Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông năm 2022, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung nhằm tuyên truyền, phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm Internet trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 về “ Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” (Chỉ thị số 07-CT/TW) Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 07 -CT/TW và chỉ đạo ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 59 - KH/TU ngày 25/5/2017 về Tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư (Khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”; UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 231/UBND-KGVX ngày 10/02/2017 triển khai Quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về hoạt động thông tin cơ sở; Các cơ quan thông tấn báo chí tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể và hệ thống đài truyền thanh cơ sở cũng tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 07-CT/TW và các văn bản chỉ đạo công tác thông tin cơ sở đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã từng bước có sự chuyển biến. Công tác phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ thông tin cơ sở đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hệ thống thiết chế thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đã cơ bản phát huy được vai trò, chức năng, là cầu nối cung cấp, truyền tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội. Hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh được thực hiện với nhiều loại hình như: trang thông tin điện tử, bản tin, hệ thống truyền thanh của cấp huyện, cấp xã; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội... Ngoài ra, mạng xã hội zalo, viber, các trang fanpage thuộc quản lý của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả ở cơ sở trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị và định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan báo chí tích cực sử dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng số, nền tảng số để độ bao phủ thông tin chính thống của đảng bộ và chính quyền kịp thời đến gần hơn với nhân dân; đồng thời nhanh chóng nắm bắt thông tin từ cơ sở để phản ánh nhanh hơn, đa chiều hơn.
Hiện nay, lực lượng làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của nhiều thành phần; thường xuyên được cung cấp, định hướng thông tin, tham gia các chương trình tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, góp phần tích cực tuyên truyền, phổ biến, đưa các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.420 người làm công tác thông tin cơ sở, là báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên các cơ quan báo chí tỉnh, cán bộ Trung tâm văn hóa và truyền thanh cấp huyện, cán bộ Đài truyền thanh cơ sở, BCĐ 35, cộng tác viên dư luận xã hội. Ngoài ra, lực lượng làm công tác thông tin cơ sở còn có hệ thống cán bộ thư viện, bưu điện các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin cơ sở đã được quan tâm đầu tư, các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin trong tình hình mới. 10/10 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm văn hóa; triển khai Bảng tin công cộng và hệ thống panô, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại vị trí trung tâm, địa điểm công cộng, nơi tập trung đông dân cư... Thực hiện Kết luận số 30-KL/TW ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai Tủ sách pháp luật; 161/161 xã, phường, thị trấn có nhà Văn hóa; 811 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc hội trường văn hóa đa năng được xây dựng, cơ bản đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Hệ thống truyền thanh cấp xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Hiện nay cán bộ đài truyền thanh cơ sở được bố trí 02 chức danh: Trưởng đài do Bí thư Đoàn cấp xã kiêm nhiệm và nhân viên do Phó Bí thư Đoàn cấp xã kiêm nhiệm. Các thôn đều có loa truyền thanh thông tin đến từng ngõ xóm và người dân; ngoài ra, có một số địa phương còn có Nhà văn hóa kết hợp với không gian đọc cộng đồng đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu của nhân dân như: huyện Tiên Lữ, Văn Giang, Khoái châu…
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW, hoạt động thông tin cơ sở đã được tăng cường và quan tâm đầu tư, song cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động thông tin cơ sở tuy vẫn hoạt động ổn định nhưng do đầu tư từ lâu nên đã lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, vì vậy tính cập nhật thông tin chưa cao. Mặt khác, kinh phí dành cho hoạt động thông tin cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Đa số các đài truyền thanh cấp xã chưa có phòng để trang thiết bị và làm việc riêng mà phần lớn đặt tại phòng làm việc chung với ban, ngành, đoàn thể khác hoặc hội trường của UBND xã nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Hệ thống Đài truyền thanh và bảng tin công cộng ở cơ sở vẫn sử dụng hình thức truyền thanh và bảng tin truyền thống, gồm truyền thanh có dây/không dây; bảng tin bằng các chất liệu nhựa, Mica để viết phấn, bút dạ hoặc để dán các bản thông báo giấy... đặt tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, chưa chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông, bảng tin điện tử và chưa có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã.
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thông tin, việc ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội để phổ biến, tuyên truyền thông tin tuyên truyền tới người dân là một trong những lợi thế trong công tác thông tin tuyên truyền hiện nay. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền cơ sở, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền, phương thức hoạt động để thông tin kịp thời, chính xác đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin tuyên truyền cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm chế độ cho đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Mai Thanh