Với những giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động ký kết hợp đồng, đến hết tháng 9, các doanh nghiệp trong ngành dệt may trên địa bàn tỉnh sản xuất được 190 triệu sản phẩm, đạt 76% kế hoạch năm, tăng 11,76% so với cùng kỳ năm 2018. Để thực hiện đạt kế hoạch sản lượng 250 triệu sản phẩm quần, áo các loại trong năm 2019, các doanh nghiệp trong ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất.
Ngành sản xuất thép trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng qua đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đến hết tháng 9, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được trên 1,35 triệu tấn thép các loại, đạt 75% kế hoạch năm, tăng trên 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành kế hoạch sản lượng 1,8 triệu tấn thép các loại trong năm nay, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các biện pháp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thép xây dựng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp, cùng với các giải pháp hỗ trợ của tỉnh, các ngành liên quan, Sở Công Thương đã chỉ đạo thực hiện công tác khuyến công đạt được nhiều kết quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Sở Công Thương đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, làng nghề, xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2019 gồm các đề án hỗ trợ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong hội nhập kinh tế quốc tế; đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; đề án tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019... với tổng kinh phí khuyến công địa phương hơn 938 triệu đồng.
Sản xuất tại Công ty TNHH Cộng đồng 18.4 (Kim Động)
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2018; hoạt động thương mại nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng chậm. Qua 9 tháng, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động, nhưng vẫn thiếu những dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công thương còn chậm, vẫn tồn tại không ít dự án đầu tư buộc phải điều chỉnh mục tiêu. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, trình độ quản lý, công nghệ, sức cạnh tranh chưa cao, tiềm lực tài chính hạn chế, khó tạo được sự thay đổi lớn về chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án công nghiệp, thương mại nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực cho toàn ngành. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách và các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực công thương đã được UBND tỉnh ban hành như: Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp, Đề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực thực thi. Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích xây dựng các mối quan hệ liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Nguồn: baohungyen.vn