Đến ngày 30/9/2020, đã có trên 5,3 vạn lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Hưng Yên tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Qua báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cho thấy không khí thảo luận ở các đại hội, hội nghị, nhìn chung diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, thể hiện tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; các ý kiến nhất trí với kết cấu, bố cục, phương pháp trình bày, đảm bảo tính chặt chẽ, logic, khoa học, có sự đổi mới, phản ánh tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến đều có chung nhận định: Dự thảo các văn kiện của Trung ương được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, mang tính khái quát và toàn diện cao; nội dung được trình bày rõ, thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có bước phát triển mới về lý luận, phản ánh khách quan thực tiễn, tình hình trong nước và thế giới, tính chất và xu thế thời đại; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, biện pháp phát triển đất nước trong tương lai. Một số ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung một số đánh giá, nhận định và góp ý điều chỉnh một số từ, ngữ trong dự thảo văn kiện.
Bên cạnh đó, có một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương: quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu, đôn đốc kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ có hiệu quả những khó khăn phát sinh liên quan đến chủ trương, chính sách, để chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả (có chính sách phù hợp, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất được Văn kiện Đại hội XII đề cập, song việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều lúng túng, đến nay chưa có quy định và chính sách cụ thể để áp dụng thực hiện); có những chính sách thiết thực ưu tiên, tạo điều kiện, hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các vùng biên giới, hải đảo, đầu tư lớn cho công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý hành vi phá rừng, khai thác tài nguyên không đúng quy định, gây sạt lở, ô nhiễm môi trường và thất thoát nguồn lực quốc gia; có cơ chế đặc thù về bố trí nguồn lực đối với các địa phương mới được giao tự chủ về ngân sách và có điều tiết về Trung ương (trong 5 năm, 10 năm đầu kể từ khi có điều tiết) để hỗ trợ địa phương đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khuyến khích các tỉnh, thành trong cả nước phấn đấu tự cân đối được thu - chi ngân sách để có thêm nhiều nguồn ngân sách điều tiết về Trung ương.
Vũ Hà