Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viên Hành chính quốc gia, đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đại diện một số trung tâm chính trị cấp huyện của 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Bùi Trường Giang khẳng định, trong thời gian vừa qua, công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở đã đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí Bùi Trường Giang phát biểu tại Hội nghị.
Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Kết luận số 66-KL/TW về tổng kết việc thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa X về tổ chức, bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và Quy định số 208-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện cũng được ban hành.
“Để thực hiện Quy định 208-QĐ/TW đạt hiệu quả, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn như: Hướng dẫn số 154-HD/BTGTW ngày 9/10/2020 về việc cấp và quản lý giấy chứng nhận các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng đảng, công tác mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; Hướng dẫn số 152-HD/BTGTW ngày 21/9/2020 về công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương năm 2021.
Sau khi xây dựng dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan liên quan và các chuyên gia xin ý kiến.
Tại Hội nghị ngày hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.” – Đồng chí Bùi Trường Giang nhấn mạnh.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã khảo sát ở 6 tỉnh, thành phố trên cả nước để trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp, thảo luận về dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính. |
Tại Hội nghị, đối với dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn, các đại biểu tập trung thảo luận 5 tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện; quy trình xét, công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; việc tổ chức thực hiện, nhất là nội dung liên quan tới trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, của cấp ủy và các cấp tại địa phương, ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và trung tâm chính trị cấp huyện.
Đối với khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị- hành chính, các đại biểu tập trung thảo luận về kết cấu chương trình với 5 khối kiến thức, 1 nhiệm vụ nghiên cứu thực tế cuối khóa và tốt nghiệp; khung chương trình với 22 chuyên đề đã đảm bảo nền tảng, tính khái quát, khả năng bao phủ các khối kiến thức, nội dung chương trình đã đảm bảo mục tiêu chương trình, chuẩn kiến thức đầu ra; thời lượng chương trình là 250 tiết so với quy định hiện hành có đảm bảo, mức độ, sự phù hợp với đối tượng đào tạo, tính liên thông, kế thừa giữa chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính với các chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; về hình thức chuyên đề và đề cương chi tiết;…
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Hướng đến chuẩn hóa các trung tâm chính trị cấp huyện để đảm nhận tốt các nhiệm vụ Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 30 trung tâm chính trị quận, huyện, thị xã; hàng năm các trung tâm chính trị toàn thành phố phối hợp mở trên 2.200 lớp với trên 350.000 lượt học viên cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để trang bị lý luận chính trị cơ bản, phổ biến kiến thức mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác. Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của Trung tâm chính trị cấp huyện. Trong Đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua của Hà Nội, nhiều cán bộ thuộc Trung tâm chính trị cấp huyện; nhiều cán bộ, đảng viên qua đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm chính trị cấp huyện đủ tiêu chuẩn, điều kiện về phẩm chất, năng lực, tác phong, được tín nhiệm tham gia cấp ủy các cấp. Trước yêu cầu ngày càng cao của quá trình đào tạo đòi hỏi hệ thống trung tâm chính trị của Hà Nội, cũng như của cả nước phải có bước phát triển toàn diện mạnh mẽ, hướng đến chuẩn hóa các trung tâm để đảm nhận tốt các nhiệm vụ: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy. |
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh: Thể hiện quyết tâm, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn Qua nghiên cứu bản dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính bản mới nhất, chúng tôi thấy Ban Tuyên giáo Trung ương đã có tiếp thu góp ý của địa phương; điều chỉnh nhiều nội dung khoa học, hợp lý hơn; thể hiện tâm quyết, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng trung tâm đạt chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Qua trao đổi, nắm tình hình một số trung tâm chính trị, ban tuyên giáo cấp huyện, để Quy định về tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn, Trung ương nên thực hiện thí điểm đối với một số địa phương. Từ đó, đánh giá, rút kinh nghiệm, cũng như làm mô hình mẫu để cả nước học tập, triển khai đại trà. Hiện nay, một số địa phương thực hiện thí điểm sáp nhập trung tâm vào ban tuyên giáo cấp ủy cùng cấp trong đó có Tây Ninh, để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để triển khai thực hiện tốt Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh kiến nghị Trung ương cần có văn bản chỉ đạo thống nhất có nên tiếp tục thực hiện thí điểm hay dừng việc sáp nhập này. Vì vấn đề này còn liên quan đến xây dựng Trung tâm chính trị đạt chuẩn. |
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thuận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình: Đưa ra những góp ý cụ thể cho trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn Về tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn, nên quy định rõ số biên chế tối thiểu đang làm việc tại trung tâm, còn số lượng biên chế có thể nhiều hơn, phụ thuộc vào đặc điểm tình hình của từng địa phương. Mặt khác, số lượng biên chế là có, nhưng có thể chưa có con người cụ thể đang làm việc. Các vị trí chức danh của Trung tâm theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, đã có quy định về trình độ chuyên môn. Nên trong dự thảo, nên chỉnh sửa: “Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên theo tiêu chuẩn vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Về khung chương trình đào tạo, trong phần I. Khối kiến thực những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng số tiết là 88, trong đó có 61 tiết lý thuyết, 27 tiết thực hành. Đề nghị, nghiên cứu giảm số tiết thực hành xuống còn 22 tiết (chiếm 25% tổng số tiết của nội dung này). Bởi đây là phần học có khối kiến thức lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin tương đối khó, nhất là đối với đối tượng học viên ở cơ sở. Trong quá trình giảng dạy lý luận, giảng viên cần lấy nhiều dẫn chứng minh họa cụ thể để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. |
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ hoàn thiện 2 văn bản trên, góp phần nâng cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của trung tâm chính cấp huyện trong bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguồn: http://tuyengiao.vn