Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) chiều 21-5, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Ngày 21-5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho rằng, hơn một tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng là một tín hiệu đáng mừng. Chúng ta đã dập tắt các ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Hiện nay, người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, khi dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn hiện hữu. Những ngày qua, Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca bệnh từ nước ngoài về, có ngày phát hiện tới 25 ca (15-5). Vì thế, chúng ta còn phải xác định nguy cơ các ca bệnh xâm nhập khi tiếp tục thực hiện tổ chức các chuyến bay đón công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia nhấn mạnh, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở. Trong nước, chúng ta phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...
Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khỏe sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Ngành công an có trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.
Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Ban Chỉ đạo cũng đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; Công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới. Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.
Nguồn: nhandan.com.vn