KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Danh nhân Hưng Yên
Đăng ngày: 02/11/2018 - Lượt xem: 454
Khoa cử thời xưa

Lựa chọn nhân tài là mục đích của các khoa cử dưới triều đại phong kiến. Sự hùng mạnh của một triều đại cũng tuỳ thuộc vào chính sách dùng người của triều đại đó. Bài ký bia Tiến sỹ khoa Đại Bảo Nhâm Tuất do Hàn lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc làm cần kíp. Bởi vì kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào ...”.

Trường thi Nam Định năm 1912
Trong lịch sử khoa cử nước nhà, kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) gọi là "Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường" cho tới khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919) nước ta có 2.898 người đỗ đại khoa. Đỗ đầu khoa thi năm Ất Mão (1075) là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu, huyện Gia Định, tỉnh Bắc Ninh trở thành người khai khoa của các nhà khoa bảng Việt Nam. Đến khoa thi năm Ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù 10 (1185) đời Lý Cao Tông, một trong ba người đỗ đầu là Đỗ Thế Diên (còn gọi là Đỗ Thế Bình), người Cổ Liêu, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Văn) là người khai khoa của tỉnh Hưng Yên.
Khoa cử thời phong kiến có hai kỳ thi được coi như hai cửa ải, bước đường công danh của sỹ tử. Đó là kỳ thi Hương và thi Hội, thi Đình.
Thi Hương
Là kỳ thi của một tỉnh hay nhiều tỉnh chung một trường thi. Thời Lê nước ta có 9 trường, thời Nguyễn có 7 trường. Trường Sơn Nam đặt ở Hiến Nam (thuộc thị xã Hưng Yên ngày nay) nên có tên là trường Hiến Nam. Năm Gia Long 18 (1819) trường thi Sơn Nam rời về làng Vị Hoàng (Nam Định). Năm 1825, sau khi có tỉnh Nam Định, trường Vị Hoàng được gọi là trường Nam Định. Đến năm 1831 ở phía Bắc chỉ có hai trường: Trường thi Hà Nội (gồm các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Bình, Thanh Hóa) và trường thi Nam Định (gồm các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Yên).
Phép thi Hương được quy định từ thời Lê Thánh Tông, gồm có 4 kỳ thi. Đỗ kỳ trước mới được dự kỳ sau. Người đỗ 2 kỳ gọi là Tú kép, đỗ 3 kỳ gọi là Tú mền. Thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi Hương thì mới được thi Hội. Người đỗ thi Hương được chia làm hai loại: Loại 1 gọi là Cống sỹ hay Hương cống. Loại 2 gọi là Sinh đồ, loại này không được thi Hội. Đỗ đầu thi Hương được tuyên dương giải nguyên. Đến đời Minh Mệnh (1820 - 1840) đổi các danh hiệu Cống sỹ, Hương cống thành Cử nhân và Sinh đồ thành Tú tài.
Thi Hội và thi Đình
Thi Hội và thi Đình là các kỳ thi để đánh giá tài năng cao nhất nhằm chọn nhân tài cho đất nước nên gọi là Đại khoa. Thí sinh thi Hội phải qua bốn môn thi (mỗi môn gọi là một trường). Thí sinh phải đủ điểm ở trường một mới vào được trường hai v.v... Đến trường thứ tư, người nào đủ điểm chuẩn quy định gọi là Trúng cách, tức là đỗ thi Hội. Người cao điểm nhất trong số thi đỗ gọi là Hội nguyên. Danh sách tiếp theo cũng ghi theo thứ tự điểm số từ trên xuống dưới. Nhưng thứ tự này (kể cả Hội nguyên) cũng chưa phải là học vị chính thức.
Sau vài ngày, có khi vài tuần những người thi trúng cách được gọi vào hoàng cung để thi tiếp gọi là thi Đình (Điện thí), thi tại sân triều đình do vua trực tiếp ra đề thi và tự tay phê lấy đỗ. Ngày tuyên bố kết quả, các quan tân khoa được tiếp đãi lễ Đại triều tại Điện Thái Hòa, được ban mũ áo, ban yến ở vườn Quỳnh Lâm, cho cưỡi ngựa đi xem kinh thành, phố xá. Sau đó cho về vinh quy bái tổ. Làng nào có người đỗ đại khoa phải đón rước linh đình. Theo phong tục, đỗ tú tài một làng đi rước, đỗ cử nhân một tổng đi rước, đỗ đại khoa một huyện đi rước, dân hàng tổng phải làm dinh nghè cho quan ở và người đỗ đạt cũng phải làm lễ tạ ơn dân làng và thày dạy. Triều đình cho quan Tuyên lô xướng danh và yết bảng ba ngày tại lầu Phú văn, cho dựng bia, chép sách lưu danh Tiến sỹ để nêu gương muôn thuở.
Ngoài các khoa thi được mở vào những năm đã định, khi triều đình có nhu cầu đột xuất tuyển lựa nhân tài thì giữa các kỳ thi đó còn tổ chức những khoa thi đặc biệt như khoa Minh kinh (1429), khoa Hoành từ (1431), khoa Nhã sỹ (1865), và Ân khoa (ơn vua)... Nhưng nếu gặp quốc sự thì các khoa thi đã định phải hoãn vào năm khác. Thời Lý, mỗi khoa thi cách nhau 12 năm. Đến năm Kỷ Hợi cách nhau 7 năm. Sang năm Ất Mão (1435) đời Lê Thái Tông thì mỗi khoa thi chỉ còn 6 năm và đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) còn lại 3 năm. Lệ thi này được kéo dài tới thời Nguyễn.
