KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 01/04/2020 - Lượt xem: 98
Hưng Yên đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng

Công tác học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng,   góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngay sau khi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ động xây dựng các kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện; chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch học tập, quán triệt phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, công tác quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn: Việc tổ chức học tập, quán triệt còn chậm đổi mới; hình thức học tập chưa đa dạng, phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Một số nơi tổ chức học tập còn lồng ghép với nhiều nội dung khác, dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. Ý thức học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết. Một số báo cáo viên còn hạn chế về kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 25/5/2016 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt học tập, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân (Đề án số 01). Đây là đề án đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, thể hiện quyết tâm của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Sau gần 4 năm triển khai Đề án số 01, công tác quán triệt, học tập, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã nhận thức sâu sắc và nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức quán triệt học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt được các cấp ủy chú trọng chỉ đạo thực hiện với nhiều đổi mới. Đối với các nghị quyết Hội nghị Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu giúp cấp ủy mở các hội nghị với thành phần học tập là các đồng chí cán bộ chủ chốt; quán triệt đầy đủ các nội dung cơ bản của nghị quyết, kế hoạch quán triệt, học tập và tuyên truyền của cấp ủy; thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; đồng thời chỉ đạo cấp cơ sở tổ chức hội nghị quán triệt, học tập trong toàn đảng bộ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu biên soạn tài liệu học tập nghị quyết giúp cho đội ngũ báo cáo viên các cấp thuận tiện trong nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền. Đối với các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, căn cứ điều kiện thực tiễn, các địa phương, đơn vị thường gắn với hội nghị ban chấp hành đảng bộ hoặc tổ chức lồng ghép với những hội nghị có nội dung phù hợp. Việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến các địa phương cũng được Tỉnh ủy quan tâm như: hội nghị học tập chuyên đề Hồ Chí Minh hàng năm; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng…
Việc quản lý đảng viên dự học nghị quyết được các địa phương, đơn vị quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: điểm danh bằng phiếu, vị trí ngồi; thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các đảng viên không chấp hành nghiêm túc việc tham gia học tập..., do vậy ý thức tham gia học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên ở các cấp được nâng lên.
Một số địa phương, đơn vị đã chủ động bố trí thời gian tập trung để các đại biểu viết thu hoạch, liên hệ thực tiễn và đăng ký các phần việc cụ thể sẽ giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Đối với bài thu hoạch của cán bộ chủ chốt tỉnh, kế hoạch của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau học tập nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII và các chuyên đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập tổ nghiên cứu, đánh giá chất lượng và tổng hợp kết quả báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Báo cáo viên tại hội nghị các cấp chủ yếu là đồng chí bí thư, các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy và báo cáo viên cấp trên có trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết các đồng chí đều chuẩn bị kỹ đề cương, có phương pháp truyền đạt rõ ràng, kết hợp với nắm bắt kịp thời những thông tin mới, trong quá trình giới thiệu những nội dung cơ bản của nghị quyết, nhiều vấn đề có tính lý luận và thực tiễn được tập trung luận giải, phân tích làm rõ, giúp cho người học có thêm những thông tin, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở cơ sở. Bên cạnh đó, trình độ văn hóa, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng cao; công tác chuẩn bị, cấp phát các loại tài liệu nghiên cứu đáp ứng cơ bản đầy đủ (đạt trên 95%).
Cấp ủy các cấp đã quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quán triệt học tập, tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đến nay, 13/13 huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và hầu hết đảng ủy cơ sở có hội trường lớn đảm bảo đủ ghế ngồi và các phương tiện, thiết bị cần thiết; nhiều xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại, vì vậy chất lượng công tác tuyên truyền từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp từ sau khi có Đề án 01-ĐA/TU đảm bảo ngắn gọn, thiết thực, bám sát quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thảo luận ngay tại hội nghị quán triệt học tập; đối với đảng ủy cơ sở chủ yếu tổ chức thảo luận, tham gia ý kiến tại các buổi sinh hoạt chi bộ; một số cơ sở tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ mở rộng để thảo luận, lấy ý kiến tham gia. Việc xây dựng kế hoạch hành động cá nhân người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao ngày càng sát thực hơn.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt học tập, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án số 01, trong đó, tập trung một số nội dung sau:
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng. Sau mỗi đợt tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, các cấp ủy cần chỉ đạo, theo dõi việc viết bài thu hoạch cá nhân nhằm tránh việc sao chép hình thức hoặc đối phó.
Cần đầu tư công sức, trí tuệ, huy động các nguồn lực để chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực sự sát hợp, khả thi, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc.
Tiếp tục tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia, đồng thời bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện cổ động trực quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Lưu Ngọc Tú

 

Tin liên quan