KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/10/2019 - Lượt xem: 107
Hướng dẫn thực hiện Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở. 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Hệ thống hóa, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác tuyên giáo ở cơ sở, các nội dung cụ thể của công tác tuyên giáo ở cơ sở và kỹ năng, nghiệp vụ công tác trong từng nội dung gắn với cập nhật thông tin, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
1.2. Giúp người học nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ, nội dung, tổ chức, phương thức và kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo ở cơ sở.
1.3. Giúp người học vận dụng những kiến thức đã tiếp thu một cách chủ động, sáng tạo, đúng hướng để nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo ở cơ sở.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở phải bám sát nội dung chương trình, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chú trọng cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở, đồng thời bám sát thực tiễn và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền, vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra.
 - Tổ chức bồi dưỡng phải đúng đối tượng, bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. 
- Bồi dưỡng nghiệp vụ phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc tổ chức và học tập chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở.
II. ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
- Bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở.
- Cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở.
- Cán bộ ban dân vận, ban công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị ở cơ sở.
III. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Công tác tuyên giáo ở cơ sở những năm trước, Chương trình bồi dưỡng năm 2019 gồm 6 chuyên đề được biên soạn, chỉnh lý và cập nhật các thông tin mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng gắn với việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nghiệp vụ công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay, được sơ đồ hóa và có các ví dụ minh họa phong phú từ địa phương, cơ sở.
Ngoài 6 chuyên đề quy định thống nhất chung, tuỳ theo đối tượng, yêu cầu và điều kiện của địa phương, cơ sở, có thể lựa chọn giới thiệu thêm một số báo cáo, như tình hình, nhiệm vụ của địa phương; kinh nghiệm công tác tuyên giáo (toàn diện hoặc từng mặt) của một số tổ chức, đơn vị làm tốt; thông báo thời sự, chính sách mới. Tổ chức cho người học đến tham quan thực tế cơ sở kinh tế, văn hoá... ở địa phương để bổ sung thêm những hiểu biết về công tác tuyên giáo ở cơ sở.
Những vấn đề cần chú ý khi giảng 6 chuyên đề được giới thiệu, kèm theo Hướng dẫn này.
VI. HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP VÀ TỔ CHỨC LỚP HỌC
- Trước khi mở lớp cần nắm chắc đặc điểm đối tượng để tùy theo đối tượng học, giảng viên có thể lựa chọn một số nội dung trong tài liệu để đi sâu phân tích, làm rõ, kết hợp giảng bài với tổ chức thảo luận nhóm, trao đổi kinh nghiệm giữa các học viên cho phù hợp và thiết thực. Không nhất thiết phải tổ chức giảng dạy tất cả những nội dung trong bài mà có thể để học viên tự nghiên cứu, tham khảo.
- Lựa chọn kỹ đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng trình bày tốt các chuyên đề.
- Tổ chức lớp học: Tổ chức học tập theo lớp, có thể mở lớp chung cho các đối tượng, tốt nhất là mở lớp riêng cho từng loại đối tượng; có thể mở lớp tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh hoặc theo các đơn vị cơ sở (xã, phường, doanh nghiệp, trường học,…). Tập trung lên lớp nghe giảng, thảo luận, giải đáp thắc mắc; viết bản thu hoạch, đánh giá kết quả qua bản thu hoạch.
Trong quá trình giảng bài, kết hợp giảng giải với trao đổi, đối thoại giữa giảng viên với học viên, giữa học viên với học viên. Tổ chức tham quan, nghe báo cáo kinh nghiệm thực tế cũng được coi là nội dung học tập chính thức, có liên hệ, thu hoạch.
V. THỜI GIAN
Thời gian học tập: 5 đến 6 ngày, trong đó:
- Lên lớp 6 chuyên đề (mỗi chuyên đề 1 buổi): 3 ngày
- Tham quan, báo cáo bổ sung: 0,5 - 1 ngày
- Trao đổi, thảo luận: 0,5 -  1 ngày
- Hệ thống, giải đáp thắc mắc: 0,5 ngày
- Viết thu hoạch, tổng kết :  0,5 ngày
VI. TÀI LIỆU
1. Tài liệu học tập chính thức:
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.
2. Tài liệu tham khảo cần đọc:
Tài liệu tham khảo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền miệng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.
Những nội dung cơ bản và mới trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.
- Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Văn kiện các hội nghị Trung ương khóa XII.
- Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
- Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.
- Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”
- Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
- Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, môi trường, dân số, trẻ em, an sinh xã hội…
VII.  TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở được thực hiện thống nhất theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương triển khai hướng dẫn thực hiện chương trình sát với tình hình địa phương; bồi dưỡng giảng viên (chuyên trách và kiêm nhiệm), nắm vững nội dung và phương pháp giảng dạy các bài trong chương trình.
Việc mở lớp do thường trực cấp ủy cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh chỉ đạo; Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm tham mưu về nội dung và đề xuất danh sách báo cáo viên để cấp uỷ quyết định.
Ban Tuyên giáo cùng với Ban Tổ chức, Văn phòng cấp uỷ và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch mở lớp.
Sau mỗi lớp học, Trung tâm cùng với Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Văn phòng cấp uỷ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, báo cáo cấp uỷ quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành uỷ; tiếp tục theo dõi học viên vận dụng, phát huy kết quả học tập trong hoạt động thực tiễn.
Chương trình này thay thế cho chương trình bồi dưỡng công tác tuyên giáo ở cơ sở biên soạn và phát hành trước đây.
Việc cấp giấy chứng nhận cho mỗi học viên sau khóa học được thực hiện theo quy định hiện hành.
Trong quá trình thực hiện chương trình, nếu có những điểm cần điều chỉnh, bổ sung, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương./.
Nguồn: tuyengiao.vn
Tin liên quan