hiệu của Cao Bá Quát.

 

Tin liên quan