KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 14/11/2019 - Lượt xem: 144
Giải pháp chống rác thải nhựa dưới góc độ quản lý-kinh nghiệm từ thế giới

 Đỗ Hữu Nhân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 500 – 1.000 tỷ túi nhựa (túi nilon) đang được tiêu thụ trên toàn thế giới, hơn một triệu túi mỗi phút và hàng tỷ túi trở thành rác thải. Hơn 8 triệu tấn nhựa được đổ vào đại dương mỗi năm và khoảng một nửa trong số 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm chỉ dành cho mục đích sử dụng một lần. Nhựa dùng một lần bao gồm bao bì nhựa, túi nhựa mỏng, chai nhựa nhỏ, ống hút nhựa và cốc nhựa. Trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, đe dọa sự phát triển vững của mỗi địa phương, quốc gia, của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc hại cho môi trường sống, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống và giống nòi.

Việt Nam đã có những kế hoạch, giải pháp để thực hiện chủ trương ngăn ngừa, giảm thải chất thải nhựa, túi ni lông vào môi trường tự nhiên. Phong trào “ Chống rác thải nhựa” được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa phát sinh cũng như thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu phát sinh về thu gom, xử lý chất thải nhựa và đạt được nhiều kết quả khả quan. Để giải quyết hiệu quả hơn vấn đề này, trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì, thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa thành hoạt động thường xuyên, liên tục như: Thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi xử lý, tái chế theo quy định; các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon để thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề này, theo chúng tôi, để chống rác thải nhựa cần nghiên cứu kinh nghiệm từ một số nước với một số biện pháp sau:

1. Xây dựng chính sách “thuế nhựa”

Kể từ ngày 1/3/2019, 31 quốc gia áp dụng phí cho sản phẩm túi nhựa. Chính phủ Ireland đã áp dụng thuế đối với túi nhựa tại các điểm bán hàng. Khoản tiền này được đặt cao gấp sáu lần mức ước tính sẵn sàng trả, với mục đích thay đổi hành vi ở người tiêu dùng và thúc đẩy việc sử dụng túi mua sắm có thể tái sử dụng. Thuế không áp dụng cho các túi được sử dụng để đựng sản phẩm tươi sống như thịt sống và hoa quả, vì mục đích vệ sinh. Người dân đã ủng hộ chính sách này. Tiền “thuế nhựa”được đưa vào Quỹ môi trường để tái đầu tư các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong vòng một năm kể từ khi thực thi thuế nhựa, việc sử dụng túi nilon ở Ireland giảm hơn 90%.

2. Cấm túi nhựa

Kể từ ngày 1/3/2019, 62 quốc gia đã cấm túi nhựa.

Tại Trung Quốc, túi nilon đã bị cấm hoàn toàn, thay vào đó là các loại túi phân hủy sinh học. Tại Hàn Quốc, Chính phủ quy định các chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị không được phép cung cấp túi nilon cho khách hàng. Đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (2.600 USD). Bộ Môi trường Hàn Quốc ước tính biện pháp trên sẽ làm giảm số túi nilon sử dụng hàng năm khoảng 2,2 tỷ chiếc. Ấn Độ đã cấm sử dụng túi nilon ở nhiều nơi trên toàn quốc. Indonesia, nước bị xếp vào nhóm nước có nhiều rác thải gây ô nhiễm biển, cam kết đến năm 2025 giảm khoảng 70% lượng rác thải nhựa tại các vùng biển nước này. Để hoàn thành các mục tiêu môi trường, giới chức tại đảo nghỉ dưỡng Bali phải ban hành lệnh cấm túi ni-lông, ống hút nhựa dùng một lần. Thủ đô Jakarta và nhiều địa phương khác cũng xem xét ban hành quy định tương tự...

Rất nhiều quốc gia châu Phi đã cấm sử dụng hoàn toàn túi nilon hoặc đang xem xét cấm. Tại Kenya, sử dụng và sản xuất túi nilon có thể bị phạt đến 4 năm tù giam hoặc phải nộp tiền phạt. Tại Cameroon, túi nilon bị cấm và các hộ gia đình được trả tiền để thu thập chất thải nhựa. Maroc đã thay túi nilon bằng túi vải. Chính phủ Rwanda đã cấm sản xuất, sử dụng, bán và nhập khẩu tất cả các túi nilon và khuyến khích người dân sử dụng túi giấy, túi vải cotton. Cùng với lệnh cấm, chính phủ ưu đãi thuế cho các công ty sẵn sàng đầu tư vào thiết bị tái chế nhựa hoặc trong sản xuất túi thân thiện với môi trường. Những người vi phạm bị bắt hoặc phạt tù. Năm đầu tiên áp dụng lệnh cấm này, Kigali, thủ đô của Rwanda được Tổ chức Di cư của Liên Hợp Quốc (UN Habitat) đề cử là thành phố sạch nhất ở châu Phi.

Chile cấm sử dụng túi nilon trong hoạt động thương mại. Ngoại trừ bao bì đóng gói (cần thiết để bảo quản thực phẩm), mọi hình thức sử dụng túi nilon bị cấm tuyệt đối tại siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng hay hiệu thuốc. Cơ sở vi phạm sẽ phải nộp phạt 370 USD với mỗi túi nilon được phát ra. Canada đã cấm sử dụng túi nilon ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Ôtxtraylia cũng đã cấm sử dụng túi nilon ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Liên minh châu Âu hiện đang nghiên cứu đề xuất cấm sử dụng ống hút nhựa, dao kéo nhựa.

3.Đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm hữu ích.

Với ba chai nhựa cỡ lớn hay năm chai cỡ trung bình, hoặc 10 cốc nhựa đã qua sử dụng ( không vỡ vụn và phải sạch sẽ ), người dân thành phố Surabaya của Indonesia đã có thể đổi lấy một vé xe buýt, với hành trình không giới hạn điểm dừng. Giải pháp của Surabaya chưa cần viện đến các biện pháp mạnh, mà vẫn khuyến khích người dân bảo vệ môi trường qua việc đổi chai và cốc nhựa lấy vé xe buýt, vừa góp phần giảm gánh nặng giao thông, vừa giảm lượng rác thải cho đất nước. Biện pháp này là đặt một giá trị tiền tệ vào một cái gì đó vứt đi đã thúc đẩy động lực tích cực cho cho việc thu gom món hàng đó và điều đó đã được chứng minh là hiệu quả trong cuộc chiến giảm ô nhiễm từ chất thải nhựa.

Để Việt Nam không còn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới với các biện pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực trên. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm không được rập khuôn, máy móc mà cần nghiên cứu kỹ điều kiện cụ thể, thực tế Việt Nam. Cần nghiên cứu để nắm bắt kỹ càng tâm lý, thói quen và ý thức của người dân, của cộng đồng…Thực tế trên thế giới đã có những nước áp dụng một trong những biện pháp trên đã không thành công vì áp dụng trong những thời điểm không thích hợp. Vì thế cần phải chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các nhà khoa học để lựa chọn những biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất.

Hãy nói không với túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,... để bảo vệ cuộc sống của chúng ta!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan