Ngày 7.11, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã báo cáo khái quát về quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, tuyến đường sắt này dài khoảng 392 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha. Tuyến đường sắt đi qua tỉnh Hưng Yên có chiều dài tuyến khoảng 19,4km với điểm đầu là Km280+000 thuộc xã Lạc Đạo (Văn Lâm) và điểm cuối tại Km299+400 thuộc xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào). Trên tuyến bố trí 1 ga nhường và 1 ga tác nghiệp hàng hóa và hành khách.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề như: Hướng tuyến đường sắt; tình hình sử dụng đất của tỉnh theo các phương án quy hoạch; tính kết nối với giao thông trên địa bàn tỉnh; phương án bố trí vị trí đặt nhà ga; tổ chức giao thông trong khu vực…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn xem xét các đề nghị của tỉnh liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm giảm diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng, giảm ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Việc bố trí nhà ga, điểm giao cắt cũng cần được nghiên cứu kỹ để điều chỉnh cho phù hợp nhằm tăng tính kết nối, liên thông giữa đường sắt với hệ thống giao thông khác, đặc biệt là giao thông đường bộ. Các sở, ngành và UBND các huyện liên quan cần tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn cung cấp các thông tin về quy hoạch, dự án của các cấp trong vùng quy hoạch đường sắt để cùng nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt bảo đảm tính hợp lý, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý đến các vấn đề về hướng tuyến, cắm mốc chỉ giới của đường sắt, đường bộ…
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga theo ý kiến của tỉnh Hưng Yên. Đối với một số vị trí hướng tuyến có liên quan đến các bộ, ngành của Trung ương hoặc địa phương khác, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc trực tiếp để xin ý kiến cụ thể. Đối với một số vị trí liên quan đến quy hoạch, dự án đầu tư mà tỉnh triển khai, đơn vị tư vấn cần điều chỉnh, bảo đảm đồng bộ hạ tầng giao thông và không ảnh hưởng đến các dự án.
Nguồn: baohungyen.vn