Danh hiệu thi đỗ Đại khoa cũng tuỳ thuộc từng triều đại. Do danh hiệu mỗi thời một khác nên tên gọi học vị của người đỗ đại khoa cũng khác nhau. Thái học sinh được xuất hiện từ khoa Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông đến khoa Canh Thìn (1400) đời Hồ Quý Ly. Tiến sỹ có từ khoa Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thánh Tông cho tới khoa thi cuối cùng của nước ta vào năm Kỷ Mùi (1919) đời Nguyễn Khải Định. Tiến sỹ được chia làm 6 bậc: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thuộc Đệ nhất giáp được mệnh danh Tam khôi, Hoàng giáp hay Tiến sỹ xuất thân thuộc Đệ nhị giáp, đồng tiến sỹ xuất thân thuộc Đệ tam giáp. Danh hiệu Trạng nguyên có từ thời Trần, thời Nguyễn không chọn Trạng nguyên mà lại định thêm Phó bảng. Ngoài ra, còn có khoa thi cao hơn Tiến sỹ gọi là Đông các. Khoa Đông các dành cho những người đã đỗ Tiến sỹ hay đang làm quan. Đông các cũng lấy Tam khôi, người đỗ đầu là Trạng nguyên sung chức Đông các đại học sỹ, người đỗ thứ hai là Bảng nhãn sung chức Đông các học sỹ, người đỗ thứ ba là Thám hoa sung chức Đông các hiệu thư. Ở những kỳ thi Đình, có những năm không có Trạng nguyên bởi lẽ người thi không đạt điểm để có học vị Trạng nguyên, nhưng điểm số vẫn cao hơn tất cả những người trong kỳ thi Đình thì được gọi là Đình nguyên, Bảng nhãn, Đình nguyên hoa, Đình nguyên Hoàng giáp, Đình nguyên Tiến sỹ.
Những người như Lê Quý Đôn (Đình nguyên Bảng nhãn) hay một số  Đình nguyên dưới triều Nguyễn (triều này không lấy Trạng nguyên, chỉ lấy Bảng nhãn, Thám hoa), thực chất cũng xứng đáng là Trạng nguyên.
Trong số những người đỗ đầu, có người có học lực rất xuất sắc, ở các kỳ thi đều đỗ đầu (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Nếu đỗ đầu hai kỳ thì gọi là Song nguyên, đỗ đầu 3 kỳ gọi là Tam nguyên như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (Hoàng giáp 1871).
Các triều đại phong kiến nước ta, kể từ khi có khoa cử đã căn cứ vào kết quả thi để chọn nhân tài, giao công việc. Từ đời Lý - Trần, Thái học sinh được sung vào Hàn Lâm viện, giao cho chức cấp sự thuộc Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hình hoặc chức Ngự sử ở các đạo địa phương. Khi làm quan ngoài triều đình thì chỉ giữ chức trưởng. Đến đầu nhà Nguyễn mới giao chức Tri phủ, ít lâu sau cho vào Viện Hàn lâm. Phó bảng thì giao cho chức hành tẩu hoặc thư kýLục bộ trong triều và các chức chính quyền ở tỉnh, ty như thẩm phán ở huyện. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì giao cho những chức vụ cao hơn.
Có thể nói, khoa cử là con đường tiến thân của kẻ sỹ. Cho dù có tài, có đức nhưng không đỗ đạt thì kẻ sỹ suốt đời chẳng được tuyển dụng. Bởi vậy, dù nghèo đói ai cũng cố cho con cái học hành để được vẻ vang với hàng tổng, làng mạc và quan trọng hơn là để được làm quan, vì đỗ Hương cống đã được bổ làm quan. Đời nhà Nguyễn những người đỗ cử nhân đều được bổ làm quan ở các tỉnh, huyện, đỗ tú tài cũng được tuyển dụng.
Chế độ khoa cử và chính sách sử dụng nhân tài của các triều đại phong kiến đã tạo điều kiện cho các đời vua chúa giữ gìn và xây dựng non sông đất nước. Triều đình nhờ đó mà có nhiều danh sỹ, công thần tận trung với vua, với nước.. Nhiều văn gia, thi sỹ lỗi lạc để lại những tác phẩm lớn có giá trị được người đời truyền tụng. Lịch sử nước ta còn ghi chép những cuộc bang giao mà các nhân tài của đất nước đã để lại những trang sử vẻ vang, những giai thoại bất hủ của các quan Trạng như Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan...
Lối kén chọn nhân tài bằng khoa cử ở nước ta kéo dài non một ngàn năm với bao cải tổ và tu chỉnh, phép thi khi thì sơ lược, khi thì nghiêm minh, khi thì bê trễ, hủ lậu. Vào cuối đời Hậu Lê, từ năm 1750 trở đi, sinh đồ chỉ cần nộp 3 quan tiền là tránh khỏi khảo hạch. Do đó, vẫn có một số nhân vật xuất thân từ khoa bảng mà thiếu thực tài. Một vài vị vua triều Nguyễn có tư tưởng tiến bộ, muốn cải tổ sâu rộng nhưng vì lệ thi đã thành thói quen nên khó thực hiện được. Đến năm Khải Định thứ 4 (1919) thì nền khoa cử Nho học ở nước ta thực sự chấm dứt.
Có thể nói rằng, trong lịch sử quá khứ của dân tộc, tuy không phải là tất cả nhưng phần lớn các nhà khoa bảng đã từng giữ những chức vụ khác nhau trong triều đình của các triều đại và mỗi người trong số họ đã từng là một điểm sáng văn hóa tạo thành giá trị của nền văn hiến vẻ vang mà các thế hệ ngày nay đang kế thừa.
Nguồn: Các nhà khoa bảng Hưng Yên  (1075 - 1919), Thư viện tỉnh Hưng Yên, năm 1999
Phòng Văn hóa - Văn nghệ (sưu tầm)
 

 

Tin liên quan