Cách đây 40 năm, vào ngày 30/4/1975, nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt. Đây là thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội của thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc Việt Nam trên con đường dựng nước và giữ nước suốt hơn bốn ngàn năm lịch sử.
Bốn mươi năm qua, thế giới đã có nhiều thay đổi, loài người bước vào thiên niên kỷ mới, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn làm nức lòng nhân dân ta và bạn bè thế giới, những người yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Thắng lợi đó vẫn là thắng lợi tinh thần và vật chất, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiên đại hóa và hội nhập quốc tế, để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đối với dân tộc Việt Nam: thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đánh dấu bước ngoặt cơ bản, quyết định con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra từ Chính cương vắn tắt năm 1930, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường đã đưa dân tộc ta tới tự do, ấm no và hạnh phúc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kế tục thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp 1945-1954, là trận đánh quyết định nhất của cuộc chiến đấu 30 năm (1945-1975) lâu dài, gian khổ, ác liệt để giành độc lập dân tộc trên phạm vi cả nước. Đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới và là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam ngày hôm nay và mai sau. “Năm tháng sẽ qua đi, những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người…” (1)
Đối với nhân dân thế giới: thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là một thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu của cách mạng, của thời đại là hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là biểu tượng mới về sức mạnh của cách mạng thế giới, sức mạnh kết hợp ngọn cờ độc lập dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, thắng lợi đó làm tiêu tan huyền thoại về sức mạnh của Mỹ, chứng minh hùng hồn rằng Mỹ đã thua, đã thất bại, chứ Mỹ không phải là bất khả chiến thắng.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã động viên, cổ vũ hàng trăm triệu người tiến công vào công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã nêu bật một chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc, đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là đế quốc đầu sỏ.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quyết định và trước hết là sự lãnh đạo của Đảng ta, đội tiên phong chiến đấu dày dạn và mưu lược của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đó là thắng lợi của nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta, đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và quyền sống con người. Thắng lợi đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao: thống nhất ý chí và hành động, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc-Nam, đoàn kết quân dân, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó còn là thắng lợi của sự tăng cường đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân quốc tế, phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại... Đó còn là tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa nhân ta với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, tạo lên sức mạnh chiến thắng kẻ thù, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc…
Phát huy truyền thống anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1975 đến nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện vừa ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt, đất nước nghèo nàn và lạc hậu lại phải tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, đồng thời phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về chính trị, kinh tế khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phải đối phó với thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhưng Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc...
Những thập niên đầu sau giải phóng, chúng ta đã có những thiếu sót trong lãnh đạo kinh tế, xã hội, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết sửa chữa… Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn nước ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Sau gần 30 năm đổi mới đất nước ta đã có nhiều thay đổi, từ một nước nghèo, kém phát triển, lại bị bao vây cấm vận, đến nay chúng ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, với kinh tế tăng trưởng, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, từng bước được nâng cao. Nhiều gia đình ở nông thôn và thành thị trở lên giàu có hoặc khá giả, quốc phòng - an ninh được củng cố vững mạnh. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, đến nay ta có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng tăng. Những thành tựu xây dựng CNXH của đất nước sau 40 năm thống nhất, đặc biệt là thành tựu sau gần 30 năm đổi mới đã tạo cho chúng ta thế và lực mới để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vững vàng trong thế kỷ XXI để tiếp tục giành những thành tựu mới. Hiện nay tình hình thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp khó lường, song hào khí tháng Tư là niềm tự hào cho chúng ta sự tự tin, chúng ta đã thắng giặc ngoại xâm trong điều kiện lúc bấy giờ ta là một nước nghèo và vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thì nay thế và lực ta đã khác trước nhiều, nhất định chúng ta sẽ thành công trong việc xây dụng chủ nghĩa xã hội. Khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta biết nắm lấy cơ hội và vượt qua thách thức để tiếp tục tiến lên.
Góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Hưng Yên (cùng với Hải Dương) đã bắn rơi 85 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, thường xuyên đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, với quyết tâm: “ thóc, thịt thừa cân, cán, quân thừa người”, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 1955-1975, tỉnh Hưng Yên đã đưa 88.037 người con quê hương đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn tỉnh có 1.022 gia đình có 4 con, 152 gia đình có 5 con, 26 gia đình có 6 con và 7 gia đình có 7 con nhập ngũ. Toàn tỉnh có 22.377 liệt sỹ, 8.283 thương binh, 1.480 Bà mẹ được truy tặng, phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Sau ngày thống nhất đất nước, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo các đối tượng chính sách và người có công, tỉnh luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội. Sau tái lập tỉnh năm 1997 với điểm xuất phát thấp, GDP bình quân đầu người 180 USD, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu, công nghiệp nhỏ bé, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 60%, công nghiệp 15%, dịch vụ 25%, nhiều chỉ tiêu kinh tế thấp hơn mức bình quân của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (2), cơ sở hạ tầng chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn… Sau 18 năm tái lập, tỉnh Hưng Yên đã khởi sắc đi lên. Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế xã hội của thế giới có những diễn biến không thuận lợi, nhất là vấn đề an ninh chính trị thế giới, tình hình biển Đông căng thẳng, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các thành phần kinh tế, sự đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, chúng ta đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra: Tổng sản phẩm GDP tăng 7,25%. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, thủy sản 14,86% - công nghiệp, xây dựng 47,89% - dịch vụ 37,25%. GDP bình quân đầu người 35,62 triệu đồng tương đương 1.700 USD (gấp 10 lần ngày tái lập tỉnh) kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD, tăng 22,94%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 7,9%... (3). Những kết quả nói trên đã tạo tiền đề quan trọng cho Hưng Yên trong quá trình phát triển đi lên, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Hào khí tháng Tư và những sự kiện lớn đang diễn ra trong năm 2015 đó là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm lần thứ 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), 100 năm Ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015), Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2015), năm cuối thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015… đã và đang tác động một cách sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.Vì thế thông qua hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần khẳng định sự đổi thay của quê hương, đất nước sau 40 năm giải phóng. Từ đó giáo dục cho nhân dân ta lòng yêu nước, truyền thống cách mạng; khơi dậy lòng tự hào ý thức tự cường dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về con đường đi lên CNXH ở nước ta; về nền tảng tư tưởng của Đảng và những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, củng cố niềm tin, ý thức trách nhiệm, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí bảo vệ Tổ quốc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Nguyễn Văn Đông
(1) Báo cáo Chính trị BCH TW Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, HN, 1977, [Tr. 5-6]
(2) Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên Tập III, Nhà XB Chính trị - Hành chính năm 2009, [Tr. 300]
(3) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 BCH Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa XVII), ngày 19/11/2014.